Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Trường Đại học mỹ thuật Việt Nam: Hiệu trưởng lợi dụng chức vụ “tư lợi” cá nhân?

TDVN 10:57 04/07/2020

Ông Lê Văn Sửu hiện là Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trong quá trình làm quản lý ông Sửu đã có những biểu hiện của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “tư lợi” cá nhân, gây thất thoát.

Năm 2015-2016, theo bảng thống kê do phòng tài vụ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cung cấp về số lượng vượt tiết của ông Sửu thì số tiết vượt giờ là 67,5 tiết; năm 2016-2017 là 175,5 tiết; năm 2017-2018 là 54 tiết và năm 2018-2019 số tiết vượt giờ là 43,5 tiết.

Hình ảnh phòng học ngoại ngữ.

Theo quy định, định mức giờ chuẩn của ông là 40,5 tiết/năm. Năm 2016-2017 số tiết vượt giờ của ông là 67,5 tiết. Do phòng đào tạo “tính nhầm” thành 175,5 tiết dẫn tới số tiết bị nhầm là 108 tiết.

Trao đổi về nội dung này, bà Giang Nguyệt Ánh – Phó trưởng phòng đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế cho biết đã tính nhầm giờ giảng dạy năm 2016-2017 và thanh toán cho ông Sửu số tiền vượt giờ 175,5 tiết nhưng thực tế chỉ là 67,5 tiết. Vậy nên ông Lê Văn Sửu có nhận số tiền vượt giờ cao hơn số tiền thực tế là có thật.

Theo Báo cáo số 17/BC – TTr của Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch về kết quả xác minh nội dung tố cáo đối với ông Lê Văn Sửu, việc ông Sửu nhận kinh phí thừa là hành vi sai và phải hoàn trả lại tiền cũng như nghiêm túc rút kinh nghiệm và kiểm điểm.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, số tiết ông Sửu “nhận nhầm” có phạm vào số tiết của giảng viên nào đó và dẫn tới họ không được nhận hay không? Bởi, số tiết cho từng môn trường đã có cụ thể nên sẽ rất khó có chuyện tính thừa ra để chi mà tổng số tiền chi cho môn học đó lại vẫn hợp lệ được. Trừ khi, kế toán và bộ phận quản lý công tác này đã có những thỏa thuận nào đó về nội dung này?

Nhiều dấu hiệu bất thường của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cụ thể như: tất cả các hạng mục sân vườn, phù điêu, bể nước, cảnh quan trong khuôn viên trường sau 2 năm đưa vào sửa dụng đều được sửa sang và chi số tiền không nhỏ. Lý giải cho việc này, ông Sửu cho rằng, trong quá trình vận hành có một số bất cập diễn ra như: Cây bóng mát do thiếu nước nên chết dần, đài phun nước thường xuyên phải sửa chữa do tắc vì lá cây rụng. Những lý do này thực sự có thuyết phục hay không, chắc chắn dư luận không khó để có được câu trả lời.

Đáng nói nhất trong câu chuyện lãng phí ở hạng mục này là sân vườn và đài phun nước nằm trong dự án xây dựng công trình nhà học khoa điêu khắc – Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Số tiền được quyết toán dự án theo quyết định số 1563/QĐ-BVHTTDL ngày 27/5/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên tới con số 2.917.718.434 đồng.

Cùng câu trả lời với ông Sửu, tập thể lãnh đạo Trường khẳng định việc sửa chữa khi chưa hết khấu hao không có mục đích lợi dụng, không lãng phí, không có cơ sở để xác định việc sửa chữa gây lãng phí. Căn cứ của ban lãnh đạo trường là: “Chủ trương cải tạo, sửa chữa đã được tập thể lãnh đạo thống nhất tại buổi họp giao ban ngày 5/9/2016!!!”.

Nghiêm trọng hơn, cũng tại trường này, thư viện điện tử gần 9 tỷ đồng và phòng học ngoại ngữ được đầu tư bài bản và chi phí cao so với các trường trên cả nước nhưng lại vô cùng èo ọt trong việc tận dụng công năng và sử dụng hiệu quả.

Công trình xây dựng thư viện điện tử được thực hiện theo quyết định phê duyệt đề án số 3963/QĐ-BVHTTDL ngày 20/10/2017 của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch với tổng mức đầu tư là 8.789.283.000 đồng. Số tiền lớn như vậy nhưng cả 1 năm 2019, số lượt mượn và xem cũng như tải tài liệu chỉ vỏn vẹn trên 500 lượt, tương đương với 1 website điện tử cung cấp tài liệu miễn phí trên mạng xã hội hoạt động trong… 1 ngày.

“Sau 2 năm học thì chỉ biết tới thư viện sách đây là lần đầu tiên nghe tới thư viện điện tử”- một sinh viên năm 2 khoa đồ họa chia sẻ.

Đối với hạng mục phòng học ngoại ngữ, báo cáo của ông Tạ Xuân Bắc Trưởng phòng hành chính – tổng hợp cho thấy, việc sử dụng phòng học ngoại ngữ là theo thời gian biểu của trường. Ngoài thời gian học ngoại ngữ có thể sử dụng để giảng dạy các môn học khác.

“Đối với môn học ngoại ngữ khi được học tại trường thì không được như mong muốn, còn thô sơ và chưa đáp ứng đủ điều kiện học, cơ sở vật chất còn thiếu”- một bạn sinh viên khác của trường cho hay.

Con số thống kê cho thấy, trong khoảng 3 tháng, số buổi học được dùng đúng mục đích học ngoại ngữ là 26 buổi. Cũng trong khoảng thời gian đó, số buổi dành cho các môn học khác ở đây lại lên tới con số 76 buổi. Dường như đã có sự đầu tư sai công năng, mục đích khi mục đích chính thì chỉ sử dụng cầm chừng còn mục đích đào tạo khác lại vượt trội một cách bất thường? 76 buổi học kia là học môn gì và vì sao lại dùng phòng học ngoại ngữ? Câu hỏi này xin được dành cho ban lãnh đạo nhà trường.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Nghề nghiệp CS

Link gốc : https://nghenghiepcuocsong.vn/truong-dai-hoc-my-thuat-viet-nam-hieu-truong-loi-dung-chuc-vu-tu-loi-ca-nhan/

Bạn đang đọc bài viết Trường Đại học mỹ thuật Việt Nam: Hiệu trưởng lợi dụng chức vụ “tư lợi” cá nhân? tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay