Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu... lỗ
Trước tình trạng thị trường xăng dầu xuất hiện nhiều bất cập trong vấn đề nguồn cung, nhiều cây xăng đóng cửa vì không mua được xăng về bán, nhiều người đặt nghi vấn "có hay không tình trạng "găm hàng" để chờ tăng giá?", bởi phiên điều hành giá ngày 13.5 có mức tăng không như doanh nghiệp mong muốn?
Một thương nhân phân phối xăng dầu (tổng đại lý) khẳng định với Lao Động "làm sao mà khan hàng được", vì đầu mối có lượng dự trữ từ tổng kho. Nếu nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...., thì chỉ trong vòng một tuần là hàng về đến Việt Nam".
Theo thương nhân này, tình trạng đứt nguồn cung trước giờ điều chỉnh giá bán xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, thực chất là câu chuyện "găm hàng". Bởi, hiện nay, giá xăng dầu
thế giới có xu hướng tăng trở lại, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh theo diễn biến này.
"Tại kỳ điều chỉnh ngày mai (28.5), giá xăng có thể sẽ tăng ở mức hơn 1.000 đồng/lít còn giá dầu vào khoảng 600 - 700 đồng/lít. Cơ quan điều hành có khả năng không xả quỹ. Đồng thời tiếp tục trích lập nhưng mức trích có thể sẽ giảm đi. Chính vì vậy, đầu mối chờ đến kỳ điều chỉnh ngày mai mới bung hàng trở lại", thương nhân phân phối này nhận định.
Theo thương nhân này, giá xăng dầu tiếp cận với giá thế giới rất nhanh, các đầu mối và thương nhân phân phối, họ phân tích số liệu hằng ngày và "sẵn sàng" phản ứng với giá thị trường thế giới để có phương án điều chỉnh giá bình quân xăng dầu.
Chẳng hạn, ngày hôm nay (27.5), xăng RON 95 giá xăng dầu bình quân lỗ so với giá cơ sở từ 1.700 đến 1.750 đồng (tham chiếu theo giá thị trường của Singapore), xăng E5 lỗ từ 1.400 đến 1.480 đồng, dầu cũng lỗ tương tự.
Như vậy, theo tính toán trên, với giá cơ sở xăng RON 95 ngày điều chỉnh 13.5, công ty của ông lỗ hơn 1.000 đồng một lít, dầu DO lỗ hơn 400 đồng mỗi lít. Và, phải tới khi giá thế giới lên ngưỡng 40 USD một thùng, trở lại mức giá trước khi có COVID-19 thì doanh nghiệp mới hết lỗ, không còn tình trạng bán nhỏ giọt chờ tăng giá.
"Thực tế trên cho thấy xăng dầu bỗng khan hiếm có bất cập trong quản lý điều hành xăng dầu. Số doanh nghiệp đầu mối được nhập khẩu, mua xăng dầu dù có tăng lên nhưng bên phân phối, đại lý vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối này. Họ không thể mua trực tiếp từ nhà máy lọc dầu", thương nhân này nói.
Chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày quá dài
Việc điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, theo thương nhân phân phối trên "chu kỳ điều chỉnh này quá dài". Chính độ trễ này là nguyên nhân dẫn tới tình trạng xăng dầu được các đầu mối bán ra nhỏ giọt, chờ tăng giá để giảm bớt lỗ do trước đó họ đã âm vốn quá sâu vì dịch.
"Thị trường xăng dầu biến động hằng ngày, hằng giờ mà 15 ngày mới điều chỉnh giá là chậm, tốt nhất là hãy để thị trường tự điều tiết, thay đổi cơ chế điều hành. Phải làm sao để giá xăng dầu trong nước gần hơn với biến động của giá thế giới", thương nhân phân phối này nói.
Ở một diễn biến khác, ông Trịnh Quang Khanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh xăng dầu Việt Nam khẳng định "không thiếu xăng dầu".
"Theo quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, một đại lý bán lẻ chỉ được ký kết hợp đồng với một đầu mối nhập khẩu, hoặc một thương nhân phân phối nhằm đảm bảo chất lượng, giá xăng dầu.
Nhưng thực tế, họ ký và mua từ nhiều nguồn khác nhau và chỗ nào chiết khấu cao hơn thì chọn. Trong khi đó hầu hết các đầu mối nhập khẩu xăng dầu chỉ cung cấp lượng xăng dầu theo hợp đồng đã ký", ông Khanh nói.
Theo Báo Lao động