Tôi đã gặp rất nhiều “người mẹ lỗi” trong các tâm sự gửi tới hòm thư của mình. Những người mẹ cảm thấy mình là một người mẹ tệ, người mẹ lỗi, người mẹ không ra gì, người mẹ kém cỏi… Từ cả những thứ lỗi vô lý như không sinh được con trai cho nhà chồng đến những lỗi (tưởng là) có lý như con học dốt, lười học, phá phách… Cả những người mẹ thấy mình thật tội lỗi vì ly dị chồng nhưng không thể giành được quyền nuôi con, để con phải gọi người phụ nữ khác là mẹ, con ốm đau mà không thể chăm sóc.
Không! Bạn không phải là một bà mẹ lỗi, làm ơn! Con hư không phải tại mẹ chiều, xin nhớ cho. Bạn không có lỗi nếu như bạn đã yêu thương con mình. Bạn càng không có lỗi nếu như bạn chọn làm một bà mẹ chiều chuộng con cái và từ chối vai mẹ ác. Bởi tôi luôn tin rằng mọi đứa trẻ khi được mẹ yêu thương, chiều chuộng đều là những đứa trẻ hạnh phúc. Cho dẫu nhiều người lớn hôm nay vẫn khẳng định rằng họ trưởng thành và thành công là nhờ có mẹ ác, mẹ hổ nuôi dạy họ bằng kỷ luật quân đội. Thì điều đó không có nghĩa là con hư tại mẹ chiều chuộng. Bởi ngoài mẹ còn bố, còn ông bà, còn ngôi trường con học, còn bạn bè con chơi và cả những thứ con xem, nghe, đọc, thấy. Bạn không phải nguyên nhân duy nhất nếu con hư. Nói vậy không có nghĩa là bạn được miễn trừ trách nhiệm nhưng bạn không phải là nguồn cơn của việc này.
Phụ nữ luôn bị gắn mác về nuôi dạy con cái. Định kiến xã hội luôn lấy con cái làm thước đo đánh giá một phụ nữ. Từ những hân hoan của việc sinh được con trai đến cả những tự hào vì mình là “người đẻ thuê thành công” nếu con giống bố như đúc khuôn. Con lớn lên đi học thì nhiều mẹ than (khoe) phiếu mắng con, cho rằng những điểm 9, điểm 10 của con tỉ lệ thuận với cổ họng thét gào của mẹ. Nhiều mẹ khoe thành tích của con bằng sự ám chỉ mình đã hoàn thành vai mẹ xuất sắc khiến cho những người mẹ có con học kém, không có thành tích thấy mình trở thành mẹ lỗi. Nhiều người chồng tìm đến tôi than thở việc hai vợ chồng họ cãi nhau mỗi ngày chỉ vì mẹ nó bắt nó học nhiều quá, nói thế nào mẹ nó cũng không nghe. Tôi vẫn nói với những người chồng đó về ám ảnh tội lỗi của phụ nữ khi làm mẹ và khuyên họ hãy hiểu và chia sẻ với vợ mình nhiều hơn, cho vợ mình biết rằng con học kém là tại gen… bố chứ không phải tại mẹ đâu.
Phụ nữ luôn lo lắng nhiều hơn đàn ông cũng là bởi ám ảnh mẹ lỗi nếu như họ không lo lắng như thế. Cái nhãn dán “mẹ không chu toàn”, “mẹ đoảng” khiến nhiều phụ nữ làm mẹ không còn hạnh phúc nữa. Khiến những câu hỏi: “Nụ cười của mẹ đâu rồi?” của nhiều đứa trẻ buột vang lên. Liệu mẹ có hạnh phúc khi mẹ làm mẹ của con??? Mẹ cứ nói mẹ hạnh phúc lắm nhưng sao nụ cười tắt nguội, chỉ toàn những mỏi mệt, lo lắng, cằn nhằn, mắng mỏ, kêu ca, đấm ngực?
Nhưng con hư không lẽ cứ mặc? Nhiều phụ nữ nói với tôi như thế sau khi tôi phân tích về việc hãy trở thành người mẹ hạnh phúc. Và vòng tròn luẩn quẩn lại tái lặp sau hàng trăm lời khuyên như vậy. Người mẹ cứ ôm đồm hết tất thảy vào mình để rồi mặc con côi cút, bơ vơ, không còn thấy vui khi ở bên mẹ nữa, chọn cách tránh mẹ càng nhiều càng tốt vì mẹ phiền phức, mẹ hay quát mắng vô lý, mẹ hay hỏi han, mẹ không tin con, mẹ hay đòi hỏi, mẹ toàn thấy lỗi, soi lỗi…
Tôi vẫn cho rằng không có đứa trẻ nào hư cả nếu nó thấy nó hạnh phúc nhất khi ở bên mẹ, trò chuyện với mẹ. Và một bà mẹ chỉ lỗi khi bạn hết yêu thương con mình. Non xanh còn đó, cháo nóng húp quanh, tôi vẫn chẳng đã nói đó ư, làm cha mẹ là suốt một đời, cho đến khi bạn nhắm mắt xuôi tay mà. Con trưởng thành theo sự trưởng thành của mẹ, con hạnh phúc vì mẹ hạnh phúc mà, phải không?