Theo thông tin từ Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Long, trong đợt thanh tra chuyên ngành đợt 2 năm 2021 về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và ghi nhãn sản phẩm hàng hóa, đoàn thanh tra của Sở đã phối hợp với Chi cục TCĐLCL, Trung tâm Ứng dụng KH&CN cùng các Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện thị thành tiến hành thanh tra tại 23 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Đoàn đã thực hiện các thủ tục lấy 5 mẫu xăng Ron95-III, 2 mẫu dầu DO0,05%S và 6 mẫu vàng trang sức để thử nghiệm chất lượng.
Qua thanh tra, các doanh nghiệp đều chấp hành đúng quy định nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trong sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, đối với nội dung về ghi nhãn hàng hóa, có 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm, tổng số tiền phạt 17 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp vi phạm khắc phục các lỗi vi phạm trên nhãn hàng hóa.
Liên quan tới vấn đề thực hiện quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) Nguyễn Hoàng Linh cho biết, thời gian gần đây, các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi khác nhau. Điều này làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm mất đi thương hiệu Việt Nam và gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế nước ta.
Do đó, vào năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, trong đó giao cho Bộ KH&CN nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
Ảnh minh họa |
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Linh, bản dự thảo vừa hoàn thiện vào tháng 4/2021 và đang được lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, doanh nghiệp. Dự thảo tập trung vào ba điểm chính: 1. Bổ sung các quy định liên quan đến ghi nhãn hàng xuất khẩu và nhập khẩu; 2. Bổ sung nội dung cho phép một số thông tin trong nhãn được thể hiện theo phương thức ghi nhãn điện tử, qua đó tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới trong ghi nhãn hàng hóa cũng như truy xuất nguồn gốc; 3. Bổ sung quy định để Bộ Y tế có thể hướng dẫn việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm.
Điểm đáng chú ý trong Dự thảo sửa đổi là hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu sẽ được ghi nhãn theo pháp luật của nước nhập khẩu, trong trường hợp nếu nhãn của sản phẩm có thể hiện xuất xứ hàng hóa Việt Nam thì nội dung xuất xứ đó phải bảo đảm đáp ứng quy định liên quan của pháp luật Việt Nam. Đối với hàng nhập khẩu, dự thảo mới yêu cầu trên nhãn gốc của hàng hóa bắt buộc phải thể hiện tên hàng hóa, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hoặc nơi hàng hóa được hoàn thiện cuối cùng (trường hợp trên nhãn gốc không thể hiện xuất xứ hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa thì bắt buộc phải thể hiện nội dung này trong hồ sơ nhập khẩu kèm theo).
Theo ban soạn thảo, quy định mới về các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn gốc này sẽ giúp thủ tục hải quan thuận lợi hơn (trước đây cơ quan hải quan gặp khó khăn do không có quy định rõ về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn gốc hàng nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan), đồng thời tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng thay đổi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng.
Ngoài ra, với xuất xứ hàng hóa nói chung (cả lưu thông trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu), dự thảo nghị định cũng bổ sung thêm cách ghi đối với trường hợp không xác định được xuất xứ, đó là phải ghi rõ, minh bạch về nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa, ví dụ như “lắp ráp tại”, “đóng chai tại”,...
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Linh, dự thảo Nghị định sửa đổi nếu được thông qua sẽ giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình áp dụng Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thời gian qua, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để xử lý những hành vi vi phạm về nhãn, gian lận xuất xứ hàng hóa hay chuyển tải bất hợp pháp.
Theo VietQ