Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Bến đỗ nào cho ngành thời trang xa xỉ năm 2023?

Đỗ Hiền 15:46 13/02/2023

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, ngành thời trang đắt đỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023.

Theo các nhà phân tích tại Citi và Bain - hai công ty tư vấn quản lý tài chính tại Mỹ cho biết, năm 2022, sau khi các hạn chế về đại dịch Covid-19 được nới lỏng tại các quốc gia, thị trường hàng xa xỉ đã hồi sinh ngoạn mục đạt giá trị 353 tỷ euro. Theo đó, cổ phiếu tại các thương hiệu lớn tăng vượt trội trong 6 năm liên tiếp, những người mua sắm cũng thoải mái chi tiêu hơn nhờ rủng rỉnh tiền tiết kiệm sau giãn cách xã hội.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, ngành thời trang đắt đỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo CNA, các thương hiệu xa xỉ đang phải chuẩn bị cho sự suy thoái vào năm 2023, đó là những bất ổn về kinh tế, giá năng lượng, lãi suất tăng cao... sẽ tác động không nhỏ đến nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Tập trung vào phân khúc siêu giàu

Theo McKinsey, Công ty tư vấn chiến lược quản trị toàn cầu cho các tập đoàn, chính phủ và tổ chức đa quốc gia, ngành thời trang đang chuẩn bị cho sự sụt giảm doanh số trong năm 2023. Tuy vậy, lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng dù chậm hơn so với năm 2022. Cụ thể, mức độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thời trang sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch và khả năng phục hồi của thị trường Mỹ.

Các thương hiệu sẽ tập trung vào nhóm siêu giàu và thế hệ thanh thiếu niên.

Claudia D'Arpizio, nhà phân tích tài chính tại Bain, cho biết quyết định nới lỏng hoạt động đi lại trong và ngoài nước của Trung Quốc có thể dẫn đến doanh số bán hàng tăng 6-8% trong năm nay. Đặc biệt, Nhật Bản có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất khi người Trung Quốc tận dụng việc đồng yên giảm giá để mua các sản phẩm xa xỉ.

Các thương hiệu và nhà bán lẻ cho biết những người mua hàng hiệu thường xuyên tại Mỹ đã suy giảm. Tuy nhiên, nhóm người giàu nhất thế giới, chiếm 40% trong tổng số khách hàng mua sắm hàng hiệu, vẫn sẵn sàng chi hơn 2% tổng thu nhập của họ cho việc mua sắm.

Vì vậy, các nhãn hàng sẽ tiếp tục cạnh tranh, tập trung vào nhóm siêu giàu này bằng các chương trình, trải nghiệm độc quyền.

Đầu năm 2023, Balenciaga mở một cửa hàng ở Paris chỉ để phục vụ những vị khách đã chi tiêu nhiều nhất tại hãng. Trong khi đó, Chanel cũng đang lên kế hoạch làm điều tương tự ở châu Á trong năm nay.

Việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội đã khiến tầm quan trọng của việc mặc đẹp quay trở lại. Các thương hiệu thời trang cũng cho biết sẽ tập trung nhiều hơn vào thanh thiếu niên, những người mua hàng xa xỉ lần đầu tiên khi mới 13 tuổi. Để tiếp cận đối tượng khách hàng này, các nhà mốt sẽ phải tiếp tục đầu tư vào các kế hoạch quảng cáo bằng trò chơi, metaverse… những môi trường nhận được sự quan tâm của người trẻ tuổi.

Các thương hiệu xa xỉ đặt cược vào sự trở lại của thị trường Trung Quốc

Các thương hiệu cao cấp châu Âu vẫn tiếp tục có động thái mở rộng đầu tư vào Trung Quốc, dự kiến sẽ trở thành thị trường lớn nhất của ngành vào năm 2025, bất chấp một năm đầy biến động tại đất nước tỷ dân này.

Cụ thể, Hermes đã khai trương một cửa hàng mới quy mô tại thành phố Nam Kinh, báo hiệu niềm tin của thương hiệu này về sự trở lại mạnh mẽ của người mua sắm Trung Quốc sau ba năm hạn chế nghiêm ngặt do đại dịch Covid-19.

Tương tự, các nhãn hàng “siêu sang” như Brunello Cucinelli, Stefano Ricci, Loro Piana và Icicle đang chứng kiến sự gia tăng doanh số bán hàng tại Trung Quốc, bất chấp tình hình tài chính không ổn định hiện tại.

Theo Bain & Co, dưới tác động của đại dịch, doanh thu bán hàng xa xỉ trong nước của Trung Quốc đã bùng nổ, tăng gấp đôi lên 471 tỷ NDT (68,25 tỷ USD) trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021. Nhiều công ty xa xỉ như LVMH - chủ sở hữu thương hiệu thời trang cao cấp Louis Vuitton và Tapestry, “cha đẻ” của thương hiệu Coach đã tăng gấp đôi số lượng cửa hàng mở tại Trung Quốc trong ba năm qua và tổ chức các buổi trình diễn thời trang lớn để tiếp cận những người tiêu dùng đại lục không thể ra nước ngoài do đại dịch.

Bên cạnh các mặt hàng xa xỉ phẩm, nhiều thương hiệu xa xỉ lớn nhất thế giới cũng đang tìm cách tiến sâu hơn vào thị trường lifestyle Trung Quốc, thu hút những người có ảnh hưởng ở các thành phố bên ngoài Bắc Kinh và Thượng Hải bằng các nhà hàng, quán cà phê và quán bar mới. Không dừng lại ở các thành phố lớn nhất, các thương hiệu xa xỉ đang đeo bám cả những người có ảnh hưởng Trung Quốc ở những vùng xa hơn.

Amrita Banta, Giám đốc Điều hành tại Agility Research & Strategy, nhận xét rằng kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020, những các nhân có tài sản ròng cực cao của Trung Quốc luôn kiên cường hơn về cả tâm lý và xu hướng chi tiêu cho những thứ xa xỉ. Sự giàu có tột độ đồng nghĩa với việc họ là người cuối cùng cảm nhận được ảnh hưởng của một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ngoài ra, trên thực tế, số lượng tỷ phú ở Trung Quốc đã tiếp tục vượt qua Mỹ, có nghĩa là bối cảnh văn hóa xã hội của đất nước này đang thay đổi tương ứng.

Theo Bain & Co, Trung Quốc được coi là có khả năng vượt qua thị trường xa xỉ của Mỹ vào năm 2025. Giờ đây, khi nước này không còn kiên định với chính sách “zero Covid” nữa, Trung Quốc dự kiến sẽ đóng vai trò là nguồn tăng trưởng quan trọng trong những tháng tới khi châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng và nền kinh tế Mỹ nguội lạnh.

Đỗ Hiền - ViệtQ

Link gốc : Đỗ Hiền - ViệtQ

Bạn đang đọc bài viết Bến đỗ nào cho ngành thời trang xa xỉ năm 2023? tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh