Theo các nhà nghiên cứu, đây là kết quả được ghi nhận trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng thứ 3 của loại vaccine nêu trên. Abdala là loại vaccine đầu tiên tự sản xuất được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Mỹ Latinh. Abdala trước đó đã được thông báo đạt hiệu quả 92,28% trong phòng ngừa truyền nhiễm Covid-19 có triệu chứng.
Theo bà Marta Ayala, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Cuba (CIGB) – cơ sở phát triển dược phẩm, số người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của loại vaccine này ở Cuba là 300.000 người.
Đại diện CIGB cũng cho hay, vaccine ngừa Covid-19 Mambisa của Cuba cũng đã được đưa vào danh sách toàn cầu các loại thuốc miễn dịch qua đường mũi tiến tới giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Mabisa là 1 trong 5 vaccine, trong tổng số hơn 300 loại đăng ký trên thế giới, sử dụng qua đường mũi. Đây cũng là 1 trong 5 vaccine ngừa Covid-19 mà Cuba phát triển, tính cả Abdala và là ứng viên duy nhất sử dụng qua đường nhỏ mũi với một liều duy nhất.
Theo thống kê, Cuba có 3,2 triệu người dân nước này được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, với tổng số 7,9 triệu liều đã được sử dụng. Trong đó hơn 2 triệu người đã hoàn thành việc tiêm chủng với đủ 3 liều.
Như vậy, Cuba vẫn đang triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra là tới hết tháng 8 hoàn thành tiêm chủng từ 60 – 70% dân số với 11 triệu người; cũng như vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn thành tiêm chủng ngừa Covid-19 cho toàn bộ dân số với vaccine tự sản xuất trong nước.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba Manuel Marrero Cruz. Chia sẻ kinh nghiệm khả năng hợp tác trong lĩnh vực cung ứng và sản xuất vaccine, hai Thủ tướng nhất trí chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan mỗi nước trao đổi thông tin chuyên môn, phối hợp để đạt thỏa thuận cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19 của Cuba cho Việt Nam.
Thủ tướng Cuba khẳng định mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế, nghiên cứu và sản xuất dược phẩm, bao gồm việc hợp tác cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cũng có cuộc làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Y tế Cuba, lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật Gene và công nghệ sinh học Cuba, Tập đoàn Dược - sinh học Cuba về cung ứng vaccine Covid-19 do Cuba sản xuất và chuyển giao công nghệ, đóng ống vaccine này tại Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, phía Cuba bày tỏ sẵn sàng ký kết hợp tác với Việt Nam về cung ứng vaccine Abdala, đồng thời hợp tác với Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này. Nếu Việt Nam có nhu cầu về vaccine lớn hơn số vaccine hiện Cuba đang sản xuất, Cuba sẽ mở thêm 2 xưởng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam.
“Cuba có thể đạt được những kết quả to lớn và tốt hơn”, Idania Caballero, một nhà khoa học của tập đoàn dược phẩm nhà nước BioCubaFarma, nói về những thành tựu về y tế mà nước này đã đạt được, theo bài viết trên website Trường Kinh tế Chính trị London (LSE).
Theo ghi nhận trước đó Cuba trở thành nước Mỹ Latin đầu tiên tự sản xuất được vaccine Covid-19. BioCubaFarma tuyên bố rằng vaccine Abdala của họ có hiệu quả 92,28% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.
Đối với Cuba, việc phát triển và xuất khẩu vaccine không chỉ là để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn là cách để nước này thể hiện sức mạnh của mình trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cũng như đóng góp vào nền kinh tế.
Cuba được biết đến với một số đột phá về y tế, bao gồm vaccine đầu tiên điều trị bệnh viêm màng não B, và phương pháp điều trị hiệu quả duy nhất đối với các vết loét nghiêm trọng do tiểu đường gây ra.
Trong thời gian xảy ra đại dịch, Cuba đã sản xuất 13 loại thuốc khác nhau để điều trị các triệu chứng của Covid-19. Cuba cũng được biết đến là nước xuất khẩu vaccine sốt xuất huyết cho hơn 30 quốc gia khác nhau.