Và ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lại vẫn là những câu chuyện buồn về “giải cứu” nhãn Hưng Yên, khoai lang Vĩnh Long hay na Lạng Sơn... tất cả đều xuất phát từ một nguyên nhân đó là Covid-19. Trước đó, hồi đầu tháng 3/2021, hàng nghìn tấn su hào, củ cải tại Mê Linh (Hà Nội) và Tứ Kỳ (Hải Dương) ế ẩm, giá giảm sâu, thậm chí không tiêu thụ nổi, nông dân phải nhổ bỏ. Để “giải cứu”, nhiều tổ chức, đoàn, hội đã hưởng ứng, lập điểm bán hàng không lợi nhuận giúp bà con nông dân.
Đã đến lúc cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Bản thân người nông dân đang có sự bị động trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tư duy sản xuất bất ổn. Nông dân dường như vẫn thiếu thông tin thị trường, vẫn sản xuất theo lối cũ và vẫn chỉ tập trung chạy theo mặt hàng có giá cao nhất thời mà không lường trước diễn biến thị trường.
Nông sản Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Để rồi, khi rơi vào tình huống hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, buộc phải “giải cứu”, mới nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến lược sản xuất. Nói như ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, thì phương thức sản xuất của người dân không thay đổi, chưa làm theo chuỗi. Nông dân quen lối tiêu thụ truyền thống với sản phẩm không có nhãn mác, thương hiệu. Sản xuất chưa hướng tới người tiêu dùng mà hướng tới… thương lái.
Đương nhiên, nông dân là những người đau xót nhất khi thành quả lao động của mình phải rơi vào tình cảnh ùn ứ kéo dài, nhưng hơn ai hết nông dân cần biết tự cứu mình bằng cách định hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi, thành lập hội sản xuất, đăng ký nhãn hiệu tập thể để nâng tầm sản phẩm của mình...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã khẳng định: “Nông sản không phải để giải cứu mà là sản phẩm để nâng niu”. Bởi giá trị của mỗi một sản phẩm nông nghiệp bất kỳ không đơn thuần chỉ định giá bằng tiền tệ. Giá trị đích thực lớn hơn đó là sự khẳng định chất lượng sản phẩm và uy tín của người tạo ra sản phẩm. Chính vì vậy, không ai khác, người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm phải tự biết cách tôn vinh, trân trọng trái ngọt mà chính mình đã tạo ra. Đã đến lúc người nông dân cần có sự thay đổi về tư duy, nếp nghĩ, về cách làm trong sản xuất nông nghiệp(!)
Theo Đại đoàn kết