Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Hải Dương, các mẫu kiểm định đều cho kết quả thanh long không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đồng ý cấp 3 mã số vùng trồng cho 30ha thanh long Đại Uyên, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Australia và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo quy định của phía Trung Quốc và Hoa Kỳ, mã số vùng trồng chỉ có hiệu lực sau khi được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ chấp nhận.
Do đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo đến Chi cục sau khi nhận được kết quả phê duyệt từ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ.
Thanh Long Hải Dương đủ điều kiện xuất khẩu sang Australia. (Ảnh internet) |
Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương đã kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục liên quan để đưa thanh long xuất khẩu. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp tạm thời không về vùng nguyên liệu để thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu thanh long được như kế hoạch.
Tuy vậy, việc được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu là tín hiệu vui cho người trồng thanh long Hải Dương, mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế cho loại cây ăn quả này trong thời gian tới. Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản... Việc gắn mã số vùng trồng hiện nay đang ngày càng được quan tâm hơn do yêu cầu khắt khe từ phía các đơn vị tiêu thụ, nhất là đối tác nước ngoài. Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Thanh long Hải Dương cho thu hoạch tập trung từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm và thu hoạch theo lứa. Hiện nay, toàn tỉnh duy trì trồng 320 ha thanh long, tập trung ở TP Chí Linh (140 ha), huyện Thanh Hà (70 ha), thị xã Kinh Môn (50 ha)... cho sản lượng khoảng 3.500 tấn/năm.
Theo ông Trần Nhật Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hoàng Hoa Thám, thanh long ở địa phương lâu nay chủ yếu được thu mua và tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến việc lưu thông bị ảnh hưởng, thanh long tại địa phương hiện giờ chỉ tiêu thụ nội tỉnh và Hải Phòng.
Hiện thương lái đang mua thanh long tại vườn với giá 12.000 đồng/kg và giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với đầu vụ.
Với giá bán này, mỗi ha thanh long cho lãi khoảng 70 triệu đồng nên nông dân đang hy vọng dịch COVID-19 sớm được khống chế để việc tiêu thụ thanh long sẽ thuận lợi hơn.
Theo VietQ