Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Giải pháp gỡ khó cho nông sản giữa đại dịch Covid-19

TDVN 16:27 07/09/2021

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT liên tục có các cuộc họp, hội nghị ghi nhận những kiến nghị, vướng mắc của nông dân trong việc duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh.

Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát thì hàng loạt nông sản cũng bắt đầu gặp khó về đầu ra, hàng nghìn tấn nông sản bị tồn đọng và đứng trước nguy cơ phải đổ bỏ khi đến kỳ thu hoạch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Ngược lại, việc thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian qua cũng khiến cho người dân trên địa bàn nhiều tỉnh gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm tươi sống mỗi ngày.

Theo báo cáo, nguồn cung nông sản thiết yếu trong nước thời gian vừa qua cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng chậm do sức mua tiêu dùng hạn chế. Đặc biệt, giá trái cây, củ quả tại một số tỉnh giảm mạnh do xuất khẩu gặp khó khăn, tác động và gây áp lực cho tiêu thụ trong nước. Lưu thông hàng hóa nông sản tại một số địa phương thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 gặp nhiều khó khăn do việc vận chuyển ra vào vùng dịch phải tuân thủ các biện pháp hạn chế, cách ly, kiểm dịch, kiểm tra nên ảnh hưởng đến việc thu mua và cung ứng nông sản tới người tiêu dùng.

Giải pháp gỡ khó cho nông sản giữa đại dịch Covid-19

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp trong thời gian qua, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong tiêu thụ nông sản do tư duy cắt khúc trong quản lý. Ngoài ra để giúp bà con nông dân tìm giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng đã đưa ra 3 giải pháp như sau

Một là, thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 đến 10 năm.

Hai là, tăng cường đối thoại, người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ, rằng bất cứ ngành chuyên môn nào đều cần tam giác phát triển, gồm nhà nước - thị trường - xã hội. Chỉ khi mở rộng khoảng giao thoa này đủ lớn, những bất trắc, rủi ro mới giảm xuống.

Ba là, mở rộng các không gian phát triển. Trước đây, ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác đã đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng. Tuy nhiên, hợp tác như vậy, ranh giới địa lý vẫn hằn lên tư duy phát triển, bởi thương lái Cần Thơ đi thu mua lúa ở Đồng Tháp sẽ băn khoăn là GDP sẽ được tính cho địa phương nào.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách mạnh mẽ hơn nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến hàng nông sản để chế biến sâu; phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô.

Kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm.

Xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp. Có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính: Duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ...

Kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương nơi có hoạt động của doanh nghiệp.

Xem xét hỗ trợ giảm ít nhất 1/2 chi phí điện năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất chế biến phải duy trì 3 tại chỗ (nhất là các nhà máy, kho lạnh).

Theo Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/giai-phap-go-kho-cho-nong-san-giua-dai-dich-covid-19-d109801.html

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp gỡ khó cho nông sản giữa đại dịch Covid-19 tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh