Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Nga phát triển công nghệ phát hiện chất độc Thiabendazole trong trái cây

TDVN 16:27 07/09/2021

Các nhà khoa học Nga đang phát triển công nghệ mới giúp phát hiện chất độc Thiabendazole trong trái cây. Công nghệ của các nhà khoa học Nga dựa trên lý thuyết phiếm hàm mật độ.

Các nhà khoa học từ trường Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga MEPhI (NRNU MEPhI) đã phát triển công nghệ mới để phát hiện chất độc hại thiabendazole trong trái cây. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Microchemical Journal. Tham gia nghiên cứu còn có các nhà khoa học từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ả Rập Xê Út.

Konstantin Katin, phó giáo sư tại NRNU MEPhI cho biết rằng, Thiabendazole là loại hoá chất rất nguy hiểm đối với sức khoẻ con người. Khi vào cơ thể, nó có thể gây dị ứng, suy gan và thậm chí có thể gây rối loạn tăng trưởng của thai nhi ở phụ nữ mang thai.

Cần lưu ý rằng, ở Liên minh Châu Âu và Nga, thiabendazole bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, trong nông nghiệp, hoá chất này được đưa vào đất, nó được sử dụng để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, để tẩy rửa và diệt nấm mốc, và các chất cặn bã có thể xâm nhập vào môi trường, sau đó đi vào trái cây và rau quả.

Nga đang phát triển công nghệ phát hiện chất độc trái cây. Ảnh minh họa

Công nghệ của các nhà khoa học Nga dựa trên lý thuyết phiếm hàm mật độ (Density Functional Theory), với sự trợ giúp của lý thuyết này họ đã tạo ra một dung dịch đặc biệt sau khi so sánh cấu trúc phân tử của thiabendazole với những hóa chất khác.

Konstantin Katin lưu ý rằng, một nhóm các nhà khoa học đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm với những dung dịch khác nhau. Một phức hợp phân tử dựa trên betaine và axit pyroslimeic hóa ra lại phù hợp nhất, dung dịch này cho thấy rõ sự hiện diện của chất độc hại trong trái cây.

Ông cũng nhấn mạnh tính đơn giản và hiệu quả kinh tế của công nghệ mới bởi vì cả betaine và axit pyroslimeic luôn có sẵn. Theo ông Katin, các phương pháp điện di mao quản và quang phổ huỳnh quang đã được thử nghiệm trước đây đòi hỏi đầu tư lớn và thiết bị đặc biệt mà không phải phòng thí nghiệm nào cũng có.

Các tác giả của sự phát triển lên kế hoạch nhận bằng độc quyền sáng chế công nghệ này và giấy chứng nhận của Ủy ban Liên minh châu Âu. Họ cũng lưu ý rằng, một nhóm các nhà khoa học đang phát triển công nghệ tương tự để tìm kiếm các chất độc hại trong mỹ phẩm.

Trước đó, các nhà khoa học Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng đã công bố kết quả nghiên cứu phát hiện chất độc trong thực phẩm bằng đế SERS có cấu trúc na-nô bạc. Ðây là phương pháp phát hiện một lượng rất nhỏ các phân tử hữu cơ bằng cách ghi phổ tín hiệu tán xạ Raman.

Thử nghiệm trên lúa, xoài, cam, táo, rau cải, chè..., đế SERS nhận biết được thuốc trừ sâu, diệt côn trùng phổ biến là pyridaben, thuốc diệt cỏ sử dụng rộng rãi là paraquat. Theo đó, thời gian nhận biết thuốc bảo vệ thực vật chỉ từ 10 đến 15 phút. Các đế SERS cũng phân tích được những chất độc hại, như: Thuốc nhuộm xanh thực phẩm, diệt nấm trong thủy sản, chất trộn vào sữa mê-la-min, chất độc xy-a-nua...

Theo VietQ

Link gốc : https://vietq.vn/nga-phat-trien-cong-nghe-phat-hien-chat-doc-thiabendazole-trong-trai-cay-d190977.html

Bạn đang đọc bài viết Nga phát triển công nghệ phát hiện chất độc Thiabendazole trong trái cây tại chuyên mục Tiêu dùng quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng quốc tế