Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Lo xuất khẩu thuỷ sản tuột dốc

TDVN 09:20 07/09/2021

Theo kế hoạch, những khó khăn cũng như kiến nghị của tất cả các địa phương, doanh nghiệp, các vấn đề cần tháo gỡ của ngành thuỷ sản sẽ được trình Chính phủ vào hôm nay (6/9).

Dù nhu cầu thị trường vẫn lớn nhưng do dịch bệnh phức tạp, công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm mạnh, và dự liệu tụt dốc xuất khẩu vào cuối năm nay.

Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu là 3 địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng và sản xuất tôm. Tuy nhiên, hiện cả 3 tỉnh này đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng mà việc mua bán con giống, thu hoạch tôm cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện các nhà máy đã phải giảm công suất chế biến 60-70%. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn (Ảnh minh họa)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng từng phản ánh khó khăn của doanh nghiệp thuỷ sản khi xe container và xe tải di chuyển từ TP HCM - Đồng bằng sông Cửu Long ách tắc tại các điểm chốt vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp vì yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR (thời hạn không quá 3 ngày), còn các hãng vận tải thì không kịp chuẩn bị cho yêu cầu mới này. Chưa kể tình hình vận chuyển quốc tế trong nửa đầu năm vô cùng khó khăn, cước vận tải biển đã tăng gấp 5-7 lần, container khan hiếm.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung (có văn phòng tại Bình Thuận và các chi nhánh tại TP HCM, Ninh Thuận, Long An, Bạc Liêu) cho biết, ông đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng trong quá trình đi xử lý công việc từ tỉnh nọ sang tỉnh kia về vẫn phải cách ly như bình thường.

Một số doanh nghiệp chế biến cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, từ cuối tháng 7/2021, có tới 50% doanh nghiệp tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa. Đáng lưu ý, cá nguyên liệu tồn ở ao nhiều và vượt kích cỡ do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp chế biến đều đã cạn cả nguyên liệu và thành phẩm trong kho nên đã dừng hoàn toàn hoạt động.

Với một số doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại các tỉnh phía Nam cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Và công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%.

Tại hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn về sản xuất, tiêu thụ thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19 với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và người tham gia chuỗi thủy sản diễn ra cuối tuần qua, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh, hiện doanh nghiệp toàn ngành thuỷ sản đối mặt nhiều áp lực cùng lúc. Đó là khách hàng nhập khẩu thuỷ sản đang liên tục có điều chỉnh cắt giảm hàng hoặc ép giá vì tổng chi phí của khách hàng đang tăng lên do dịch.

Một doanh nghiệp chế biến tôm cho biết: Từ tháng 9 trở đi là thời điểm các nhà máy bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu nhưng với tình hình hiện tại thì chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh - xuất nhập khẩu đang hiện hữu, nếu để những nhà máy chế biến thủy sản đóng cửa thì sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người nông dân, thậm chí làm đứt gãy chu kỳ sản xuất. “Điều mong mỏi của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản giờ này là công nhân được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt. Nếu doanh nghiệp đuối sức sẽ kéo theo cả chuỗi như ngân hàng, nông ngư dân… cùng chung số phận” - đại diện doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, với thực tế khó khăn hiện nay, xuất thủy sản nửa cuối năm 2021 chắc chắn sẽ tuột dốc, nếu không có các giải pháp hỗ trợ cần thiết cho phục hồi sản xuất, xuất khẩu. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, vấn đề quan trọng nhất hiện nay phải giải quyết được khâu tiêu thụ, bảo đảm nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.

Số liệu mới nhất từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong tháng 8/2021, xuất khẩu tôm, cá tra, …giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD.

Theo Đại đoàn kết

Link gốc : http://daidoanket.vn/lo-xuat-khau-thuy-san-tuot-doc-5664639.html

Bạn đang đọc bài viết Lo xuất khẩu thuỷ sản tuột dốc tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh