Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Quán game truyền thống Hàn Quốc phát triển thành nhà hàng

TDVN 18:14 15/03/2020

Các phòng PC phải chịu gánh nặng chi phí bảo trì liên tục, phải cập nhật cơ sở vật chất hoặc thiết bị để phù hợp với các trò chơi nổi tiếng mới được phát hành.

Mô hình kinh doanh quán café Internet ở Hàn Quốc đã không còn là điều gì xa lạ trong vài năm trở lại đây. Trung bình, mỗi khách hàng của những “PC bang” (tức phòng máy tính trong tiếng Hàn) chi trả 1.000 won (khoảng 20.000 đồng) cho 1 giờ sử dụng dịch vụ.

Sante PC là thương hiệu café Internet lớn thứ hai Hàn Quốc với 147 cửa hàng trên khắp cả nước. Kwon Young-mi, thành viên nhóm tiếp thị của Sante PC, cho biết: “Từ khi nhiều người bắt đầu chơi StarCraft, họ sẵn sàng trả 2.000 won mỗi giờ”.

Khi các quán café Internet được nhượng quyền và có quy mô lớn hơn, sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn rất nhiều. Ảnh: Pinterest.

Mô hình phòng PC xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1994 tại Hàn Quốc. Số lượng các quán Internet đã bùng nổ từ khoảng năm 1997 khi việc sử dụng Internet trở thành một hành vi phổ biến trong xã hội nước này.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, trong hơn hai thập kỷ, ngành công nghiệp café Internet đã đạt doanh số 1,83 nghìn tỷ won với 11.801 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2018.

Doanh số trung bình hàng năm của một phòng PC đứng ở mức 161,6 triệu won với lượng khách truy cập hàng ngày vào ngày thường là 113,8 và 154,9 vào cuối tuần.

Tuy nhiên, việc duy trì tiêu chuẩn 1.000 won/giờ sử dụng dịch vụ là khó khăn cho các doanh nghiệp vì mức lương tối thiểu và tiền thuê nhà vẫn tăng lên hàng năm. Ngoài ra, các phòng PC phải chịu gánh nặng chi phí bảo trì liên tục, phải cập nhật cơ sở vật chất hoặc thiết bị để phù hợp với các trò chơi nổi tiếng mới được phát hành.

Quán game phục vụ đồ ăn tại chỗ

Trước áp lực kinh tế gia tăng, các phòng PC đã tìm thấy một bước đi đột phá bằng cách biến mình thành nhà hàng.

Các chủ quán café Internet nhận ra họ không thể chỉ duy trì kinh doanh dựa trên phí chơi game hàng giờ của khách. Vì thế, họ bắt đầu bán kèm các loại đồ uống đơn giản, đồ ăn nhẹ và mì cốc ăn liền để phục vụ các “thượng đế”.

Các món phức tạp hơn bắt đầu được giới thiệu trong thực đơn quán như thịt lợn cốt lết, mì spaghetti và omurice - cơm chiên bọc trứng ốp la.

Tuy nhiên, năm 2010, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã ban hành một số quy định hạn chế phục vụ thực phẩm trong các phòng PC. Điều này đã tạo ra cản trở mới cho các doanh nghiệp kinh doanh mô hình này.

Trớ trêu thay, sự can thiệp của chính phủ lại trở thành động lực giúp định hình các phòng PC tồn tại cho đến ngày nay.

Thay vì lách luật, các phòng PC xử lý vấn đề trực tiếp bằng cách mua giấy phép nhà hàng. Ảnh: Stunning Korea.

Thay vì lách luật, các phòng PC xử lý vấn đề trực tiếp bằng cách mua giấy phép nhà hàng. Với giấy phép đó, các phòng PC có thể phục vụ thức ăn chín tới các bàn rộng dưới 1,5 mét.

Giấy phép này còn cho phép các phòng PC tự chạy bếp với lò vi sóng, nồi chiên và thậm chí cả nồi cơm, miễn là bếp của họ được trang bị bồn rửa, mặt bàn, bếp điện và hệ thống thông gió.

Để đảm bảo vệ sinh, giấy phép kinh doanh nhà hàng áp dụng cho các quán café Internet cũng yêu cầu chứng nhận sức khỏe do Trung tâm y tế công cộng cấp cho bất kỳ ai làm việc trong phòng PC.

“Những người cần giấy chứng nhận sức khỏe phải trải qua hai bài kiểm tra - kiểm tra bệnh phẩm trực tràng và kiểm tra X-quang phổi - để ngăn ngừa bất kỳ trường hợp nào mắc bệnh sốt phát ban, bệnh lao và các bệnh về da truyền nhiễm”, một quan chức từ trung tâm y tế công cộng ở Yongsan thuộc trung tâm Seoul, cho biết.

Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề lớn gây ra khó khăn cho nhiều phòng PC. “Phòng bếp phải được phân chia bởi các bức tường từ phần còn lại của cửa hàng café Internet, gây ra chi phí tu sửa đáng kể”, một quan chức từ Hiệp hội Văn hóa Internet Hàn Quốc cho hay.

Sau khi đáp ứng tất cả các yêu cầu, nhà bếp trong phòng PC ngày nay có thể phục vụ toàn bộ danh sách thực đơn phổ biến. Ảnh: YouTube.

Sau khi đáp ứng tất cả các yêu cầu, nhà bếp trong phòng PC ngày nay có thể phục vụ toàn bộ danh sách thực đơn phổ biến. Chỉ với một vài cú nhấp chuột từ máy của khách hàng, họ có thể đặt món và ngay lập tức bàn thu ngân sẽ nhận được thông tin.

Trong vài phút, các đơn đặt hàng được chuyển đến chỗ ngồi của khách. Những món ăn được yêu thích nhất ở các phòng PC là mì ăn liền cay, sinh tố việt quất, bánh quế của Bỉ với kem đánh bông hay thịt lợn nướng với kim chi và cơm.

Mô hình kinh doanh phòng PC truyền thống đã biến đổi thành café nternet như thế.

Thách thức không ngừng

Bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ để duy trì hoạt động, các phòng PC đã gặp phải một thách thức khác: mức lương tối thiểu của Hàn Quốc tăng vọt.

Vì hầu hết phòng PC điều hành doanh nghiệp của họ 24/7, chi phí lao động tăng cao đòi hỏi một giải pháp. Họ dần tìm ra một cách thức tiềm năng, đó là hệ thống quản lý trực tuyến.

“Khách hàng có thể đặt cọc và trả phí thông qua hệ thống ki-ốt tự động. Nhờ hệ thống này, chúng tôi có thể thuê một nhân viên thay vì hai, ba người”, chủ quán café Internet Sante PC, nói.

Tuy nhiên, ngay cả với giấy phép và hệ thống quản lý trực tuyến, số phận của ngành công nghiệp phòng PC cuối cùng vẫn phụ thuộc vào hiệu suất của ngành công nghiệp trò chơi.

Số phận của ngành công nghiệp phòng PC cuối cùng vẫn phụ thuộc vào hiệu suất của ngành công nghiệp trò chơi. Ảnh: YouTube.

Theo Gametrics, các phòng PC chịu tỷ lệ sử dụng trung bình thấp nhất kể từ năm 2017, đạt mức 23,7% vào năm 2019 do hiệu suất của các trò chơi mới được phát hành không còn mạnh mẽ như trước.

Năm 2016, con số này là 25,36% nhờ Overwatch – trò chơi bắn súng ăn điểm đầu tiên của Blizzard Entertainment, phát hành vào năm 2018.

Xếp vị trí thứ hai là Kakao Games với 25,02%. Đây là một công ty phát triển và phát hành trò chơi với khởi điểm là trò PlayerUnknown’s Battlegrounds.

Theo KOCCA, 91,9% khách hàng phòng PC đến địa điểm này với mục đích duy nhất là chơi game.

Một cuộc khảo sát tương tự khác cho thấy trong số những người đã nâng cấp quán PC của mình trong suốt năm 2018, 60,3% là để phù hợp với các trò chơi đang nổi tiếng tại thời điểm đó.

Theo Zing

Link gốc : https://news.zing.vn/quan-game-truyen-thong-han-quoc-phat-trien-thanh-nha-hang-post1055507.html

Bạn đang đọc bài viết Quán game truyền thống Hàn Quốc phát triển thành nhà hàng tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh