LTS: Sâm Ngọc Linh phân bổ ở vùng núi cao thuộc các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, ngoài giá trị bổ dưỡng cao, sâm Ngọc Linh còn có giá trị chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ như thần dược. Năm 2017, Sâm Ngọc Linh chính thức được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ sung vào danh mục các 'Sản phẩm Quốc gia'.
Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh núi Ngọc Linh.
Cây sâm Ngọc Linh được biết đến chính thức đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 18/3/1973 bởi dược sỹ Đào Kim Long, Nguyễn Châu Giang và Nguyễn Thị Lê ở đới độ cao 1.800 thuộc dãy Ngọc Linh và đặt tên là Panax articulatus Kim Long Đào. Đến năm 1985, tiến sĩ Hà Thị Dụng và giáo sư Grushvisky đã xác định đây là một loài nhân sâm mới của Thế giới và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thường được gọi là sâm Việt Nam.
Có thể nói cả nước chỉ có 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 3 huyện với 9 xã là Trà Linh, Trà Nam (huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam), Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đắk Glei - tỉnh Kon Tum) và Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tê Xăng, Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông - tỉnh Kon Tum) là có sâm Ngọc Linh. Đã có nhiều kiểm nghiệm về việc di thực giống sâm Ngọc Linh, nhưng khi đem trồng ở các vùng khác có cùng điều kiện thổ nhưỡng, cây sâm vẫn không phát triển. Như vậy có thể thấy được rằng sâm Ngọc Linh là cây bản địa Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh.
*****
Việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh hiện đang được các cấp chính quyền các địa phương nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, bảo vệ sản phẩm Ngọc Linh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do giá trị mang lại của sâm Ngọc Linh là rất lớn, từ đó có nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn để lừa người tiêu dùng.
Bảo vệ thương hiệu thế nào?
Ông Lưu Văn Lục, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sâm Sâm tỉnh Quảng Nam cho biết, về cây sâm Ngọc Linh, trên thị trường hiện nay có giá rất là cao và sản phẩm này cũng đang được chuộng ở Việt Nam. Với nhu cầu lớn nên hiện tại nguồn cung của sản phẩm này gần như thiếu hụt.
“Hiện nay, cụm từ 'Ngọc Linh' rất dễ gây hiểu nhầm, sâm từ vùng núi Ngọc Linh thì có nhiều loại, còn sâm Ngọc Linh thật hay không thì còn chưa biết. Cho nên việc mượn thương hiệu hoặc nhái thương hiệu 'sâm từ vùng núi Ngọc Linh' đang được phổ biến trên thị trường”, ông Lục cho hay.
Theo ông Lục, do người tiêu dùng chỉ phân biệt bằng mắt thường và hương vị, do vậy những sản phẩm này rất dễ bị làm giả. Khách hàng dễ bị dính những sản phẩm khác như đẳng sâm, tam thất (vốn rất giống sâm Ngọc Linh).
“Cơ quan quản lý nhà nước, trong đó là Cục Quản lý thị trường cần phải có biện pháp quản lý khoa học hơn. Đồng thời, người tiêu dùng trước khi mua sâm cần phải có kiến thức cơ bản về sâm Ngọc Linh”, ông Lục nói.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, ông Đoàn Ngọc Sơn, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cho biết, chính quyền Quảng Nam đã đưa ra nhiều biện pháp để phát triển nguồn sâm và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Nhưng giá trị sâm này rất lớn, nên có nhiều đối tượng lợi dụng mua những loại củ, dược liệu giống với cây sâm Ngọc Linh để trà trộn vào thành hàng giả.
“Hiện nay, nhiều đối tượng thực hiện hành vi ngày càng tinh vi hơn, trà trộn bằng nhiều phương thức khác. Qua quá trình quản lý, tôi phát hiện có một số đối tượng đã trộn hoa tam thất vào hoa sâm Ngọc Linh để giả từ cây giống. Đây cũng là một trong những bất cập, vì hạt giống rất khó quản lý”, ông Sơn trăn trở.
Theo ông Sơn, chỉ người dân mới bảo vệ được thương hiệu của chính mình, hiện cơ quan chức năng đang tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh của mình. Đồng thời, triển khai đăng ký nguồn gốc hàng của người dân, theo đó, 1ha cho ra bao nhiêu sản phẩm thì đăng ký với cơ quan sở tại để quản lý.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam cho biết, hiện nay trên thị trường có nhiều loại sâm được giới thiệu như là sâm Ngọc Linh. Về mặt tổng quan, nhiều khách hàng nhìn nhận tưởng đó là sâm Ngọc Linh thật - điều đó là không đúng.
“Tỉnh Quảng Nam đã triển khai máy móc, thiết bị để kiểm định sâm Ngọc Linh giả và thật. Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác với những đối tượng lợi dụng giá trị của sâm Ngọc Linh để thu lợi bất chính và nếu ai phát hiện thì thông tin ngay cho các cơ quan chức năng (Quản lý thị trường, Công an) để vào cuộc xử lý, không làm mất đi giá trị sâm Ngọc Linh”, ông Phan Việt Cường khuyến cáo.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam cũng khẳng định, những người lợi dụng giá trị sâm Ngọc Linh, lợi dụng mác 'sản phẩm quốc gia' để lừa dối khách hàng sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Giữ nguyên bản nguồn gen gốc
Sâm Ngọc Linh đã được công nhận là sản phẩm quốc gia và được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý 'Ngọc Linh' cho sản phẩm sâm của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Sâm Ngọc Linh cũng như hầu hết những dược liệu có giá trị kinh tế cao đều là những lâm sản ngoài gỗ, phát triển dưới tán rừng.
Hiện nhiều địa phương đang muốn di thực giống sâm Ngọc Linh về trồng. Tuy nhiên, đây là loài cây đặc hữu, mọc ở những nơi cố định (chỉ phát triển dưới tán rừng già quanh chân núi Ngọc Linh) và đòi hỏi điều kiện thổ nhưỡng, kế đến là độ che phủ, điều kiện khí hậu. Vì thế, sâm Ngọc Linh được trồng ở độ cao 1.200 - 2.000m nhưng nếu đem trồng ở những nơi khác có cùng độ cao thì không phát triển được.
Trên địa bàn huyện Nam Trà My hiện có 2 đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn sâm giống gốc và cung ứng giống cho nhân dân trồng, phát triển, đó là Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam) và Trung tâm Sâm Ngọc Linh (thuộc UBND huyện Nam Trà My).
Thời gian qua, các đơn vị này đã có những bước tiến khả quan trong việc tạo giống gốc sâm Ngọc Linh, đáp ứng đủ nhu cầu cây giống cung ứng cho người dân trên địa bàn.
Ông Trần Út, Giám đốc Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, đối với phát triển cây sâm Ngọc Linh, trong những năm qua được tỉnh Quảng Nam quan tâm đầu tư, qua đó đã thiết lập lại quản lý và bảo vệ nguồn giống gốc của cây sâm này. Đến nay, trung tâm đã đầu tư phát triển cây giống để cung ứng cho các vùng sản xuất người dân và doanh nghiệp.
“Trong những năm qua, chúng tôi tập trung bảo vệ, chăm sóc giống gốc cây sâm Ngọc Linh một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi nghiên cứu để thực hiện quy trình nhân giống đạt hiệu quả cao nhất. Đến nay, chúng tôi gần như làm chủ được quy trình sản xuất các cây giống, cho ra các cây giống đạt tỉ lệ cao và có sức khoẻ tốt nhất”, ông Út cho hay.
Ông Hồ Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, mỗi năm, 716 hộ dân trên địa bàn xã Trà Linh phát triển từ khoảng 300.000 – 320.000 cây sâm Ngọc Linh. Mỗi hộ trồng khoảng 1.000 cây trở lên, có hộ trồng nhiều, lên đến 40.000 – 50.000 cây.
“Hiện UBND xã luôn tuyên truyền đến từng người dân là không nhập giống khác đến để tránh tình trạng lai tạo sâm Ngọc Linh. Giữ nguyên bản các nguồn gen gốc của loài sâm Ngọc Linh”, ông Giang cho biết.