Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Người tiêu dùng chịu thiệt

TDVN 08:35 13/09/2021

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa. Theo dự thảo, dự kiến từ ngày 1/11 đến hết tháng 10 năm sau, mức tối thiểu vé máy bay bằng 20% mức giá tối đa quy định.

Tùy từng nhóm đường bay, giá sàn được đề xuất từ 320.000 đồng đến 750.000 đồng một chiều.

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa. (Ảnh minh họa)

Chính sách khung giá tạm thời này, theo Cục Hàng không, nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho các hãng. Khung này cũng sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam, cũng như xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.

Nếu đề xuất này được thông qua, nhiều hãng hàng không sẽ không thể tung ra các chương trình khuyến mại vé giá rẻ như thời gian qua. Hành khách có thể phải trả chi phí cho vé bay cao hơn. Ví dụ trên đường bay vàng Hà Nội - TP HCM (cự ly khoảng 1.160 km) nếu theo mức giá sàn Cục Hàng không đề xuất, hành khách sẽ phải mất tối thiếu gần 1,3 triệu đồng một vé khứ hồi (chưa gồm thuế, phí khác). Trong khi đó, trong những giai đoạn thấp điểm, dịp khuyến mại hoặc giờ bay xấu trước đây, nhiều hãng bán vé khứ hồi trên đường bay này chỉ từ hơn 1 triệu đồng (đã gồm thuế, phí).

Trước đề xuất trên, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể, tổ chức làm việc, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.

Về phía chuyên gia, TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Đề xuất áp giá sàn vé máy là phi thị trường, trái luật định về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Do đó, ông cho rằng đề xuất trên không khuyến khích doanh nghiệp hạ thấp giá bán, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Theo ông, nền kinh tế thị trường phải đảm bảo được lợi ích của cả 3 đối tượng gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cũng nhận định áp giá sàn là thiếu tính cạnh tranh, TS Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam phân tích: Giá cả phải do quan hệ cung cầu và do thị trường quyết định. Đó là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, áp giá sàn vé máy bay có thể ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của thị trường, làm khách hàng mất cơ hội đi hàng không giá rẻ. Việc đẩy giá vé lên cao cũng có thể gây trở ngại cho nhu cầu di chuyển, du lịch của người dân, nhất là trong bối cảnh cần kích cầu du lịch sau khi mở cửa trở lại.

Theo Đại đoàn kết

Link gốc : http://daidoanket.vn/nguoi-tieu-dung-chiu-thiet-5665455.html

Bạn đang đọc bài viết Người tiêu dùng chịu thiệt tại chuyên mục Sản phẩm dịch vụ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Sản phẩm dịch vụ