Dầu cọ là loại dầu thực vật phổ biến nhất thế giới được chiết xuất từ quả của cây cọ dầu. Cây cọ dầu có nguồn gốc ở Tây Phi nhưng hiện nay được trồng nhiều nhất tại các vùng nhiệt đới thuộc khu vực Đông Nam Á.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng dầu cọ hàng năm trên toàn thế giới đạt gần 71 triệu tấn trong giai đoạn 2018 - 2019, và dự kiến sẽ đạt 240 triệu tấn vào năm 2050.
Thu hoạch quả cọ. (Nguồn: thestar.com.my) |
Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của dầu cọ đối với các nhà sản xuất không chỉ nằm ở giá thành rẻ mà còn ở nhiều đặc tính nổi trội, chẳng hạn như khả năng chịu nhiệt cao, thời gian sử dụng lâu dài. Sản lượng dầu cọ trên mỗi ha cao hơn nhiều so với bất kỳ loại dầu thực vật nào khác. Quá trình sản xuất không cần nhiều năng lượng, phân bón và thuốc trừ sâu.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), ước tính dầu cọ có mặt trong khoảng 50% các mặt hàng đóng gói trong siêu thị (từ chất tẩy rửa cho đến các loại thực phẩm, mỹ phẩm và kẹo…) và trong nhiên liệu sinh học.
Thị trường dầu cọ toàn cầu tăng trưởng theo từng năm. Đến năm 2022, giá trị của dầu cọ ước tính đạt 88 tỉ USD, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong đó, Indonesia và Malaysia là 2 quốc gia sản xuất khoảng 85% lượng dầu cọ trên toàn thế giới.
Indonesia phát triển nhiên liệu máy bay từ dầu cọ
Indonesia được biết đến là nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 trên thế giới. Trước đó, các nhà khoa học đã tiến hành trộn 30% dầu cọ vào dầu diesel để tạo ra B30 sử dụng nhằm tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao giá trị gia tăng của ngành công nghiệp dầu cọ, giảm tiêu thụ dầu nhiên liệu nhập khẩu và cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Mới đây, Công ty dầu khí quốc gia PT Pertamina của Indonesia đang phát triển nhiên liệu máy bay làm từ dầu cọ để tạo ra một hỗn hợp nhằm giảm lượng khí thải carbon trong lĩnh vực vận tải hàng không.
Bioavtur J2.4 là tên gọi của sản phẩm mới này, do nhà máy lọc dầu quốc tế Pertamina ở Cilacap, Trung Java phát triển. Bioavtur J2.4 do Pertamina sản xuất chứa 2,4% nhiên liệu sinh học được sản xuất từ dầu hạt cọ thông qua công nghệ xúc tác.
Pertamina tiến hành tiếp nhiên liệu sinh học Bioavtur J2.4 cho máy bay thử nghiệm. (Nguồn: antaranews.com) |
Ifki Sukarya, đại diện Công ty PT Pertamina cho biết, trải qua một giai đoạn phát triển toàn diện, Bioavtur J2.4 đã được chứng minh sẽ mang lại hiệu suất tương đương với nhiên liệu máy bay dựa trên nhiên liệu hóa thạch.
Thực tế, hiệu suất của nhiên liệu máy bay sinh học là tối ưu với sự khác biệt chỉ 0,2 - 0,6% so với hiệu suất của nhiên liệu máy bay hóa thạch. Kể từ năm 2014, Pertamina đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển nhiên liệu máy bay sinh học thông qua nhà máy lọc dầu Dumai và nhà máy lọc dầu Cilacap.
Vào năm 2020, nhà máy lọc dầu Dumai đã thành công trong việc sản xuất dầu diesel sinh học hydrocacbon (RBDPO) có nguồn gốc hoàn toàn từ nguyên liệu thực vật. RBDPO là dầu cọ đã trải qua quá trình tinh chế để loại bỏ các axit béo tự do và tinh chế để loại bỏ màu và mùi.
Hiện tại, công suất sản xuất nhiên liệu máy bay sinh học tại nhà máy lọc dầu Cilacap đạt 8.000 thùng/ngày. Pertamina cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy sản xuất nhiên liệu máy bay sinh học bằng cách xem xét các yêu cầu của thị trường bắt đầu từ năm 2023.
Công ty này cũng cho biết thêm, Bioavtur J2.4 sẽ vượt qua giai đoạn thử nghiệm kéo dài 9 ngày trên máy bay CN-235-220 thuộc PT Dirgantara Indonesia. Trong thời gian bay thử nghiệm, máy bay sẽ tiếp nhiên liệu sinh học Bioavtur J2.4 tại sân bay Soekarno-Hatta, Tangerang, Banten.
Việc phát triển Bioavtur J2.4 được đánh giá là phù hợp với lộ trình năng lượng sạch của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, trong đó có liên quan đến hỗn hợp nhiên liệu sinh học lên đến 5% vào năm 2025, bao gồm cả vận tải hàng không.
Theo Kinh tế môi trường