Không phải là giấy chứng nhận sản phẩm
Sau khi bị dư luận, người tiêu dùng, truyền thông lên tiếng về sản phẩm Gel rửa tay khô On1 của Công ty cổ phần bột giặt Lix (Lix) được quảng cáo sai công dụng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, mới đây, Lix đã phát đi thông cáo báo chí liên quan đến sản phẩm này.
Cụ thể, ngày 27/03/2020 trên trang chủ Lixco.com của Lix đã phát đi thông cáo báo chí và đăng tải các phiếu kết quả kiểm nghiệm liên quan đến sản phẩm Gel rửa tay khô On1. Theo thông cáo, Lix đang thực hiện sản xuất sản phẩm này tại 2 nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bình Dương trên cơ sở số công bố sản phẩm mỹ phẩm gồm: Số công bố 017/20/CBMP-BD ngày 06/02/2020 do Sở Y tế tỉnh Bình Dương cấp và Số công bố 85/20/CBMP-BN ngày 21/02/2020 do Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cấp.
Cũng theo thông cáo báo chí này, công dụng giúp loại bỏ vi khuẩn (làm sạch khuẩn 99,9% trong vòng 1 phút) được cũng cố và chứng minh bằng các kết quả kiểm nghiệm sản phẩm được thực hiện tại các nơi như: Phiếu kiểm nghiệm số 024G/20/2020 ngày 14/02/2020 của Trung tâm kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế Bình Dương; Phiếu kết quả kiểm nghiệm số 110220-1754 ngày 21/03/2020 của Viện Pasteur TPHCM; Phiếu kết quả kiểm nghiệm số 601/XN-SKNN&MT ngày 26/03/2020 của Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế.
Tuy nhiên, đây có vẻ như động thái của Lix nhằm xoa dịu dư luận và lấp liếm cho việc kinh doanh, quảng cáo sản phẩm “lừa dối” khách hàng. Hơn nữa, 2/3 phiếu kết quả kiểm nghiệm của Lix được công bố khi Lix đã đưa sản phẩm Gel rửa tay khô On1 kinh doanh ra thị trường đã được gần 2 tháng.
Trên Phiếu kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur có ghi rõ “không phải là giấy chứng nhận sản phẩm” |
Nhìn vào các kết quả trên phiếu kiểm nghiệm này của Lix, thì có vẻ như sản phẩm này đã đủ điều kiện giống như quảng cáo. Thế nhưng, xem kỹ các phiếu kết quả kiểm nghiệm này, chúng ta có thể thấy các dòng chữ trên phiếu ghi rõ “Kết quả này không phải là giấy chứng nhận sản phẩm”.
Trên Phiếu kếu quả kiểm nghiệm số 110220-1754 ngày 21/03/2020 của Viện Pasteur TPHCM có ghi chú rõ: “Kết quả kiểm nghiệm này chỉ có giá trị trên mẫu thử mang mã số 110220-1754 do khách hàng gửi đến; Kết quả này không phải là giấy chứng nhận sản phẩm nên không sử dụng cho mục đích quảng cáo; Các chỉ tiêu thử nghiệm được thực hiện trên mô hình phòng thí nghiệm”.
Trong khi đó, trên Phiếu kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm – Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng có ghi chú tương tự. Trên phiếu kiểm nghiệm số 024G/20/MP ngày 14/02/2020 của trung tâm này có ghi: “Kết quả này chỉ có giá trị trên mẫu gửi tới kiểm nghiệm; Tên mẫu, tên khách hàng được ghi theo yêu cầu của nơi gửi mẫu”. Đông thời, Trung tâm kiểm nghiệm của Sở Y tế Bình Dương cũng ghi tại kết luận là: “Mẫu Gel rửa tay khô On1 có các chỉ tiêu từ 02, 03, 04, 06 đạt theo Thông tư 06/2011/TT-BYT”. Tức là các chỉ tiêu về Arsen, chì, thuỷ ngân, thử giới hạn nhiễm khuẩn được công nhận theo Quy định về quản lý mỹ phẩm của Bộ Y tế. Còn khả năng diệt khuẩn thì Trung tâm kiểm nghiệm không có kết luận.
“Gel rửa tay khô On1” chưa được lưu hành?
Cũng theo theo phiếu kết quả thử nghiệm số 601/XN-SKNN&MT ngày 26/03/2020 của Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường thì Viện này có kết luận: “Sản phẩm có thể sử dụng rửa tay sát khuẩn nhanh dùng trong gia dụng”. Tuy nhiên, Phiếu kết quả thử nghiệm của Viện này cũng có ghi chú là “Các kết quả xét nghiệm ghi trong phiếu này chỉ có giá trị đối với mẫu thử nghiệm”. Trong phần thông tin chung của phiếu thử nghiệm có ghi rõ: “Hết thời gian lưu mẫu, Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường không chịu trách nhiệm về việc khiếu nại kết quả khảo nghiệm của khách hàng”.
Rõ ràng, các Phiếu kiểm nghiệm và Phiếu kết quả kiểm nghiệm này được Lix đưa ra chỉ có kết quả trên các mẫu thử. Không có giá trị trên các sản phẩm lưu hành ra thị trường như Lix đã từng quảng cáo là “sạch khuẩn 99,9%” và “dùng để làm sạch khuẩn nhanh, vô trùng tay hàng ngày”. Đồng thời, các đơn vị kiểm nghiệm cũng chỉ chịu trách nhiệm về mẫu phẩm được gửi đến.
Lix vội vàng thay đổi nhãn mác sản phẩm để lấp liếm cho việc “lừa dối” khách hàng? |
Tại Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 25/01/2011 có quy định rõ về việc lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 39 của Thông tư có quy định rõ: “Các mẫu mỹ phẩm do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kiểm tra chất lượng lấy mẫu đảm bảo tính đại diện cho cả lô mỹ phẩm và được tiến hành phân tích tại các phòng thử nghiệm được công nhận thì kết luận kết quả kiểm tra chất lượng có giá trị pháp lý đối với cả lô mỹ phẩm”.
Còn tại khoản 2, Điều 39 của Thông tư 06/2011/TT-BYT cũng quy định về kết quả kiểm tra chất lượng mỹ phẩm do các cá nhân, tổ chức tự gửi đến các đơn vị kiểm nghiệm: “Các mẫu mỹ phẩm do tổ chức, cá nhân gửi tới cơ quan kiểm tra chất lượng của nhà nước để xác định chất lượng thì kết luận kết quả kiểm tra chất lượng chỉ có giá trị pháp lý đối với mẫu gửi tới”.
Đối chiếu với quy định trên, thì rõ ràng tất cả các phiếu kiểm nghiệm được Lix công bố theo thông cáo báo chí không có giá trị với sản phẩm Gel rửa tay khô On1 lưu hành ra thị trường. Để đảm bảo tính giá trị pháp lý cho sản phẩm Gel rửa tay khô On1 thì cần phải được cơ quan chức năng đến lấy mẫu ngẫu nhiên, tiến hành phân tích rồi công nhận thì kết luận kết quả kiểm tra mới có giá trị pháp lý.
Được biết, sản phẩm Gel rửa tay khô On1 cũng chưa thực hiện việc đăng ký lưu hành mới tại Cục Quản lý môi trường y tế của Bộ Y tế theo quy định. Và nhãn mác của chế phẩm Gel rửa tay khô On1 cũng chưa được Cục Quản lý môi trường y tế thẩm định và phê duyệt.
Như vậy, một sản phẩm chưa được đăng ký lưu hành, nhãn mác quảng cáo dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Khi bị dư luận lên án, ngay lập tức lại thay đổi nhãn mác và công bố một loạt các Phiếu kiểm nghiệm, kết quả kiểm nghiệm không có giá trị. Liệu rằng đây có phải là hành động nhằm lấp liếm, chối tội cho hành vi “lừa dối” khách hàng nhằm thu lợi trong mùa dịch Covid-19?
Đức Quang (Theo DTVN/ Sở Hữu Trí Tuệ)