Gây kích ứng da:
Một lưu ý đầu tiên của miếng dán nhiệt mà không nhiều người tiêu dùng để ý tới chính là sản phẩm không phù hợp với mọi loại da. Đối với những người có da nhạy cảm, hoặc vùng da mỏng việc sử dụng một miếng dán có tác dụng trong hơn 12 giờ, liên tục dán như vậy dễ khiến các chất thấm vào da gây dị ứng. Ngoài ra, việc này cũng bít các lỗ chân lông, khiến da bị bít kín, khó chịu.
Đặc biệt những người có vùng da tổn thương, khi dán miếng giữ nhiệt này, các kim loại nặng trong miếng dán có thể tích tụ vào trong cơ thể tiềm ẩn những mối nguy hiểm sức khỏe.
Gây bỏng da:
Không thể phủ nhận các tác dụng mà miếng sưởi nhiệt đem lại, nhưng không nên quá lạm dụng miếng dán để duy trì giữ ấm cơ thể. Nhiệt độ cơ thể của người khỏe mạnh là 37 độ C và chỉ chịu được nhiệt độ tiếp xúc với da là 40 độ. Trong khi đó, miếng dán giữ nhiệt thường có nhiệt độ tối thiểu là 53 độ C và tối đa là 63 độ, bởi vậy, thời gian để càng lâu, nguy cơ bị bỏng và mức độ bỏng càng cao.
Có trường hợp dùng miếng dán giữ nhiệt quá lâu ở gan bàn chân, khi lật ra xem thì vùng da ở chỗ đặt miếng dán bị bỏng. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ bản của miếng dán giữ ấm không cao, nên loại bỏng này gọi là bỏng ở nhiệt độ thấp.
Để trở thành một người tiêu dùng thông minh, ngoài việc lựa chọn các sản phẩm miếng giữ nhiệt phù hợp chất lượng đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ cũng như để tránh những "hậu quả" không đáng có, người sử dụng cần lưu ý một số điểm sau:
- Tránh dán trực tiếp lên da. Thay vào đó hãy dán qua một lớp áo để tránh nhiệt độ cao tiếp xúc trực tiếp lên da
- Không dán miếng dán liên tục một chỗ trên cơ thể, nhất là những vùng da đang bị tổn thương. Cách tốt nhất là nên thay đổi các vị trí khác nhau.
- Không nên sử dụng miếng dán khi đi ngủ.
- Khi sử dụng nếu thấy khó chịu, có biểu hiện bất thường, hơi bỏng rát lập tức ngừng sử dụng.
- Những người bị tiểu đường, huyết áp cao, tuần hoàn máu kém, người có da nhạy cảm hay người già và đặc biệt là phụ nữ mang thai không nên sử dụng miếng dán này.
Ngân Hạ (Thực hiện)/CLVN