Hà Nội, Thứ Hai Ngày 09/09/2024

Hàng loạt ứng dụng gọi xe biến mất, nhưng Go-Viet và be đã chứng tỏ mình!

Theo ICT 20:54 08/12/2019

GoViet, be nổi lên trong cuộc cạnh tranh với Grab với tiềm lực kinh tế và công nghệ và đạt nhiều thành tựu sau 1 năm ra mắt. Nhưng cũng có không ít ứng dụng gọi xe "lặng lẽ" biết mất trên thị trường.

2018 - 2019 được xem là khoảng thời gian sôi động nhất của thị trường gọi xe tại Việt Nam. Sau khi Uber rời thị trường, hàng loạt ứng dụng Việt ra đời "như nấm sau mưa" thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại lặng lẽ biến mất. Trong khi đó, cũng có nhiều ứng dụng chứng tỏ mình có thể đối đầu với Grab.

Be

Ngày 13/12/2018, Ứng dụng gọi xe "be" chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Ở thời điểm đó, ông Trần Thanh Hải, CEO be công bố ứng dụng này được đăng ký kinh doanh lĩnh vực vận tải. Vị CEO này cũng tham vọng muốn có 6,6 triệu lượt tải và 105 triệu chuyến đi sau 1 năm.

be là một ứng dụng sinh sau đẻ muộn nhất tại thị trường Việt Nam nhưng ở thời điểm đó cũng là doanh nghiệp có nhiều "tiềm lực" nhất.

Sau đúng 1 năm ra mẳt be cũng hướng đến phát triển một hệ sinh thái số tiềm năng và cung cấp nhiều dịch vụ, trong đó dịch vụ chính là beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh), beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh), beFinancial (dịch vụ cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả cho khách hàng cá nhân, tài xế và doanh nghiệp), beExpress (dịch vụ chuyển phát bưu chính), beDelivery (dịch vụ giao hàng).

Tính đến nay, ứng dụng gọi xe be đã có mặt tại 9 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng. Ứng dụng gọi xe be đã được tải xuống 5,5 triệu thiết bị di động với 60.000 tài xế, khoảng 350.000 chuyến xe được yêu cầu mỗi ngày và đã hoàn thành khoảng 36 triệu chuyến xe beBike và beCar kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12/2018 đến nay.

Nhưng con đường phát triển thành một siêu ứng dụng rõ ràng đang có những khó khăn và tiềm ẩn những "mối nguy" khi cuộc chạy đua trong thị trường gọi xe khốc liệt. be mới đây phải tuyên bố tập trung nguồn lực để củng cố vào mảng vận tải, không chỉ bảo vệ thị phần đã có và đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2020 thay vì đầu tư dàn trải vào các mảng dịch như khác nhau như giao đồ ăn. Be cũng tham vọng muốn rút ngắn khoảng cách với đối thủ Grab, hiện đang nắm giữ 70% thị phần gọi xe.

GoViet

GoViet vào thị trường Việt Nam ngày 12/9 với một nền tảng vững chắc khi được kỳ lân Đông Nam Á Gojek hậu thuẫn.

Sau hơn 1 năm, GoViet tuyên bố mình dẫn đầu trong lĩnh vực giao đồ ăn với 70 nghìn nhà hàng và có hơn 1 triệu món ăn trên app GoViet. Mỗi ngày riêng GoFood tiếp nhận hàng trăm nghìn đơn hàng, tăng trưởng 25-35% mỗi tháng. Ứng dụng này cho biết cũng đã hoàn thành 100 triệu chuyến xe ở cả hai thành phố, với sự tăng trưởng hơn 400% số lượng đơn hàng. Nền tảng này đang tạo ra thu nhập ổn định cho hơn 125 nghìn đối tác tài xế. Con số này gây nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng cho đến thời điểm hiện tại, Goviet vẫn được xem là đối thủ nặng ký nhất của Grab.

Dù vậy, ứng dụng này vấp phải không ít khó khăn trong cuộc chiến trở thành "siêu ứng dụng" đối trọng với Grab. Goviet chưa thể triển khai nhiều dịch vụ như xe ô tô hay các dịch vụ tài chính. Trong khi đó, dù ra mắt trước nhưng Goviet cũng chỉ đứng thứ 3 trong thị trường gọi xe do mới chỉ có dịch vụ xe hai bánh GoBike.

Các vị trí lãnh đạo cấp cao của GoViet liên tục thay đổi cũng là những vấn đề của GoViet trong thời gian gần đây.

Nhiều ứng dụng gọi xe lặng lẽ biến mất

Ra mắt rầm rộ với những tuyên bố mạnh mẽ nhưng không ít ứng dụng gọi xe công nghệ Việt âm thầm biến mất trên thị trường.

Thời điểm Uber rời thị trường Việt Nam, Vato được xem là ứng dụng tiềm năng khi được Phương Trang rót ít nhất 100 triệu USD. Thời điểm này, Vato cho biết họ đã có khoảng 8.000 tài xế đăng ký chạy xe cho dịch vụ gọi xe này sau khi ứng dụng Uber chuẩn bị dừng hoạt động ở Đông Nam Á. Hiện VATO có tổng cộng khoảng 9.000 tài xế. Dù vậy, cho đến nay, sau hơn 1 năm, Vato vẫn chưa có một hoạt động nào đáng kể và gần như không được người dùng nhắc đến.

Ứng dụng của Aber chào sân hồi tháng 6-2018 với điểm mới không thu chiết khấu của tài xế, tung ra 6 sản phẩm dịch vụ như xe máy, ô tô, giao hàng, xe doanh nghiệp...Thế nhưng chỉ sau vài tháng, ứng dụng này phải thông báo ngừng hoạt động và cho đến nay vẫn rất mờ nhạt.

Một số ứng dụng khác như Xelo, T.Net dù đã tuyên bố ra mắt tuy nhiên các ứng dụng này hầu hết ít hoạt động trên thị trường gọi xe.

Theo Duy Vũ/ICTnews

Link gốc : https://ictnews.vn/kinh-doanh/thi-truong/hang-loat-ung-dung-goi-xe-bien-mat-nhung-go-viet-va-be-da-chung-to-minh-khong-phai-dang-vua-193042.ict

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt ứng dụng gọi xe biến mất, nhưng Go-Viet và be đã chứng tỏ mình! tại chuyên mục Sản phẩm dịch vụ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Sản phẩm dịch vụ