Nỗi lo rác thải ngày càng gia tăng
Cùng với việc mức sống của nhân dân ngày càng nâng cao, công cuộc công nghiệp hoá phát triển mạnh, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp ngày càng nhiều, với những thành phần phức tạp, đa dạng, khó xử lý bằng phương pháp truyền thống như chôn lấp, tái chế đơn thuần... Rác thải đã và đang trở thành vấn đề nóng trong sinh hoạt đô thị, đe dọa đời sống bền vững, cân bằng và trong lành.
Theo số liệu ước tính, hiện trên cả nước riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn rác thải.
Ở quy mô quốc tế, Việt Nam cũng đang nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Tính đến cuối năm 2021, trung bình mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường. Con số này ngày càng phình to và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ ở môi trường mà còn là sức khỏe của người dân. Rác thải sinh hoạt gia tăng có thể trở thành vấn đề “khủng hoảng” môi trường, môi sinh và đang là vấn đề gây đau đầu các nhà quản lý, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Trước thực trạng trên, Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết gồm Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đều đặt mục tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Cùng với đó, để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cần phát triển các công nghệ xử lý chất thải rắn mới, thân thiện môi trường và giảm thải khí nhà kính.
Có thể thấy, việc tìm được biện pháp hay công nghệ xử lý rác thải hiệu quả đang là điểm “nóng” còn nhiều vướng mắc, băn khoăn mà người dân mong ngóng. Và nếu không quyết liệt thực thi, lựa chọn công nghệ phù hợp, các đô thị, thành phố không thể hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT nhận định, việc xử lý rác thải ở Việt Nam rất khó khăn. Ảnh: ĐBND
Không thể hô khẩu hiệu
Theo Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, việc xử lý rác thải ở Việt Nam rất khó khăn. Khó không chỉ ở phân loại, độ ẩm cao, nhiệt lượng thấp, giá thành xử lý trên một tấn rác thấp so với khu vực mà bài toán khó nhất hiện nay là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác.
Các nước phát triển như Đức, Na Uy… rác thải trên 1 tấn là 50-80klo/1 tấn, hàm lượng độ ẩm 20% còn ở Việt Nam lên đến 60-70%, trong khi công nghệ không có, hệ thống thu gom không phân loại tại nguồn. “Xử lý rác cần có công nghệ, chúng ta không thể hô khẩu hiệu, bởi lẽ các nước khác có thể thực hiện chôn lấp khi họ có diện tích đất đai lớn như sa mạc, hoặc những vùng không có người ở thì có thể thành công với công nghệ chôn lấp. Nhưng với điều kiện ở Việt Nam dân số đông, khí hậu về lâu dài không cho phép sử dụng công nghệ chôn lấp”, ông Sỹ nói.
Theo ông Sỹ, công nghệ đang được thế giới chú ý là công nghệ plasma. Công nghệ này có những nhược điểm nhất định, nhưng bảo đảm tiêu hủy triệt để rác thải không phân loại như của Việt Nam. Nhưng về vấn đề kinh tế, chuyển giao công nghệ… thì lại phải cân nhắc.
Bên cạnh đó, thói quen, tác phong sinh hoạt của người Việt đang khiến việc phân loại rác, thu gom gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các nước khác. Đây không phải vấn đề một sớm một chiều mà chúng ta có thể thay đổi được. Tới đây, nếu người dân không thực hiện phân loại rác sẽ bị xử phạt. Nhưng trong quá trình chưa xử lý được chúng ta phải có những bước đệm, lộ trình.
Tiêu chí để lựa chọn công nghệ xử lý rác phù hợp
Ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc lựa chọn công nghệ phù hợp ở đây có rất nhiều tiêu chí như: đốt sạch, đốt hết, đốt không để lại rác ở môi trường; hay đốt một phần, sử dụng những phương pháp khác xử lý phần còn lại... Vì vậy, chúng ta cần phải định nghĩa và có tiêu chí rõ ràng về vấn đề này.
Vấn đề về rác của chúng ta đến thời điểm này đã đến ngưỡng báo động đỏ. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn đang rất lúng túng về công nghệ xử lý, về chính sách và giá thành. Đầu tiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tìm hiểu, nghiên cứu chính sách rõ ràng. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ, việc phân loại rác tại nguồn là việc cốt yếu và căn bản để xử lý rác thải.
"Chúng ta không thể đổ lỗi cho thói quen hay do chưa có hạ tầng phù hợp mà chậm lại việc phân loại rác tại nguồn. Việc này cần phải được triển khai sớm nhất có thể. Nếu rác thải không được phân loại sẽ không thể trở thành tài nguyên. Vì vậy, chúng ta phải cương quyết giải quyết vấn đề này ở cả việc xây dựng chính sách hay vận động, tuyên truyền cho người dân.
Hiện nay, ý thức của người dân hoàn toàn có thể thay đổi. Đơn cử, tại hai xã Dục Tú, Liên Hà huyện Đông Anh, người dân đã phân loại rác tại nguồn rất tốt. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thêm chính sách về hạ tầng cơ sở để phân loại, thu gom rác tại nguồn. Sau khi đã phân loại, rác chính là tài nguyên thì hoàn toàn có thể xử lý được.
Còn đối với rác hiện nay đang tồn đọng tại các bãi rác tập trung, chúng ta bắt buộc phải xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có chính sách phù hợp cho vấn đề này. Theo tôi, chúng ta có thể áp dụng chính sách đổi đất lấy hạ tầng, nếu doanh nghiệp nào có thể xử lý hết rác thải tại các bãi chứa mà vẫn đảm bảo yếu tố môi trường thì có thể khai thác phần đất sau khi xử lý.
Đi tìm một công nghệ nào để làm sạch lượng rác thải ngay lúc này thì cực kỳ khó khăn. Nhưng công nghệ hay chính sách phù hợp thì có thể trong thời gian ngắn giải quyết được vấn đề rác tồn đọng. Còn về tương lai lâu dài chúng ta vẫn bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn", ông Nguyễn Linh Ngọc cho hay.
Việt Nam đang có những công nghệ nào?
Nói về các công nghệ xử lý rác hiện có tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 70% lượng rác ở nước ta đang xử lý theo hướng chôn lấp. Nhưng rất tiếc chỉ 2% trong số này được chôn lấp đúng cách, nghĩa là đúng tiêu chuẩn hợp vệ sinh, bãi rác phải thu được nước thải rác... Đây là một lý do mà trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 không khuyến khích loại hình chôn lấp nữa...
Thứ hai là sử dụng công nghệ xử lý rác thải để sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ như nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Bình. Tuy nhiên, sử dụng công nghệ này đang gặp khó khăn, khó đứng vững về tài chính và phân loại rác bằng tay nên khá độc hại cho người lao động.
Công nghệ thứ ba phổ biến hơn, đó là xử lý rác hữu cơ thành phân compost, phân vi sinh. Công nghệ này cũng gặp khó bởi công tác phân loại rác chưa được thực hiện, thành ra bị lẫn kim loại nặng và chỉ phù hợp bón cho cây công nghiệp. Nếu bón cho cây nông nghiệp hoặc cây trồng bình thường có thể gây chết cây và ô nhiễm đất.
Bên cạnh đó, có một loại công nghệ nữa trong vài năm vừa qua sử dụng rất nhiều, đó là công nghệ đốt rác không phát điện. Công nghệ này rất gây ô nhiễm, tức là chỉ làm sạch rác dưới đất và xử lý cho lên không khí. Vì thế Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, yêu cầu lò đốt rác phải đảm bảo kỹ thuật tối thiểu, loại bỏ lò đốt rác không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, quy chuẩn này cũng đang gây một số băn khoăn cho những công nghệ tiên tiến.
Còn về công nghệ đốt rác phát điện, hiện có hai nhà máy ở Cần Thơ và ở Hà Nội vừa vận hành phát thử. Không biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có số liệu về khí thải của công nghệ này như thế nào, có đáp ứng tiêu chuẩn của Luật hay không? Một công nghệ nữa là kết hợp biogas với phát điện và nguồn điện này có thể chỉ cần dùng sấy rác để tạo nguồn rác khô. Nhưng sau đó doanh nghiệp tạo ra các viên nhiệt trị để làm nguyên liệu đầu vào cho dây chuyền sản xuất khác. Khí hóa các loại rác và sử dụng khí đấy làm nguyên liệu đầu vào làm nổ trực tiếp động cơ đốt trong.
Gần đây nhất Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, muốn áp dụng công nghệ đốt rác và phát điện thì phải khuyến khích phân loại được rác. Tuy nhiên, cũng có độ trễ trong quá trình triển khai truyền thông, vận động người dân thực hiện khâu phân loại ngay từ đầu nguồn.
"Theo tôi được biết, một số nhà máy cũng đốt rác phát điện nhưng lượng tro xỉ chôn lấp lên tới 25%, chưa kể từ 5% khí bụi bay ra ngoài… Vậy nhà máy xử lý được bao nhiêu? Khi tỷ lệ xử lý không đáng kể sẽ ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp bởi phát ít điện quá, hoặc sản xuất được lượng phân compost ít. Khi vấn đề tài chính không bảo đảm, nhà máy đóng cửa thì rác thải lại ùn ứ, lại phải chôn lấp!?
Trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ chủ trì phiên giải trình chất thải rắn toàn quốc theo nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Hiện Ủy ban đã tiến hành khảo sát ở các địa phương, sắp tới sẽ làm việc các bộ, ban, ngành để có báo cáo cụ thể, tìm ra lý do là tại sao chúng ta chưa xử lý được rác thải triệt để và lựa chọn công gì cho phù hợp. Lúc đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có ý kiến cụ thể hơn", ông Nguyễn Quang Huân cho hay.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: ĐBND
Sẽ có quy chuẩn phù hợp với công nghệ mới
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, về cơ bản, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí về phân loại, vận chuyển và xử lý rác đã khá đầy đủ.
Trên cơ sở quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản đã ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trong đó có các quy định về xử lý chất thải; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành các văn bản như tiêu chí về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt…
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định rất rõ về cơ chế, ưu đãi đối với các nhà đầu tư tham gia vào công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý rác thải nói riêng. Trong đó, các danh mục về đầu tư, tái chế chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp cần kiểm soát…
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực hiện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ để tháng 11/2022 có thể ban hành Quy hoạch về bảo vệ môi trường quốc gia. Trong đó, Quy hoạch cũng có những quy định về nội dung quản lý chất thải trong quy hoạch của các tỉnh, thành.
Chúng ta đang bàn về vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải, thì trước hết cũng cần có quy hoạch về các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển, vận chuyển rác thải,… và vị trí đặt các nhà máy xử lý rác thải. Đây cũng là các vấn đề quyết định trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải cho phù hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành lấy ý kiến các Bộ, ngành để ban hành Bộ tiêu chí phân loạt chất thải tại nguồn. Dựa trên các quy định hiện hành và điều kiện tự nhiên, kinh tế cùng Bộ tiêu chí này, các địa phương có thể đưa ra sự lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp. Các tỉnh, thành sẽ là đơn vị quyết định lựa chọn công nghệ nào cho việc xử lý rác ở địa phương mình…
Hiện nay đã có các quy chuẩn về xử lý rác thải, nước rỉ rác đã có quy định được ban hành từ năm 2009 đối với bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Việc đốt chất thải rắn sinh hoạt đang được áp dụng theo Quy chuẩn 61, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp điều kiện hiện tại.
Đối với một số công nghệ mà Việt Nam chưa từng có, chưa áp dụng thì chúng ta áp dụng đúng theo quy định của nước đang phát triển, khi đưa công nghệ đó vào Việt Nam. Do đó chúng ta không lo về việc không có quy định, quy chuẩn phù hợp cho các công nghệ mới.
Tiếp đó, đối với tiêu chí về các công nghệ xử lý rác, chúng ta cần tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, để áp dụng công nghệ xử lý rác ở Việt Nam cần bảo đảm 3 nội dung là về công nghệ, môi trường, xã hội (đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự hài lòng của người dân...) và kinh tế (giá thành phù hợp). Công nghệ xử lý phù hợp cần đáp ứng đầy đủ 3 nội dung nói trên.
Nếu chúng ta xử dụng công nghệ chỉ đáp ứng được một hoặc 2 nội dung thì công nghệ đó chưa phải tối ưu. Ví dụ, công nghệ xử lý tốt, bảo đảm yếu tố về môi trường, xã hội nhưng địa phương không chi trả nổi chi phí thì công nghệ đó cũng là “thất bại”. Hay công nghệ đó rẻ, môi trường tốt nhưng không phù hợp với phân loại rác thải ở địa phương đó thì chúng ta cũng không thể lựa chọn áp dụng… Do đó, công nghệ áp dụng phải có giá phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự hài lòng của người dân và điều kiện tự nhiên của chính địa phương áp dụng công nghệ đó.
Mặt khác, các công nghệ xử lý rác được áp dụng cũng cần tuân thủ đúng quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ. Theo đó, cũng có quy định rõ về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương hữu quan… Riêng với công nghệ xử rác thải sinh hoạt, hiện nay chủ yếu thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố sẽ đánh giá về tiêu chí pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Đối với việc phân cấp quản lý về bảo vệ môi trường, chúng ta cũng đã có quy định rõ ràng, 500 nghìn tấn/ngày thuộc thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, dưới 500 nghìn tấn/ngày thì đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND các tỉnh, thành…
Rõ ràng, vướng mắc ở đây không phải vấn đề công nghệ mà vấn đề là chúng ta lựa chọn công nghệ nào phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, môi trường từng địa phương. Trong đó, vấn đề đặc biệt được quan tâm là lượng tài chính chi trả cho công nghệ, khả năng triển khai ứng dụng có khả quan, hiệu quả không,…