Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 05/10/2024

Hàng hoá không rõ nguồn gốc, không tem nhãn 'lọt' trên kệ Hệ thống siêu thị Tomita Mart

VIETQ 10:50 23/11/2022

Hàng loạt sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn đang được bày bán tại Hệ thống Siêu thị Tomita Mart, Hà Nội.

Tòa soạn Chất lượng Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc về việc Siêu thị Tomita Mart thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần trang trại Tomita Việt Nam có một số vấn đề trong kinh doanh. Theo tìm hiểu của PV, thương hiệu Tomita Mart không chỉ tổ chức quảng cáo, đăng bán sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, website mà còn bán trực tiếp tại nhiều hệ thống trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, Facebook của hệ thống Tomita Mart với hơn 44 nghìn người theo dõi giới thiệu Tomita Mart có thông điệp "Thực phẩm cao cấp và tốt cho sức khỏe" với +10.000 sản phẩm chất lượng, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của mỗi gia đình. Siêu thị này cam kết cao nhất về chất lượng phục vụ và dịch vụ đi kèm, đảm bảo cung cấp tới khách hàng sản phẩm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm soát kỹ lưỡng theo quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt...

Nhiều hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, thông tin bày bán tại Hệ thống siêu thị Tomita Mart.

Tuy nhiên, trái ngược với nội dung quảng cáo trên website và Facebook, theo phản ánh của người tiêu dùng, siêu thị Tomita Mart – thực phẩm cao cấp thuộc chuỗi siêu thị Tomita Mart lại bày bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, các mặt hàng thực phẩm không có dấu kiểm dịch, sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt... Điều này gây băn khoăn cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.

Để có thông tin tới người tiêu dùng, PV đã trực tiếp ghi nhận tại siêu thị Tomita Mart, địa chỉ N8A5 Nguyễn Thị Thập, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Tại đây đang bày bán nhiều mặt hàng không tem mác rõ ràng, trắng thông tin sản phẩm, nhiều sản phẩm không có hạn sử dụng in trên bao bì.

Đầu tiên là mặt hàng thực phẩm như cá hồi, tim gà, chim câu, thịt lợn,... không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng... Thậm chí, có những sản phẩm trắng trơn thông tin. Tiếp đến là sản phẩm mỹ phẩm được giới thiệu là “hàng nhập khẩu” nhưng đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt như: Bettina Barty, Lactacyd Girl; Propolinse; Propolinse Refresh... Việc các mặt hàng mỹ phẩm không ghi thông tin sản phẩm rất dễ gây hiểu nhầm và khó cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm.

Người tiêu dùng đặt câu hỏi liệu những sản phẩm trên có đảm bảo an toàn cho sức khoẻ và làm thế nào để biết sản phẩm đó có thời hạn bao lâu? Việc không ghi nguồn gốc xuất xứ, khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm gặp vấn đề thì tìm ai để giải quyết?

Để có thông tin khách quan, PV đã liên hệ tới số hotline của hệ thống Siêu thị Tomita Mart nhưng không nhận được phản hồi từ đơn vị này.

Nhiều mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng.

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, các siêu thị, trung tâm thương, mại không được kinh doanh các loại hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt. Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt. Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.

Bạn đang đọc bài viết Hàng hoá không rõ nguồn gốc, không tem nhãn 'lọt' trên kệ Hệ thống siêu thị Tomita Mart tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường
Giá mì gói trong nước đã tăng 10,5%, phở ăn liền tăng 16%, mì xào ăn liền tăng hơn 19%. Một phần nguyên nhân tăng giá xuất phát từ biến động tỉ giá khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.