Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế tạm thời đối với các sản phẩm nhôm cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi một cuộc điều tra do Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành.
Theo đó, Reuters đưa tin các sản phẩm này của Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế tạm thời, dao động từ 19,3% đến 46,7% khi nhập khẩu vào EU.
Mức thuế thấp nhất sẽ được áp dụng cho các công ty thuộc Tập đoàn Nanshan, trong khi đó Tập đoàn Jiangsu Alcha sẽ phải đối mặt với mức áp thuế 28,3%.
Mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực kể từ ngày 13/4, trong khi EU vẫn tiếp tục tiến hành cuộc điều tra đối với các sản phẩm này. Dự kiến, mức áp thuế sẽ chấm dứt vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, mức thuế bổ sung vừa áp dụng có thể trở thành thuế chính thức, với thời hạn 5 năm.
Cuộc điều tra ban đầu cho thấy, các nhà xuất khẩu nhôm Trung Quốc đã tăng thị phần tại thị trường EU từ 6,2% năm 2017 lên 11,2% trong giai đoạn từ giữa năm 2019 đến giữa năm 2020, trong khi giá mặt hàng này giảm 9%.
Thuế được áp tạm thời sau khi European Aluminium, Hiệp hội các nhà sản xuất nhôm của EU, nộp đơn kiện vì cho rằng nhôm giá rẻ từ Trung Quốc đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Ông Gerd Goetz, người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất Nhôm châu Âu, cho rằng các nhà chức trách châu Âu đã có bước đi cần thiết để bảo vệ ngành nhôm châu lục này trước hành vi cạnh tranh không công bằng. Ông Gerd Goetz cũng tuyên bố sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo về ngành sản xuất nhôm EU.
Trước đó, EU ngày 30/3/2021 cũng đã công bố áp thuế đối với các sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi kết quả điều tra cho thấy nhôm Trung Quốc bán cho EU có giá thấp “bất thường”. Theo đó, EC đã đặt ra mức thuế chống bán phá giá trong khoảng từ 21,2% đến 31,2% đối với các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc.
Trung Quốc bị cáo buộc đã tiếp tục sản xuất vượt công suất trong lĩnh vực nhôm và thép, dẫn đến nhiều quyết định áp thuế đáp trả được đưa ra trong thập kỷ qua.
Trong khi đó, những nỗ lực nhằm thương lượng một giải pháp mang tính toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất dư thừa các kim loại tại Trung Quốc đã thất bại và chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm nổ ra một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018 về vấn đề này.