Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 23 vùng trồng vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng diện tích 220 ha, sản lượng dự kiến 1.250 tấn. Trong đó, 19 vùng sản xuất vải đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản với diện tích 170 ha, sản lượng dự kiến 1.000 tấn. Địa điểm triển khai tại các xã trồng vải, nhãn tập trung trên địa bàn huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh.
Đến nay, đã có 3 doanh nghiệp đăng ký vùng trồng và bao tiêu sản phẩm phục vụ xuất khẩu đi Nhật Bản và các nước gồm: Công ty Cổ phần Quốc tế Bamboo, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty Rồng đỏ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh đang xây dựng kế hoạch thu mua, sơ chế, tiêu thụ và xuất khẩu vải của Hải Dương đi Nhật Bản và các thị trường năm 2020, với các năm tiếp theo.
Vải thiều Hải Dương 'rộng đường' xuất khẩu sang thị trường khó tính (Ảnh Internet) |
Xác định Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ lực đối với quả vải thiều của tỉnh Hải Dương, để đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của của thị trường nội địa cũng như thị trường Trung Quốc, năm 2021, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo tiếp tục duy trì 47 mã số vùng trồng tại Thanh Hà và TP Chí Linh, với gần 8.000ha. Tổng sản lượng vải ước 40 - 45 ngàn tấn (chiếm trên 75% tổng sản lượng vải toàn tỉnh).
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo huyện Thanh Hà, TP Chí Linh và các đơn vị trực thuộc tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho 100% nông dân sản xuất tại các vùng trồng đã được cấp mã số và ghi chép nhật ký theo quy trình VietGAP.
Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV và thanh tra chuyên ngành tăng cường đạo tạo, tập huấn cho các hộ kinh doanh trong vùng về quy định của VietGAP, của các nước nhập khẩu và các loại thuốc BVTV được phép sử dụng, phù hợp theo từng thị trường để các hộ kinh doanh lựa chọn loại thuốc phù hợp, tư vấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Bên cạnh thị trường chủ lực Trung Quốc, đến thời điểm này, Hải Dương cũng đã chuẩn bị kỹ các phương án tổ chức sản xuất và tiêu thụ nhằm khai thác các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Đông Nam Á...
Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Hải Dương, nhiều năm qua, địa phương luôn chú trọng đưa ra chính sách hỗ trợ, vừa phát triển thị trường truyền thống và liên tục mở thêm thị trường mới tiềm năng.
Theo đó, ngay từ đầu năm tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản để chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ.
Cụ thể, ở thị trường nội địa, Hải Dương xác định Hà Nội và TP.HCM cùng các tỉnh lân cận sẽ là địa bàn trọng điểm trong tiêu thụ.
Do đó, quả vải cùng nhiều nông sản khác đạt tiêu chuẩn được kết nối tiêu thụ trong hệ thống siêu thị lớn Co.opmart, Hapro, MM Mega Market..., các chợ đầu mối hoa quả... cũng như khơi thông, mở rộng, phát triển các thị trường mới như miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Pháp, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Mỹ, EU... gắn với đẩy mạnh mở rộng thị trường mới.
Theo Sở hữu trí tuệ