Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà tiền thân là Công ty TNHH Cơ Kim khí Sơn Hà, được thành lập từ năm 1998. Công ty được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành với lĩnh vực cốt lõi gồm sản phẩm dân dụng và công nghiệp, nước sạch, năng lượng tái tạo… và ông Lê Vĩnh Sơn hiện đang là Chủ tịch HĐQT.
Báo cáo tài chính quý 1/2021 của SHI có tổng tài sản 4,4 ngàn tỷ nhưng nợ phải trả hơn 3 ngàn tỷ |
So với cùng kỳ năm 2020, doanh thu thuần của SHI đạt 1.498 tỷ đồng, tăng 41%. Trong đó, doanh thu bán hàng đạt 834 tỷ đồng, doanh thu bán thành phẩm đạt 694 tỷ đồng, mảng cung cấp dịch vụ đạt hơn 7 tỷ đồng. Kèm theo đó là hàng loạt chi phí tăng mạnh như chi phí bán hàng đạt mức 83 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí quản lý doanh nghiệp 42 tỷ đồng tăng 35%, chi phí tài chính tăng nhẹ. Do đó, lợi nhuận sau thuế đạt 40.5 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ.
Năm 2021, Sơn Hà đặt mục tiêu đạt 6.000 tỷ đồng doanh thu và gần 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc quý 1 SHI đã hoàn thành gần 25% kế hoạch doanh thu và 40,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Đáng chú ý, lãi cơ bản trên cổ phiếu của SHI đạt mức kỷ lục là 353 đồng/cổ phiếu so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 1.18 đồng/cổ phiếu.
Nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của SHI tăng ngoạn mục trong quý 1/2021 nhưng nợ ngắn hạn phải trả của công ty này ghi nhận con số 2.811 tỷ đồng, hàng tồn kho lại ở mức 982 tỷ đồng dù có giảm nhẹ so với đầu năm nhưng không đáng kể, các khoản phải thu ngắn hạn tăng lên mức 1.902 tỷ đồng chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đang ở mức 1.650 tỷ đồng.
Mà tổng tài sản của SHI lại giảm nhẹ 2% vào cuối kỳ, tiền và tương đương tiền cũng giảm 38% chỉ còn hơn 141 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng trở thành chủ nợ khổng lồ của SHI |
CTC hợp nhất quý 1/2021 của SHI cho thấy, tỷ lệ đòn bẩy tài chính liên tục tăng khi nợ phải trả ở ngưỡng 3.042 tỷ đồng, gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu là 1.360 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp đang vay gần 2.026 tỷ đồng ngắn hạn ngân hàng. Cụ thể:
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang là chủ nợ lớn nhất với 1.310 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khoảng 161 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) khoảng 162 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) hơn 143 tỷ đồng
Ngoài ra, nợ thuê tài chính đến hạn trả cũng lên đến hơn 17 tỷ đồng, trái phiếu thường dài hạn cũng đến hạn phải trả cũng gần 22 tỷ đồng.
Điều này góp phần đẩy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 131 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm 2020 đạt 103 tỷ đồng. Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ cũng âm gần 86 tỷ đồng trong khi năm 2020 chỉ âm 17 tỷ đồng.
Như vậy, về bức tranh tài chính của Sơn Hà, tổng nguồn vốn tính đến cuối tháng 3/2021 là 4.402 tỷ đồng, trong đó, vốn vay chiếm đến hơn 3.000 tỷ đồng, còn hơn 1.359 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ, nợ ngắn hạn chiếm đến 2.811 tỷ đồng, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn; nợ dài hạn 231 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ thuê tài chính dài hạn. Nguồn vốn kinh doanh của Sơn Hà chủ yếu là vốn đi vay ngân hàng.
Lật lại quá khứ, năm 2016 BCTC của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA): công ty đạt doanh thu 296 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 53,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền HĐKD trong năm của ITA lại âm tới 897,6 tỷ đồng, chủ yếu là tăng tại khoản mục hàng tồn kho là 169 tỷ đồng và giảm các khoản phải trả 830 tỷ đồng.
Biến động hàng tồn kho và các khoản phải trả cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền hoạt động kinh doanh của ITA âm gần 1.400 tỷ đồng trong năm 2015, âm 857 tỷ đồng trong năm 2014 và âm 267 tỷ đồng trong năm 2013 dù trong những năm này, doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng.
Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đều đáng báo động. Với những doanh nghiệp mới thành lập, đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả…, thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.
Nhưng về dài hạn và ở những công ty quy mô vừa và lớn hơn 20 năm hay đa chi nhánh thì dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.
Doanh nghiệp có thể báo cáo lợi nhuận hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng cao, nhưng nếu nguồn tiền thu về từ cung cấp hàng hóa, dịch vụ không đủ để tài trợ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh thì sẽ phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư, hoặc dòng tiền hoạt động tài chính (vay nợ, huy động thêm vốn từ cổ đông, bán bớt tài sản).
Trong trường hợp của SHI, một mặt công ty phải chịu thêm chi phí lãi vay, mặt khác chịu thêm rủi ro về tài chính nếu không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn.