Theo Cục An toàn thực phẩm, từ kết quả kiểm tra các công ty nhập khẩu thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo Quyết định kiểm tra số 5640/QĐ-BYT, Cục trưởng An toàn thực phẩm đã ban hành 3 Quyết định xử phạt đối với 3 công ty với tổng số tiền phạt là 85 triệu đồng
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm có Quyết định số 17/QĐ-XPVPHC ngày 31/5/2021 xử phạt Công ty cổ phần BELIE (địa chỉ tại ầng 1 , số 170 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) 25 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DHC Concentrated Turmeric không phù hợp với nội dung quảng cáo đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.
Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm có Quyết định số 24/QĐ-XPVPHC ngày 8/6/2021 xử phạt Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Gia Phú Khang (địa chỉ tại số 22, ngách 121/3/10 Phố Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 35 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe LUCIDE và HÍGADO mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng có Quyết định số 25/QĐ-XPVPHC ngày 14/6/2021 xử phạt Công ty TNHH GCOOP Việt Nam (địa chỉ tại B17-17 Vinhoms Gadennia, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) 25 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ROCKET TABLET không phù hợp với nội dung quảng cáo đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận. Cùng với phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc 3 công ty nêu trên tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.
Cục An toàn thực phẩm xử phạt 3 công ty quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai quy định. Ảnh minh họa |
Trước đó, theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian qua, cơ quan này đã tiếp tục tiến hành kiểm tra các công ty quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm theo phản ánh của báo chí. Tiếp đó, Cục đã ban hành 3 Quyết định xử phạt phạt đối với 3 công ty với tổng số 08 hành vi vi phạm số tiền phạt là 372 triệu đồng.
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm ban hành Quyết định số 20/QĐ-XPVPHC ngày 04/6/2021, xử phạt Công ty Cổ phần dược phẩm LOCIFA (địa chỉ P204 tầng 2 số 86 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) 162 triệu đồng về 04 hành vi vi phạm gồm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa và GMDIET gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa; Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa và GMDIET có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; Lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zawa.
Ban hành Quyết định số 22/QĐ-XPVPHC ngày 07/6/2021 xử phạt Công ty cổ phần công nghệ cao GOB Quốc tế (địa chỉ tại P309, tòa nhà 86 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) 150 triệu đồng về 03 hành vi vi phạm gồm: Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GEN X GOLD, Gen S, GEN X PLUS, GEN X SILVER gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GEN X GOLD; Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GEN X GOLD có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Ban hành Quyết định số 23/QĐ-XPVPHC ngày 07/6/2021 xử phạt Công ty TNHH thương mại Quốc tế PHAMACO (địa chỉ tại phòng 203, tòa nhà 86 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) 60 triệu đồng về hành vi vi phạm gồm: Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe YAKUMI gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Cùng với phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc 3 công ty nêu trên tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.
Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, thời gian có tình trạng các doanh nghiệp sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng là hành vi bị nghiêm cấm.
Cũng trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt rất nhiều cơ sở, cá nhân sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, có những đơn vị vi phạm quảng cáo đã bị xử phạt với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng…
Về phía người tiêu dùng, ông Phong khuyến cáo, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định.
Theo ViệtQ