Ô nhiễm không khí, nguồn nước, thực phẩm bẩn, kèm theo dịch bệnh đáng sợ... khiến mọi người ngày càng lo lắng cho sức khỏe của bản thân. Chính vì vậy, trong năm 2019, nhiều người bắt đầu quan tâm tới những trào lưu ăn uống lành mạnh để khỏe đẹp.
Làn sóng “Eat Clean” (EC) đã rộ lên từ năm 2017 và được rất nhiều các blogger, người nổi tiếng, youtuber đua nhau thực hiện và chia sẻ những thực đơn lành mạnh.
Tuy nhiên, năm 2019 có lẽ là năm mà trào lưu “ăn sạch” này trở nên mạnh mẽ hơn cả khi bất cứ ai cũng có thể dễ dàng ăn uống theo EC mà không cần tự chuẩn bị nhờ các ứng dụng đặt đồ ăn online.
Định nghĩa về Eat Clean
Cụm từ “clean eating” – ăn “sạch” xuất hiện từ những năm 1960 với ý nghĩa “Hãy ăn thức ăn dưới dạng nguyên thủy nhất của nó”. “Ăn sạch” không có liên quan tới thực phẩm sạch hay bẩn mà là chế độ ăn kiêng khuyến khích mọi người ăn các loại thức ăn toàn phần (thức ăn không qua chế biến hoặc chế biến cực ít) như trái cây, rau, thịt nạc, ngũ cốc và chất béo lành mạnh. Hạn chế các thực phẩm chế biến nhiều, đồ ngọt, đồ hộp.
Hiệu quả của chế độ ăn Eat Clean
Chuyên gia dinh dưỡng người Australia Lee Holmes cho rằng EC có thể giúp giảm cân, tăng năng lượng, cải thiện hệ tiêu hóa và tốt cho tim mạch.
Còn theo trang Mayo Clinic, lý do khiến cho EC có lợi cho sức khỏe là vì chúng ta tiêu thụ những thực phẩm giàu dinh dưỡng một cách tự nhiên thay vì đã chế biến quá mức. Thực phẩm sạch cung cấp cho cơ thể nhiều, khoáng chất, protein chất lượng cao và chất béo lành mạnh. Từ đó giúp cải thiện sức khỏe của tim và não, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, củng cố hệ thống miễn dịch,…
Nguyên tắc khi ăn Eat Clean
Ăn tươi: Ăn các thực phẩm tự nhiên, ít chế biến hoặc tinh chế. Hạn chế ăn đồ chế biên cao hay đồ ăn đóng hộp.
Ăn sạch: Nấu ăn tại nhà theo cách chế biến đơn giản nhất như hấp, luộc,… để giữ tối đa chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật: Bằng cách ăn nhiều protein từ thực vật, chẳng hạn như đậu, đậu lăng và đậu Hà Lan, và ngũ cốc nguyên chất giàu protein, như lúa mạch và kiều mạch.
Từ bỏ chất tạo ngọt nhân tạo: Thay vì sử dụng đường, bạn có thể tìm đến những loại gia vị thay thế khác như mật ong, siro cây phong, đường dừa hay đường thốt nốt.
Nước là đồ uống chính: Nước cực kỳ tốt cho sức khỏe và đó nên là đồ uống chính khi thực hiện EC.
Mặt trái của Eat Clean
Không có nghiên cứu cụ thể nào chứng tỏ EC tốt hơn bất kỳ phương pháp ăn uống lành mạnh nào khác. EC chắc chắn là một cách tốt nhưng không phải là cách duy nhất để cải thiện sức khỏe.
Theo một nghiên cứu của Đại học Havard, EC không giống như chế độ ăn uống lành mạnh. Nhiều khuyến nghị cho chế độ ăn uống lành mạnh không giới hạn thực phẩm được chế biến hoặc đóng gói.
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, một đĩa ăn uống lành mạnh gồm những điều sau:
- Ăn nhiều trái cây, rau củ đa dạng màu sắc. Không nên ăn rau củ ở dạng chiên chẳng hạn như khoai tây chiên.
- Sử dụng dầu lành mạnh như dầu ô liu và hướng dương, nhưng không có chứa dầu hydro hóa hay chất béo chuyển hóa.
- Ăn bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, mì ống và gạo nâu, nhưng không phải là ngũ cốc tinh chế, chẳng hạn như gạo trắng hoặc bánh mì.
- Ăn đủ protein từ cá, thịt gia cầm, các loại hạt và đậu, nhưng không ăn các loại thị chế biến như thịt xông khói và xúc xích.
- Uống nước, trà và cà phê với ít hoặc không thêm đường. Hạn chế khẩu phần sữa hoặc nước trái cây hàng ngày và tránh hoàn toàn đồ uống có đường.
Dù không phải là chế độ ăn uống lành mạnh nhất nhưng EC cũng mang lại hiệu quả nhất định. Hầu hết những người ăn chế độ này đều cố gắng ăn uống lành mạnh mà không có chất phụ gia nhân tạo. Điều này cũng rất có lợi vì giúp mọi người lựa chọn những thực phẩm lành mạnh hơn, ít chất bảo quản.
Tuy nhiên, có một vấn đề với một số người thực hiện EC đó là họ có thể bị ám ảnh bởi những gì họ đang ăn hoặc không ăn và vô tình bỏ lỡ nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Một trào lưu liên quan tới ăn uống lành mạnh khác đó chính là đồ uống detox hay đồ uống giúp thải độc. Trong năm 2019, loại đồ uống được phổ biến rộng rãi nhất chính là nước ép cần tây.
Trào lưu này bắt nguồn từ thói quen uống nước ép cần tây mỗi sáng để thải độc cơ thể của siêu mẫu giàu nhất thế giới Kylie Jenner. Kylie Jenner từng chia sẻ thói quen uống nước ép cần tây mỗi sáng giúp cơ thể cô trở nên gọn gàng hơn, thậm chí làn da cũng được cải thiện. Hình thể và làn da của Kylie Jenner đã truyền cảm hứng cho cả sao ngoại lẫn sao Việt đều thử uống nước ép cần tây với mong muốn giảm cân, đẹp da, thải độc cơ thể.
Nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà, MC Diệp Chi, vợ chồng ca sĩ Đăng Khôi – Thủy Anh hay “anh Hai” Lam Trường cũng học hỏi theo công thức đồ uống được xem là lành mạnh này.
Nước ép cần tây có công dụng gì?
Cần tây là loại rau ăn cao cấp chứa nước 90,5%, hợp chất nitơ 1,95%, chất béo 0,07%, xenlulo 1,15% và tro 1,13%, các vitamin A, B, C. Các khoáng chất như Mg, Mn, Fe, I, Cu, K, P, Ca và vitamin P, cholin, tyrosin, axít glutamic.
Theo bác sĩ Hoàng Xuân Đại, chất xơ trong rau cần gia tăng tính mẫn cảm của insulin làm hạ đường huyết, bảo vệ tuyến tụy, ngừa xơ cứng mạch, tinh dầu có tính kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa.
Bên cạnh đó, cần tây còn được dùng “lọc” máu có mỡ máu cao, chữa tăng huyết áp, giảm béo, kích thích tuyến thượng thận, giải nhiệt, lợi tiểu, thông mật, chống hoại huyết (chảy máu), kháng khuẩn, lành vết thương, chữa thấp khớp kể cả gút, sỏi tiết niệu, các bệnh phổi, viêm miệng họng. Dùng ngoài ngâm chân, chữa nứt nẻ, gội đầu sạch gàu.
Về vấn đề liệu cần tây có giúp giảm cân hay không, chuyên gia dinh dưỡng Lisa Drayer chia sẻ trên CNN rằng cần tây thực sự có những lợi ích cho sức khỏe nhưng không có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng cần tây hay nước ép cần tây có thể giúp chữa ung thư hay giảm cân như nhiều người mong đợi.
Lưu ý khi dùng nước ép cần tây
- Người huyết áp thấp không nên dùng: Người huyết áp thấp không nên dùng nhiều cần tây vì rau có tính hạ khí huyết.
- Phụ nữ mang thai không dùng quá 500g vì ở liều lượng này cơ tử cung sẽ co thắt mạnh rất dễ gây sảy thai, nguy hiểm hơn gây thiệt mạng ở cả mẹ và con.
- Không để cần tây trong tủ lạnh quá 2 tuần vì chất furanocoumarin trong cần tây sẽ tăng gấp 25 lần, có thể gây ung thư.
- Không lạm dụng cần tây: Bác sĩ Hoàng Xuân Đại cũng cho rằng cần tây giúp giữ vững phong độ của "quý ông" nhưng nếu lạm dụng có thể lại bị tác dụng ngược.
Hơn nữa, cần tây chứa khoảng 30 miligam (mg) natri trên 1 cọng trung bình (40 g). Mọi người phải chú ý đến việc họ tiêu thụ bao nhiêu natri, vì chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng huyết áp và gây ứ nước, cả hai đều có thể góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Mùa hè năm nay rộ lên trào lưu ăn chè dưỡng nhan được rất nhiều chị em yêu thích. Loại chè này có xuất xứ Trung Quốc được quảng cáo giúp trẻ hóa làn da, giải nhiệt và bồi bổ sức khỏe chị em trong ngày hè nắng nóng.
Trên thị trường, chè được đựng trong các chai nhựa hoặc thủy tinh, có giá bán trung bình từ 25.000đ - 100.000đ/chai (dung tích 150 - 300ml). Mỗi phần chè gồm các nguyên liệu như yến tuyết, nhựa đào, hạt chia, hạt sen, long nhãn, kỷ tử, táo đỏ. Để tăng hương vị, người bán chè này còn bổ sung thêm đường phèn và lá dứa.
Chè dưỡng nhan được đóng gói theo túi hoặc chai nhựa gồm các thành phần như nhựa đào, long nhãn, hạt sen,...Theo Thầy thuốc Nhân dân - bác sĩ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, trong đông y, các nguyên liệu như tuyết liên tử, táo đỏ, long nhãn, hạt sen, kỷ tử... được dùng khá phổ biến. Tuy nhiên, với nhựa đào, nếu được dùng trong các sản phẩm đồ uống thì phải xem xét lại.
Bác sĩ Hướng cho hay nhựa đào - hay keo đào - là chất độc, không được dùng trong các sản phẩm đồ ăn hay đồ uống. "Nhựa đào độc, không dùng để uống với tác dụng thanh lọc hay bồi bổ cơ thể. Nếu loại chè này thực sự có thành phần là nhựa cây đào thì có thể gây độc khi sử dụng" - bác sĩ Hướng khẳng định.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội, cho biết nhựa đào không chứa collagen với công dụng làm đẹp hay giúp làn da mịn màng, hồng hào, giảm nếp nhăn, giảm cân... như quảng cáo trên mạng. Nhựa đào khi ăn hoặc uống sẽ khó tiêu hóa, chưa kể lấy đâu ra số lượng lớn như thế để sử dụng. Ngoài ra, nếu dùng nhựa đào nhiều thì có thể tích tụ, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ông Trung khuyến cáo với các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cũng như làm đẹp, người tiêu dùng không nên sử dụng những loại không rõ nguồn gốc, công dụng và chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. Các vị thuốc được kết hợp trong sản phẩm "chè dưỡng nhan" cũng không nên sử dụng quá nhiều hoặc dùng tùy tiện nếu không có chỉ định của thầy thuốc, nhất là trẻ nhỏ, người già, người có hệ tiêu hóa kém, người bị rối loạn tiêu hóa, người mắc bệnh thận, phụ nữ mang thai...
Trên báo Chiết Giang, bác sĩ Hồ Huệ Lương, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc ở TP Thiệu Hưng, nhựa đào là chất nhựa tiết ra để tự chữa lành vết thương trên thân cây hoa đào nhưng dược tính của nhựa đào không rõ ràng, chưa được kiểm chứng lâm sàng.a