Ngày Tết cổ truyền của dân tộc cũng chính là ngày hội lớn nhất, quan trọng nhất trong năm của người Mường. Họ gọi dịp này là Thết (Sết) năm mới, dịch sang tiếng phổ thông là Tết năm mới. Người Mường ăn Tết kéo dài 8 ngày, bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng. Đây là những ngày mọi người được nghỉ ngơi, chăm sóc phần mộ tổ tiên, đi thăm chúc Tết bề trên, người có công giúp mình trong năm cũ...
Nhà gác – nơi quây quần của gia đình ngày Tết
Nhà gác (hay còn gọi là nhà sàn) là chốn ở của người Mường. Vào mỗi dịp Tết đến, không khí trong căn nhà gác nhộn nhịp khác hẳn ngày thường, mọi người đều tất bật, mọi công việc đều gác lại để chuẩn bị đón Tết.
Vào ngày 27 hoặc 28 tháng Chạp, theo sự sắp đặt của người trưởng họ (con trưởng) hoặc người trực tiếp thờ cúng ông bà, cha mẹ; toàn bộ con cháu trong gia đình tề tựu đến khu mồ mả của tổ tiên để dọn dẹp, sửa sang lại mộ phần và tiến hành nghi lễ “mời” các bậc tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Sau khi đi tạ mộ về, họ tề tựu về nhà gốc (nhà của người trưởng họ) để ăn bữa cơm sum vầy. Đây cũng là dịp để người già nói lại với người trẻ (con cháu, dâu rể) về dòng tộc, gia phả họ hàng trong nhà; quan tâm, hỏi han về sự chuẩn bị Tết của mỗi gia đình.
Ngày 27 tháng Chạp, còn gọi là ngày tha lả - rửa lá. Phụ nữ trong gia đình tiến hành vệ sinh sạch sẽ toàn bộ nhà cửa, nông cụ, dụng cụ nhà bếp, thay viếng (dụng cụ đồ cơm hàng ngày trong suốt năm) mới, quét dọn đường làng ngõ xóm... Theo quan niệm, đây là một hình thức tẩy trần sạch sẽ, để đồ vật cùng con người cùng đón năm mới, như thế mới gặp nhiều may mắn và an lành.
Mâm cỗ người Mường trong ngày Tết
Người Mường chuẩn bị các món ăn cho ngày Tết hết sức chu đáo. Từ nửa cuối tháng Chạp, nhiều gia đình đã bắt đầu chặt nứa hay cây dang bánh tẻ về để tước, chẻ lạt, giã bột làm 7 thứ bánh trong ngày cuối năm, gồm: bánh giò (pênh yo), bánh giáo (pênh yao), chè lam (che lam), bánh uôi (pênh wê), bánh gai (pênh kai), bánh chay (pênh chai), bánh trưng (pênh pang). Trong dịp Tết, hầu hết nhà Mường nào cũng làm bánh dâng cúng tổ tiên, mời khách đến chơi và ăn trong gia đình những ngày Tết. Họ quan niệm ăn thế nào, thờ cúng thế đó nên trong mâm cỗ cúng phải có đủ các món ngày Tết.
Ngoài ra, trong dịp này, người Mường thường chuẩn bị những món ăn rất khác lạ, rất đặc biệt, bằng cách đồ (làm chín bằng hơi) tất cả các món ăn từ rau, thịt, củ, quả... Những gia đình Mường có đời sống khá giả hơn thì mổ thêm trâu, lợn, gà, vịt... để cúng tổ tiên. Theo quan niệm, gia đình nào trong mâm cỗ có thịt trong dịp Tết thì được coi là “ăn nên làm ra, tổ tiên vui mừng, con cháu hoan hỉ, cỗ bàn đầy đặn, nhà cửa sáng sủa”.
Cuôp (ốt), dụng cụ làm chín thức ăn của người Mường |
Lợn sau khi thịt, thui vàng cả con bằng rơm sẽ được chia làm ba phần: một phần dùng để chế biến thành các món cúng trong ngày Tết, một phần dùng để nấu nướng mời anh em thân thiết đến ăn bữa cơm cuối năm, phần còn lại dùng làm thực phẩm trong mấy ngày Tết. Mâm cỗ ngày Tết của người Mường cũng không thể thiếu ba món đặc sản: bánh chéo kheo, nem chua hun, cá ốt đồ. Sau khi mâm cỗ đã soạn đủ các món lễ vật, họ bày hết lên mâm lót lá chuối gọi là mâm cỗ lá, để người đàn ông lớn tuổi trong gia đình làm nhiệm vụ dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Mâm cỗ lá cúng tổ tiên ngày Tết của người Mường |
Thông thường bàn thờ của người Mường được đặt ba mâm vì họ thờ đích danh chứ không thờ chung như các dân tộc khác: thờ cha mẹ; thờ ông bà và thờ cụ kỵ, tổ tiên của Thổ Lang. Người Mường cho rằng linh hồn người quá cố chỉ ăn Tết với con cháu trong nhà một ngày một đêm, nên các lễ vật sắp sẵn đầy đủ, thì tổ tiên mới về chứng giám.
Khu vực thờ tự của nhà dân Mường |
Trong dịp Tết, người Mường cũng không quên trồng cây nêu (piêu) ngay cạnh ngõ ra vào, trong sân hay phía trước của ngôi nhà. Đây là tín hiệu của người Mường nhằm bố cáo với đất, trời về sự tồn tại của gia đình và cũng là trấn tà không cho lũ quỷ nhập vào nhà. Ngoài ra, Tết của người Mường cũng không thể thiếu được cành đào và đôi cây mía đặt cạnh ban thờ. Cây mía giống như biểu tượng của sự giao hòa trời đất, kết nối hai thế giới âm dương dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới sum vầy cùng con cháu. Bởi vậy, cây mía được xem là vật bất ly thân trong hành trình tổ tiên trở về trời sau những ngày Tết sum vầy cùng con cháu dưới hạ giới. Những tục lệ này vẫn được người Mường duy trì cho đến ngày nay.
“Ngày lui, tháng tới”
Lịch Mường xưa là lịch 12 thẻ tre tính theo tuần trăng, xong cách tính khác một chút với người Kinh. Họ tính “ngày lui, tháng tới”, ngày vẫn tính theo âm lịch, song lui lại một ngày, ngày âm lịch thì 15 trăng tròn còn lịch Mường ngày 14 trăng tròn, ngày mùng 1 đầu tháng âm lịch không có trăng song ngày mùng một lịch Mường đã có trăng non, nghĩa là tính đúng theo tuần trăng; tháng vẫn tính như âm lịch của người Kinh.
Theo lịch Mường, ngày cuối cùng của năm cũ là ngày 29 tháng Chạp (tức 30 Tết âm lịch của người Kinh). Người Mường gọi ngày này là ngày “chín lụn”, xuất phát từ việc có bữa cơm “chín lụn” đoàn tụ gia đình vào buổi tối cuối cùng trong năm. Đây là bữa cơm quan trọng, giã từ năm cũ chuẩn bị chào đón năm mới. Người Mường cũng thực hiện tục lệ đi phần năm mới, tức là mang phần biếu bề trên: bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ; các anh bên nhà vợ; các nhà thầy thuốc mình đã mang ơn trong năm qua. Đây là lễ tiết rất nhân văn biểu thị sự biết ơn, tri ân với bề trên, với những người đã có công giúp đỡ mình trong năm qua.
Thời khắc giao thừa điểm, nhà nhà đều thắp hương, những gia đình sung túc thì mời thầy cúng (tlương) để tới cầu cho linh hồn những người quá cố được siêu linh tịnh độ và thực hiện lễ “wai hộp”(có nghĩa là họp vía). Nhiều nhà đánh chiêng, đánh trống, con cháu ra vó nước vác nước về đặt lên bàn thờ tổ tiên, người già đứng lên nói lời chúc cho con cháu sang năm mới mạnh khỏe, làm ăn giàu có.
Đặc biệt một thủ tục không thể thiếu trong đêm giao thừa của người Mường là một lễ cúng ngoài trời gồm một cái bánh chay và một con cá diếc. Sáng ra, lễ này được mang cho con trâu ăn trước, vì họ quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Các đồ nông cụ như: cày, bừa... đã được rửa sạch sẽ được đặt lên trên sạp, người Mường lấy ra cái nong, cái nia bày các loại bánh ra với ý nghĩa mời nông cụ ăn Tết cùng gia chủ.
Hết ngày 30 Tết, thầy cúng mời tổ tiên, thần linh về chốn của mình, song Tết vẫn chưa hết, trong vòng 1 tuần đầu tháng giêng mọi người đi chơi xuân và chúc tụng nhau. Ngày mùng 1 Tết (lịch Mường) các thành viên trong gia đình chọn cho mình bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất, ăn bữa cơm sáng rồi đi chúc Tết các gia đình trong họ, trong bản. Dân làng tổ chức vui chơi các trò dân gian truyền thống như ném còn, đánh mảng, đánh khăng, bắn nỏ, kéo co, hát đối đáp...Các phường bùa được lập gồm cả người già, trẻ con, nam thanh nữ tú trong bản bắt đầu đi hát sắc bùa phát rác. Đó là một hoạt động đi đến các gia đình chúc Tết, cách chúc Tết này rất độc đáo và chỉ có riêng ở người Mường.
Lễ hội hát sắc bùa |
Vào ngày mùng 5 âm lịch người Mường sẽ tổ chức lễ hạ điền, lễ “look bua look cua” (lấy lộc vua, lộc chúa), nhưng vua của họ đây là “bua tlơi” đấng cao cả vô cùng thiêng liêng của dân Mường. Vào ngày lễ hạ điền, mỗi gia đình mang một cái cày, để cày luống đầu tiên trong năm mới và họ tin rằng nhờ đó sẽ được mùa màng tốt đẹp, sức khỏe và thịnh vượng.
Đến ngày mùng 7 tháng giêng mới là ngày lễ lớn nhất trong dịp Tết của người Mường, là ngày “Thết Lang” hay ngày cuối cùng của Tết, lễ này rất trọng thể, các giai cấp Mường hội họp với nhau trong bầu không khí ấm cúng, vui vẻ. Nghi thức cúng lễ Thành Hoàng trong ngày “Thết Lang” do thầy “tlương” đảm nhiệm, cầu khẩn như xin Thành Hoàng phù hộ cho dân... Khi lễ “Thết Lang” kết thúc, một hồi chiêng vang lên, dân chúng trở lại cuộc sống thường ngày, tiếp tục lao động sản xuất đón chờ một năm mới bội thu, thành công.
Tết cổ truyền của người Mường cũng có nhiều nét giống Tết của những bộ lạc Việt thời xưa. Đối với người Mường, mùa xuân là mùa của hy vọng, hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng. Những phong tục Tết năm mới của người Mường là những phong tục đẹp chứa đựng nhiều biểu tượng văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, hiện vẫn được người Mường lưu giữ và truyền lại cho mai sau.