Hạn chế uống, rượu bia để bảo vệ sức khỏe
Liên quan đến việc sử dụng rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền và dịp lễ hội sắp tới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa đưa ra khuyến cáo đối với người có uống rượu, bia cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất. Bởi vì, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn.
Cách uống rượu bia an toàn sức khỏe mà không bị CSGT phạt đo nồng độ cồn |
Theo Cục Y tế dự phòng, khi nói đến tác hại của rượu, bia, mọi người thường nghĩ ngay đến TNGT và rối loạn tâm thần. Tuy nhiên trong thực tế hậu quả của uống rượu, bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016 Việt Nam có tổng cộng 549.000 ca tử vong do mọi nguyên nhân thì trong đó rượu, bia được quy cho là nguyên nhân gây ra khoảng 39.000 ca, chiếm 7,2% tổng số tử vong.
"Trong thực tế không thể có tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu là có hại. Bởi vì việc dung nạp và nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu, bia khác nhau. Nói cách khác, không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn", Cục Y tế dự phòng thông tin.
Bên cạnh đó, các bằng chứng KH cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.
Công bố của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu bia. Cụ thể, một người có nồng độ cồn trong máu =0,01g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc ¼ lon bia đã bắt đầu có các rối loạn như: giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ… trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Vì vậy uống rượu bia trước và trong khi lái xe làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nặng nề.
Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm do sử dụng rượu, bia, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Đồng thời, Cục này cũng khuyến cáo người dân hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn.
Trong trường hợp có uống thì không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Trong đó, 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Trong dịp Tết cổ truyền và dịp lễ hội sắp tới, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến nghị đối với người có uống rượu, bia cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống; nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc; uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương… đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
Cách xử lý khi bị ngộ độc rượu
Bị ngộ độc rượu chứa ethanol và methanol, từ 12 - 24 giờ sau khi uống, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng. Tuy nhiên, nếu là cồn ethanol sẽ gây ngộ độc rượu rồi lại tỉnh nhưng nếu là cồn methanol thì nạn nhân uống say dễ gây tử vong nhanh chóng. Người thân cần biết xử trí đúng cách khi nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu để tránh những tai biến đáng tiếc.
Khi thấy nạn nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, người nhà cần kê gối thấp cho bệnh nhân nằm nhằm làm nôn hết rượu ra. Sau đó, để bệnh nhân ngủ, cứ vài tiếng phải đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo loãng. Tránh trường hợp để bệnh nhân đói sẽ bị hạ đường huyết nguy hiểm. Nếu bệnh nhân lâu không tỉnh hoặc không ăn uống được gì hoặc cứ ăn vào là nôn thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Không nên cho nạn nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamon, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.
Khi say rượu, không nên uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ làm giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan. Một số người còn cho người say uống mật ong pha loãng nhưng nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với mật ong sẽ dễ lên men, gây say hơn.
Nên uống nhiều nước để không bị mất nước khi nôn liên tục. Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh. Nước chè xanh đậm giúp khử độc cồn cấp tính, hoặc uống sữa nóng, nước gừng tươi (thái lát đun sôi kỹ) để máu lưu thông, hóa giải nhanh chất cồn. Các loại nước mía, nước chanh, cam vắt, nước cà chua, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ… uống nhiều lần sẽ giải được ngộ độc rượu dạng nhẹ.
Có thể dùng 3 lát gừng tươi giã nát, trộn với một ít giấm và đường, ép lấy nước để uống. Hoặc 1 nắm đậu xanh giã nát, ít trà mạn và 1 chén nước, đun lên để uống. Nếu bị say kèm đau đầu, hãy giã rau cần tươi hoặc lá dong rồi vắt lấy nước cốt để uống sẽ rất hiệu quả.
Người ngộ độc rượu không tắm ngay vì dễ bị hạ đường huyết, giảm thân nhiệt có thể gây đột quỵ, trụy tim mạch. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành để cung cấp vitamin và chất chống ôxy hóa, hạn chế tác hại của cồn trong rượu tới hoạt động của gan.
Để phòng ngộ độc rượu, khi uống rượu nên chọn loại có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Không uống rượu khi đói và chỉ nên uống khoảng 30ml. Đối với bia chỉ nên uống khoảng 300 - 500ml là hợp lý.a