Năm 2019, kỹ sư Hồ Quang Cua giúp Việt Nam lần đầu tiên đạt giải thưởng Gạo ngon nhất với giống lúa ST25. 25 năm gắn chặt với đồng ruộng, với phòng nghiên cứu.
Chiều thứ 5 cuối cùng của tháng 12, cha đẻ của giống gạo ngon nhất thế giới Hồ Quang Cua có mặt ở Hà Nội để tham dự buổi lễ bình chọn 10 sự kiện nổi bật của CLB Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chiếc vali đen được ông kéo theo nặng 20kg, chứa toàn gạo, để làm quà.
Chuyến đi này của ông được BTC "tài trợ" tiền vé nhưng ông xin từ chối. "Nói thật là nếu không có tiền ra đây thì nói giúp nông dân đi làm kinh tế thì ai mà tin, nên tôi xin gửi trả gói quà này", người đàn ông nước da rám màu, phong thái rặt người Nam Bộ cười xoà.
-Có một thông tin là khi biết được giống gạo ST25 được giải gạo ngon nhất thế giới, ông không dám nghe điện thoại chúc mừng. Tại sao vậy?
Không nghe điện thoại chẳng qua là vì ngại những câu hỏi dồn dập, trả lời không kịp mà lúc đó tôi vẫn đang suy nghĩ xem sau khi công bố giải xong thì còn vấn đề gì nữa không. Thật sự thì suy nghĩ không sai. Lúc 2h chiều ngày 12/11 họ công bố là giống ST24 đoạt giải nhất thì đến 6h chiều họ thông tin lại là giống ST25 (hai giống ST24 và 25 đều được ông Cua mang đi thi – pv). Lúc đó tôi còn nghĩ hay họ cố ý để quảng cáo cho mình. (Cười).
Năm 2019, kỹ sư Hồ Quang Cua giúp Việt Nam lần đầu tiên đạt giải thưởng Gạo ngon nhất với giống lúa ST25 |
Nhưng thật ra thì vấn đề này cũng rất lớn nên tôi nghĩ mình không nên phát biểu một cách vội vã.
-Còn ở thời điểm hiện tại, nếu phát biểu cảm nghĩ, ông sẽ nói gì?
Tôi không ngờ đây lại là sự kiện chấn động đến giới truyền thông cũng như người tiêu dùng. Cuối cùng, hoá ra người tiêu dùng trong nước không có vọng ngoại. Trước giờ họ đuổi theo gạo Miên, gạo Thái để ăn chẳng qua do Việt Nam chưa có hạt gạo nào được công nhận có đẳng cấp trên thế giới. Thái Lan, Campuchia từ lâu đã được vinh danh rồi. Gạo Việt Nam gần đây 3 lần lọt vào top 3 rồi, vào các năm 2017, 2018, đặc biệt năm 2019 thì đạt giải nhất. Người Việt cũng quay trở về với khuynh hướng dùng hàng nội. Họ bảo nhau rằng gạo Việt Nam ngon nhất thế giới rồi thì tại sao chúng ta phải đi tìm gạo nước khác mà ăn, tại sao không chọn gạo Việt.
Sự kiện đã đánh động được ý thức dân tộc: Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Bởi vậy anh em tôi mệt cỡ nào cũng phải cố gắng.
- Điểm đặc biệt của hạt gạo ngon nhất thế giới - ST25 là gì?
Khi nói đến gạo ngon phải cảm nhận bằng ngũ quan. Đầu tiên là dùng mắt để nhìn: đó là hạt gạo dài, trắng, trong. Rồi khi ngửi thì nó phải thơm, ăn thì mềm, có vị ngọt. Điểm rất khác so với gạo thường là lượng hấp thụ nước rất thấp. Ví dụ như với ST24, ST 25 thì tỷ lệ nấu cơm là 1 gạo – 0,8 nước. Hột cơm khi nấu ra không bể bung, nó chỉ dãn dài ra, trông như đang sắp hàng trong nồi cơm.
Các tiêu chí ngon trước đây mình thường dựa vào chuẩn từ gạo ngon Thái Lan. Nhưng sau này khi nghiên cứu thì chúng tôi tìm cách lai tạo những dòng "bố mẹ" khác để có được sự khác biệt. Năm nay, Tổ chức thương mại gạo thế giới công nhận gạo Việt Nam đã hơn gạo Thái. Cũng có một điều đặc biệt khác, trong 11 năm tổ chức thì họ chỉ công nhận giống gạo mùa cổ truyền, tuy thơm ngon nhưng năng suất thấp. Mỗi năm chỉ được một vụ. Còn hai giống ST24 và ST25 thì có thể trồng 2 vụ một năm. Trên cùng một đơn vị diện tích, trong một năm, ST25 có thể cung cấp sản lượng gạo ngon gấp 5 lần gạo lúa mùa của các nước xung quanh.
-Ở góc độ cá nhân thì ông hài lòng nhất với đặc tính nào của giống gạo này?
Thật ra khi nghiên cứu thì ai cũng tìm, cũng đeo đuổi một sự hoàn mỹ, cái đẹp cao nhất có thể. Nhưng cuối cùng, tôi không ngờ kết quả thu về là hạt gạo ngon về phẩm chất, tốt về ngoại hình và thích nghi ngoại cảnh và tính kháng bệnh cao. Sự hài lòng của tôi nếu ví như nói về người phụ nữ là đẹp cả người lẫn nết.
-Vậy làm thế nào để ông và các cộng sự có thể tạo ra được giống gạo ngon nhất thế giới?
Nghiên cứu giống như học tập, khi làm phải đi từng bước. Lúc đầu nhận thức, kỹ năng của mình chưa cao nhưng dần dần với quá trình rất dài thì sẽ tốt lên. Thật ra mọi thứ được làm, được định hướng trên 1/4 thế kỷ trước rồi. Chúng tôi khởi động từ năm 1991 nhưng hồi đó làm không kiểu hàn lâm, chỉ là nhà khoa học nông dân thôi. Trong Nam có khái niệm là "làm chơi" thôi, nhưng từ từ nó thành thiệt, cũng như trình độ mình cũng được từng bước nâng cấp.
Giai đoạn đầu chủ yếu chúng tôi tìm hiểu về yếu tố lịch sử vùng đất. Khi xưa Nam Kỳ đã nổi tiếng với gạo ngon, xuất khẩu đi Âu châu từ những năm 1914. Nhưng do chiến tranh, đến thời kỳ bao cấp phải tăng sản lượng khiến những chủng loại gạo đó dần bị mai một. Rồi sau này khi thử trồng lại một số giống lúa thơm thì nó cho phẩm chất tốt, năng suất cao. Những điều này cho thấy tiền đề để Việt Nam tạo ra gạo ngon là có. Chúng tôi nhen nhóm ý tưởng từ đó. Đến năm 1997, khi nghe tin Thái Lan tạo được 2 giống lúa thơm mà họ gọi là hạt vàng, tôi đặt vấn đề là tại sao họ làm được mà mình thì không. Thế là bắt tay làm.
Anh em bắt đầu học tập, nâng cao trình độ, tìm vật liệu di truyền... từ năm 2002 bắt đầu lai tạo lúa. Trong vòng 6 năm thì chúng tôi có những thành quả đầu tiên. Đến năm 2014 thì nhóm bắt đầu đưa ra được những giống nổi tiếng ở thời điểm hiện tại. Sau năm đó thì đến giai đoạn khảo nghiệm quốc gia, cũng mất thời gian dài. Đến năm 2017 chúng tôi mang gạo đi thi quốc tế ở Ma Cao thì lần đầu tiên lọt vào top 3. Năm 2018 khi thi ở Hà Nội tiếp tục nằm trong top này. Đến năm 2019 thì đạt hạng nhất.
Đây là quá trình dài vừa học vừa làm, vừa cải tiến vừa nâng cao năng suất, chất lượng toàn diện của một cây lúa, để nó trở thành một hạt gạo ngon trên bàn cơm. Nó cần sự kiên trì, chuyên tâm học hỏi. Và một điều nữa, thật ra cũng giống như thống kê vậy, phải có yếu tố may mắn chứ không phải cứ làm là được.
-Nhưng liệu đi vào sản xuất đại trà, giống ST25 có bị ảnh hưởng chất lượng?
Đó là vấn đề tiến hoá của sinh vật thôi. Tất cả các giống đều cần có bảo tồn, bảo vệ. Như vậy đoạt giải chỉ là điểm khởi đầu, còn rất nhiều hoạt động sau khi được chứng nhận. Chúng ta muốn phát triển những thành quả này trước hết phải có thể chế, chính sách, những giải pháp khoa học để duy trì. Nếu không có giải pháp tốt thì 3 năm sau, giống này sẽ rơi vào dạng thường thường bậc trung chứ không phải cấp cao nữa.
-Kế hoạch của ông là gì?
Về phương diện bảo tồn, là tác giả tôi sẽ phải làm. Ai là tác giả của giống cũng biết cách thôi, đó là việc đương nhiên.
Nhưng ở phương diện phát triển thành tựu đó, như tôi nói, cần có chính sách của nhà nước với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Hạt gạo cần bộ quy chuẩn, cần những thứ liên quan để xây dựng một thương hiệu gạo Việt. Đó là những vấn đề lớn, vượt tầm một người làm khoa học nên tôi cũng chỉ đề xuất một số thứ thôi.
Hiện Bộ Nông Nghiệp đã tuyên bố đặc cách công nhận giống lúa thơm ST25. Bộ trưởng KHCN cũng xung phong đăng ký tác quyền cho giống này. Có một Việt kiều Mỹ liên lạc với tôi hứa sẽ giúp phân tích bộ gen của gạo để sớm công bố trên thế giới.
-Quay trở lại quá khứ, điều gì khiến ông lựa chọn ngành nông nghiệp?
Chả có lý do nào cả. Tôi không thể nào nghĩ chuyện lý tưởng cao siêu khi vừa mới qua lứa tuổi teen. Kỳ thực ngày xưa ít có cơ hội như giờ. Cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long hồi đó chỉ có một trường đại học thành lập năm 1966 với 2 khoa, nông nghiệp và sư phạm tuyển sinh thôi. Tôi nếu không muốn làm thầy giáo thì phải đi lội ruộng thôi chứ không có lý tưởng cao xa gì! (Cười lớn).
Mà cũng may nha, khi xưa muốn đậu khó lắm, 900 mấy tú tài mà chỉ lấy có 70 người.
Tôi cũng không phải chọn làm nghiên cứu đâu. Nghề tôi là kỹ sư nông nghiệp, muốn đạt được đẳng cấp lên nghiên cứu thì đó là quá trình sàng lọc và có đam mê dần mới bước lên.
-Nhưng nông nghiệp vốn có nhiều ngành, tại sao lại là hạt gạo?
Thực ra tôi thấy con lợn là sợ à! (Cười). Nó hết lở mồm long móng, cúm, rồi tai xanh. Nguyên cái chuồng mấy nghìn con mà bị bệnh thì chết sạch trơn. Nên nhìn lại thấy mình may mắn quá, lúa nhìn vậy chứ ít bệnh.
Với thật ra mình không có lợn, gà ăn hàng ngày không sao, chứ hột cơm có ngày nào mình bỏ được đâu. Giờ thì nói gì chẳng được nhưng cũng là tình cờ thôi, tuổi trẻ thì đâu nói được gì, cũng không định hình gì. May mắn, nói đúng ra là may mắn.
-Bắt đầu có thể là tình cờ, nhưng trong suốt 25 năm gắn bó với đồng ruộng, có lúc nào ông muốn tìm cho mình hướng đi khác?
Chuyển thì coi bộ khó. Hồi xưa tôi không bao giờ có ý tưởng đó. Mà cái nghề nào cũng vậy thôi, muốn tinh thông thì cần kiên trì, cố gắng và nói chung cũng cực khổ chứ không cứ bảo khó, mệt là chuyển được.
-Người ta thường gắn hình ảnh những nhà khoa học làm với đồng ruộng, bà con nông dân thường nghèo. Cá nhân ông nghĩ mình nghèo hay giàu?
Chuyện giàu nghèo không thành vấn đề. Tôi nghĩ là muốn giàu thì làm kinh doanh. Thật ra làm chuyên môn cũng có thể được, nhưng phải làm chủ. Còn nói chung chung thì chuyên môn nếu làm tốt, cũng đỡ đỡ.
-20 năm nghiên cứu gạo, ông từng nói rằng đã có những thất bại và thị phi. Thất bại thì có thể dễ hiểu bởi trong nghiên cứu, thành công không đến từ những lần đầu tiên. Nhưng thị phi thì là gì?
Thị phi là vì tôi không có bằng cấp cao, người ta nói tôi dốt mà bày đặt đi nghiên cứu. Họ cho rằng bằng cấp kỹ sư chỉ là cái khởi đầu thoát dốt trong khoa học thôi, tiến sỹ mới là khởi đầu của nghiên cứu. Câu này thực ra rất là đúng đó, nhưng diễn giải nó bằng cách nào thì lại khác.
-Vậy ông đã "diễn giải" theo cách nào?
Học, học để nâng cao trình độ. Thứ nhất là phải học thôi. Mình đâu nhất thiết phải học lấy bằng. Mình nghiên cứu trong lĩnh vực nào thì học trong lĩnh vực đó. Hoặc mình không học thì tạo điều kiện cho các đồng nghiệp mình học lên. Trong nhóm tôi cũng có nhiều tiến sỹ, thạc sỹ.
Nhưng để có tầm nhìn rộng, suy nghĩ thấu đáo vấn đề thì phải có sự từng trải, thâm nhập thực tế hàng ngày. Đồng thời cũng nói đến cái khiếu chứ không phải tự dưng mà có. Tôi có thể nói bản thân giỏi thì không giỏi nhưng mỗi thứ một chút thì nó cũng gộp lại được tương đối! (Cười lớn).