Cây hồng có tên khoa học Diospyros virginiana, thuộc họ thị. Trái hồng có vỏ mỏng, cơm dày. Tùy theo giống hồng mà trái sẽ có màu sắc vàng cam hoặc đỏ cam, dáng hình cầu hoặc hình con cù, cà chua dẹp...
Quả hồng có giá trị dinh dưỡng cao, giàu glucose, fructose, sucrose, protein, carotene, vitamin C, citrulline, iốt, canxi… và nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người. Ngoài ra, hồng cũng là một nguồn Vitamin A, C, thiamin (B1), riboflavin (B2), folate, magie...và chứa nhiều hợp chất thực vật như: tanin, flavonoid và caroten, chất này có tác động tích cực đến sức khỏe của bạn. Loại trái cây này có một lượng vitamin E đáng kể giúp bạn duy trì sức khỏe làn da. Hơn thế nữa, chỉ cần một quả hồng cũng đã cung cấp hơn ½ lượng vitamin A được khuyến nghị cần thiết cho cơ thể, loại vitamin này tan trong chất béo và cực kỳ quan trọng đối với chức năng miễn dịch, thị lực.
Dựa trên khẩu vị, người dùng có thể ăn hồng ở dạng tươi như hồng chín đỏ, hồng giòn, hồng ngâm, hoặc ở dạng sấy khô như mứt (hồng treo gió,...). Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng calo nạp vào cơ thể khi ăn một trái hồng là trung bình thấp (khoảng 120-128 calo) nên bạn không lo ăn hồng sẽ bị béo, tăng cân. Nhiều người còn ăn hồng để giảm cân vì một số chất trong trái hồng có thể giúp đốt cháy mỡ thừa rất hiệu quả.
Quả hồng có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. (Ảnh internet) |
Công dụng của quả hồng đối với sức khỏe
Tăng cường hệ miễn dịch: Ăn hồng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể vì chúng rất giàu axit ascorbic (Vitamin C). Theo các nghiên cứu, một quả hồng cung cấp cho cơ thể đủ vitamin C cần thiết trong một ngày. Trong đó, Vitamin C có khả năng tăng sản xuất tế bào bạch cầu, các tế bào này là tuyến phòng thủ chính của cơ thể giúp chống lại nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, nấm và các chất độc hại khác.
Tốt cho hệ tiêu hóa: Quả hồng chứa một lượng lớn vitamin B6. Nó giúp điều chỉnh quá trình phân hủy protein, chất béo và carbohydrate, đồng thời mang lại mức năng lượng và trao đổi chất tối ưu. Nó cũng có thể giúp giảm đầy hơi, chướng bụng và táo bón. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng thực vật trong quả hồng chín như tannin và polyphenol có tính năng kháng khuẩn, từ đó giúp giảm nhiễm trùng dạ dày. Chất xơ trong quả hồng cũng giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột giúp hoạt động tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
Giảm viêm: Các chất chống oxy hóa trong quả hồng như Vitamin C, carotenoid, flavonoid có thể ngăn ngừa sự oxy hóa trong cơ thể, giúp giảm viêm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Anthocyanin trong quả hồng cũng có thể giúp giảm viêm đường tiểu, viêm đại tràng, viêm mũi dị ứng,...
Tốt cho sức khỏe tim mạch: Quả hồng chứa một số hợp chất thực vật có lợi với đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ. Những chất chống oxy hóa này giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương tế bào bằng cách chống lại stress oxy hóa. Trong khi đó, stress oxy hóa có liên quan trực tiếp đến các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường, bệnh tim và các tình trạng tương tự khác. Vì vậy, ăn nhiều trái cây giàu chất chống oxy hóa như quả hồng có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh này. Ngoài ra, các axit tannic, galic, flavonoid và các chất chống oxy hóa khác có thể làm giảm huyết áp cao, viêm nhiễm và cholesterol cao.
Làm đẹp da và chống lão hóa: Vì chứa nhiều Vitamin C, A, chất sắt giúp da hồng hào và duy trì thành phần đúng của máu, cải thiện sức khỏe làn da và tóc.
Quả hồng giòn rất giàu một số vitamin, đặc biệt là vitamin A, beta-carotene, lutein, lycopene và cryptoxanthins. Tất cả các chất này cũng có chức năng như chất chống oxy hóa và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm của da như nếp nhăn, đốm đen do tuổi tác cũng như bệnh Alzheimer (mất trí nhớ), mệt mỏi, thị lực, suy nhược cơ bắp và các biểu hiện sức khỏe khác.
Những lưu ý khi sử dụng quả hồng
Mặc dù quả hồng giòn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng bạn cũng nên chú ý một số điều khi ăn chúng để tránh ảnh hưởng không tốt. Bạn không nên ăn trái hồng khi bụng đói. Tannin và pectin có trong hồng, khi chúng kết hợp với axít có trong dạ dày sẽ tạo ra những viên sạn có trong dạ dày. Tình trạng này rất nguy hiểm, có khi bạn cần đi giải phẫu để lấy hết những viên sạn này ra ngoài. Không nên ăn cả vỏ, bởi trong vỏ chứa nhiều chất tannin, dễ hình thành sỏi trong dạ dày.
Không ăn tráng miệng trái hồng sau khi ăn hải sản hoặc thực phẩm có protein cao. Khi bạn ăn trái hồng vào thời điểm này rất dễ xảy ra tình trạng đau bụng.
Trái hồng không phù hợp cho người bị thiếu máu thiếu sắt, do trái hồng chứa nhiều tanin sẽ kết hợp với sắt tạo thành kết tủa, dẫn đến cản trở sự hấp thu sắt trong thức ăn. Ngoài ra, cũng không nên ăn trái hồng khi đang uống thuốc bổ sung sắt. Do hồng có chứa nhiều tanin và chất xơ nên những người có bệnh viêm loét dạ dày thường sẽ cảm thấy khó chịu, đầy bụng, khó tiêu sau khi sử dụng. Vì thế, người mắc bệnh viêm loét dạ dày nên hạn chế ăn hồng.
Người bị tiểu đường, không nên ăn trái hồng bởi trong quả hồng chứa nồng độ đường cao, nếu bạn đang mắc tiểu đường, ăn vào sẽ bị tăng lượng đường trong máu.
Ngoài ra, hồng tươi còn có tính hơi hàn, có thể làm hạ huyết áp, không nên dùng cho người suy kiệt, huyết áp thấp, mệt mỏi kinh niên, phụ nữ mới sinh.
Theo Vietq