Hai “đại gia” rác chúng tôi muốn đề cập tới là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Vietstar với hệ thống xử lý rác đặt tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (Phước Hiệp), xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến mạch nước ngầm, không khí và nguồn nước mặt. Dù Bộ TNMT đã nhiều lần thanh kiểm tra, xử phạt và gửi công văn đến TP.HCM đốc thúc xử lý dứt điểm tình trạng này nhưng một thời gian dài, Sở TNMT TP.HCM chưa có một giải pháp nào để xử lý dứt điểm khiến dư luận bức xúc hoài nghi có sự bao che tàn phá môi trường và rút ruột ngân sách thành phố.
Công ty Tâm Sinh Nghĩa chứa gần 2 triệu tấn rác không xử lý, đầy ngập các kho bãi phía sau nhà máy. |
Chây ì, thách thức dư luận?
Rất nhiều người dân quan tâm đến những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc gây ô nhiễm nặng nề và trầm trọng của các hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, trong đó điểm nóng là hai công ty mang danh nghĩa xử lý rác bảo vệ môi trường nhưng lại chính là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng đã nhiều lần gửi đơn bức xúc phản ánh đến Bộ TNMT. Theo phản ánh, khói đốt rác ở khu xử lý này không được kiểm tra, hàng ngày lượng khói thải ra sau quá trình đốt rác với nhiều chất độc hại như dioxin. Đây là khói gây ra nhiều căn bệnh về đường hô hấp, là mầm mống tạo ra căn bệnh ung thư chết người.
Rác bên trong nhà máy của Công ty Tâm Sinh Nghĩa |
Tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm nhưng không được cơ quan chức năng ở thành phố xử lý khiến dư luận càng thêm bức xúc. Từ năm 2018, Tổng cục Môi trường (TCMT - thuộc Bộ TNMT) đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar và đã có 2 kết luận (số 163 và 176/KL-TCMT ngày 17/5/2019) đối với hai công ty này.
Theo kết luận của TCMT, công ty Vietstar hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải sinh hoạt thành phân vi sinh và sản xuất hạt nhựa tái chế từ chất thải rắn sinh hoạt thu gom trên địa bàn TP.HCM với công suất thiết kế 1.400 tấn/ngày, tuy nhiên thực tế công ty tiếp nhận 1.800 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế khoảng 28,5%). Còn công ty Tâm Sinh Nghĩa (xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt) với công suất 1.000 tấn/ngày nhưng thực tế tiếp nhận 1.200 tấn/ngày (vượt công suất thiết kế 20%).
TCMT đã ra quyết định xử phạt hai công ty, yêu cầu tách riêng hệ thống thu gom nước mưa và hệ thống thu gom nước rỉ rác; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải đang lưu giữ tại hai khu vực ngoài trời (đối với Viestar), thu gom và xử lý toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt để trên đường nội bộ, lưu giữ ngoài trời, được chất thành đống/bãi cạnh khu vực lò đốt (đối với Cty Tâm Sinh Nghĩa); thực hiện đúng các nội dung phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đến tháng 7/2020, TCMT đã tiến hành kiểm tra nhưng không thấy hai công ty thực hiện triệt để các yêu cầu của kết luận thanh tra nên đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai công ty. Giữa tháng 12/2020, người dân thành phố lại bức xúc phản ánh nên TCMT đã tiến hành kiểm tra hiện trường khu vực xử lý chất thải tại hai công ty.
Tại Vietstar, công ty đang tiếp nhận của thành phố khoảng 2.000 tấn rác/ngày trong khi công suất thiết kế của nhà máy chỉ 1.400 tấn/ngày. Lượng chất thải này được công ty đưa về phân loại làm phân bón và một phần đưa vào tái chế, phần chất thải trơ chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM để chôn lấp.
Công ty Vietstar chứa hàng triệu tấn rác đầy kho phía sau không xử lý. |
Trên khu vực ngoài trời, công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ tại hai bãi lưu chứa có diện tích khoảng 32.000m2 với khối lượng khoảng 160.000 tấn, che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, có nhiều khu vực không được phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời, nước rỉ rác từ hai bãi được thu gom qua rãnh bao xung quanh khu vực bằng bạt HDPE nhưng có nhiều vị trí không được phủ kín nên nước rỉ rác không được thu gom triệt để và thấm trực tiếp vào môi trường đất.
Tạo Công tyTâm Sinh Nghĩa, khối lượng chất thải sinh hoạt công ty đang tiếp nhận xử lý của thành phố khoảng 1.300 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế nhà máy chỉ 1.000 tấn/ngày, lượng rác này được công ty đưa về phân loại sau đó đưa vào lò đốt.
Khu vực ngoài trời, công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ trên diện tích khoảng 63.750m2 với khối lượng khoảng 240.000 tấn, được che phủ bằng bạt HDPE. Tuy nhiên, có nhiều khu vực không được che phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời, nước rỉ rác từ bãi được thu gom qua rãnh bao xung quanh khu vực bằng bạt HDPE, một số vị trí không được phủ kín nên nước rỉ rác không được thu gom triệt để và chảy trực tiếp vào môi trường đất, chảy ra hồ trong khuôn viên công ty.
Hồ này không lót đáy và không có trong hồ sơ công trình bảo vệ môi trường của công ty đã được phê duyệt. Nước rỉ rác tại khu vực lưu giữ chất thải trước khi đưa vào lò đốt được thu gom vào rãnh thu gom nước rỉ rác phía sau lò đốt và dẫn về trạm xử lý nước thải để xử lý. Tuy nhiên, rãnh này không được lót đáy chống thấm.
Bất lực với lượng rác tồn lưu
Như vậy, mỗi ngày có hàng trăm tấn rác của hai “đại gia” Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar tồn lưu không thể xử lý hết, dồn lần chất thành đống như những ngọn núi rác khổng lồ tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm liền, ảnh hưởng trực tiếp đến mạch nước ngầm, không khí.
Một thành viên giám sát Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc nói với Ngày Nay rằng, núi rác khổng lồ tồn tại nhiều năm và hàng ngày bình quân mỗi ngày công ty dồn thêm khoảng 300 tấn rác nên khó có thể định lượng khối lượng hiện nay là bao nhiêu, chỉ đo được bằng chiều dài, chiều cao của núi rác.
Ngày 13/1/2021, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân đã ký văn bản (số 166/BTNMT-TCMT) gửi UBND TP.HCM khẳng định rằng các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của hai công ty này kéo dài từ năm 2018 đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Lượng chất thải rắn sinh hoạt hai công ty tiếp nhận xử lý hàng ngày vẫn vượt công suất xử lý và qua thời gian dài dẫn đến việc tồn đọng với khối lượng lớn như hiện nay.
Hơn một tháng sau, ngày 3/2/2021, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký văn bản (số 370/UBND-ĐT) gửi Sở TNMT và các đơn vị liên quan yêu cầu Sở TNMT có văn bản yêu cầu hai công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo các hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt của thành phố đúng với công suất thiết kế và năng lực xử lý hiện tại; có biện pháp để xử lý và chuyển giao hết khối lượng chất thải tồn đọng (bao gồm chất thải trơ sau phân loại) cho đơn vị chức năng xử lý theo quy định.
Nhà máy Vietstar chứa trên 1 triệu tấn rác phía sau nhà máy không xử lý. |
Năng lực xử lý rác của hai “đại gia” rác này vẫn như cũ, hệ thống càng ngày càng lạc hậu với dây chuyền công nghệ đã cũ được lắp đặt hơn 10 năm nay chưa thay đổi. Rác vẫn ngày một dôi dư chất đầy từng đống lớn như núi tàn phá môi trường.
Thế nhưng, vừa mới đây vào ngày 17/11/2021, phó giám đốc Sở TNMT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ đã bất chấp chỉ đạo của UBND TP.HCM, ký văn bản 7668/STNMT-CTR điều phối khối lượng chất thải rắn giai đoạn từ nay đến 31/12/2021 cho Công ty cổ phần Vietstar 1.800 tấn/ngày và Cty Tâm Sinh Nghĩa 1.400 tấn/ngày, vượt rất nhiều so với công suất thiết kế và năng lực xử lý rác hiện tại của hai “đại gia” rác.
Điều gì khiến lãnh đạo Sở TNMT TP.HCM sốt sắng dồn rác bất chấp chỉ đạo của UBND TP.HCM về cho Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa đang ngày đêm tàn phá môi trường khiến dư luận nhân dân thành phố bức xúc như vậy?
Phải chăng là ngân sách thành phố chi cho lĩnh vực xử lý rác hàng năm khủng như hiện nay là một miếng mồi béo bở với nhiều cơ hội dễ dàng ngó tới? Điều mà người dân bức xúc nhất là tiền đóng thuế của họ chảy vào túi hai “đại gia” này khi cả hai chỉ cần ngồi không cũng được hưởng chênh lệch từ đơn giá xử lý rác mà kỳ tới chúng tôi sẽ đề cập.
Theo Ngày Nay