Gần đây, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã công bố báo cáo "Các chợ phi pháp mua bán các sản phẩm giả mạo sở hữu trí tuệ và đánh cắp bản quyền trong năm 2020". Theo báo cáo này, nhiều khu chợ trên thế giới, cả online lẫn offline, đã có hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng, từ hàng hóa hữu hình như quần áo, trang sức đến các hàng hóa vô hình như phim ảnh, âm nhạc.
Tại Việt Nam, chợ Bến Thành (TP.HCM) và chợ Đồng Xuân (Hà Nội), là hai cái tên trong danh sách các khu chợ truyền thống có hành vi bán hàng giả quy mô lớn.
Ảnh trích từ báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.
Báo cáo nhận định về chợ Bến Thành như sau: "Khu chợ này cung cấp nhiều loại hàng hoá, từ thực phẩm, đồ lưu niệm sản xuất tại địa phương đến quần áo, giày dép, phụ kiện và mỹ phẩm; phần lớn trong số đó là hàng giả. Năm 2020, cơ quan chức năng đã kiểm tra đột kích và thu giữ 1.276 sản phẩm, tổng giá trị khoảng 5.000 USD. Tuy nhiên những nỗ lực này không đủ để chấm dứt tình trạng các nhà bán hàng vi phạm bản quyền và họ vẫn tỏ ra không nao núng".
Trong khi đó, tại Hà Nội, chợ Đồng Xuân cũng có hành vi vi phạm tương tự.
"Hàng hóa làm giả ở chợ Đồng Xuân thường là quần áo, giày dép, phụ kiện và mỹ phẩm. Vì thu nhập cải thiện dẫn tới thay đổi trong thói quen mua sắm, ngày càng ít người địa phương tới đây mua hàng nhái. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán sản phẩm giả mạo sở hữu trí tuệ vẫn là một vấn đề nghiêm trọng ở khu chợ này - một phần do quy mô của nó quá lớn", phía Mỹ đánh giá.
Được biết bên cạnh hai khu chợ trên của Việt Nam, nhiều khu chợ khác trên thế giới cũng đối diện với các cáo buộc tương tự. Tại khu vực Đông Nam Á, có thể điểm qua một số cái tên như chợ Mangga Dua (Jakarta, Indonesia), chợ đường phố Petaling (Kuala Lumpur, Malaysia, chợ Trung Tâm Phnom Penh (Campuchia),…