Nhà chức trách Anh chính thức cảnh báo những người có cơ địa thường bị dị ứng ở mức đáng kể không nên tiêm vắc xin Covid-19 do Pfizer và BioNTech phát triển, loại vắc xin Anh đang sử dụng.
Theo báo Telegraph (Anh), cảnh báo được phát đi sau khi 2 nhân viên của Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) Anh bị dị ứng sau khi tiêm vắc xin. Hai nhân viên y tế này được tiêm vắc xin Covid-19 ngày 8/12, tức là ngày đầu tiên NHS triển khai chương trình tiêm chủng đại trà, sau đó họ bị dị ứng, song cả hai đã hồi phục ổn sau đó, không gặp biến chứng nguy hiểm nào.
Cũng theo NHS, mọi tổ chức liên quan tới chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 đã được thông tin về cảnh báo này. Cơ quan Quản lý các sản phẩm dược và chăm sóc sức khỏe (MHRA) cảnh báo những người có cơ địa hay bị dị ứng với thuốc, thực phẩm và vắc xin không nên tiêm vắc xin COVID-19.
Theo đó, với khuyến cáo này, những người theo kế hoạch được tiêm vắc xin Covid-19 trong ngày 9/12 giờ Anh đều sẽ được hỏi thêm thông tin về tiền sử dị ứng.
Liên quan tới công cuộc nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19, báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo báo Ouest-France, loại thuốc viên trị cúm này đang thổi thêm làn gió mới vào hi vọng của loài người trong việc ngăn chặn loại virus khiến cả thế giới khổ sở.
Kết quả một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature Microbiology cho thấy loại thuốc này triệt tiêu hoàn toàn khả năng lây truyền của virus corona trong vòng 24 giờ sau khi uống. Thuốc ngăn virus tự nhân lên, tức ngăn virus lây lan khắp cơ thể.
Thuốc Molnupiravir, còn có tên gọi là MK-4482/EIDD-2801, đã chứng minh được hiệu quả kháng virus trên nhiều loài vật. Các nhà nghiên cứu phát hiện loại thuốc này đã ngăn chặn những con chồn bị nhiễm COVID-19 lây bệnh cho nhau, trong khi những con không được dùng thuốc đã lây bệnh.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Georgia (Mỹ) cho biết nếu dữ liệu có thể được "phiên ngang" sang người, điều đó có nghĩa là bệnh nhân Covid-19 được điều trị có thể đạt khả năng không lây nhiễm trong vòng một ngày.
Tiến sĩ Robert Cox, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi tin rằng chồn hương là một mô hình lây truyền có liên quan vì chúng dễ dàng lây lan virus corona nhưng hầu như không phát triển thành bệnh nặng, giống như virus corona đang lây lan ở người trẻ tuổi".
Các nhà nghiên cứu đã lây nhiễm virus corona cho 6 con chồn và điều trị 3 con trong số này bằng thuốc Molnupiravir thử nghiệm. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu lấy 12 con chồn không bị nhiễm bệnh và cứ 2 con được nhốt trong lồng với một trong những con bị bệnh.
Sau khi kiểm tra hằng ngày trong tám ngày, không có con chồn nào bị mắc bệnh khi được nuôi nhốt với con được điều trị bằng thuốc Molnupiravir. Trong khi đó, trong vòng bốn ngày, tất cả những con chồn xung quanh con vật bị bệnh (nhưng chỉ được cho uống giả dược) đều mắc bệnh Covid-19.
"Những con chồn bị nhiễm bệnh được cho uống Molnupiravir hai lần mỗi ngày, nhờ đó giảm đáng kể lượng virus corona trong đường thở trên. Nhờ đó đã làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm cho những con chồn mạnh khỏe khác" - ông Josef Wolf, nghiên cứu sinh tiến sĩ và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Tiến sĩ Richard Plemper, giáo sư tại Viện Khoa học y sinh ở bang Georgia, khẳng định: "Đây là lần đầu tiên chứng minh một loại thuốc uống có thể ngăn chặn nhanh chóng sự lây truyền virus corona".
Molnupiravir là một loại thuốc kháng virus được Công ty Drug Innovation Ventures at Emory (DRIVE) phát triển. Ban đầu, nó được dùng để điều trị bệnh cúm và ngăn không cho virus tạo ra các bản sao của chính nó bằng cách tạo ra các lỗi trong quá trình sao chép RNA của virus. Đến tháng 4/2020, các nghiên cứu phát hiện Molnupiravir có thể ngăn ngừa và giảm tổn thương phổi nghiêm trọng ở chuột bị nhiễm virus corona.
Thuốc hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng II/III, trong đó đang được thử nghiệm ở ba liều lượng khác nhau cứ 12 giờ một lần trong năm ngày trên bệnh nhân Covid-19, nhưng dữ liệu dự kiến không có sẵn đến ít nhất là tháng 5/2021.
Tiến sĩ Richard Plemper rất tự tin: "Chúng tôi đã sớm ghi nhận thuốc Molnupiravir có hoạt tính phổ rộng chống lại virus đường hô hấp và việc điều trị động vật bị nhiễm bệnh qua đường thuốc uống đã làm giảm nhanh số lượng virus, nên làm giảm đáng kể sự lây truyền. Những thuộc tính này đã làm thuốc Molnupiravir trở thành một ứng cử viên mạnh mẽ cho việc kiểm soát dược lý đối với COVID-19".
Theo báo The Indian Express, Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghiệp (CSIR) của Ấn Độ vừa quyết định cho thử nghiệm thuốc Molnupiravir trên người vì bị ấn tượng trước khả năng của thuốc ở chồn.
An Dương (T/h)