UBND TP.HCM vừa có dự thảo báo cáo về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng. Trong đó, UBND TPHCM đã đưa ra quy trình 6 bước để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện một dự án bất động sản có đất hỗn hợp.
Quy trình 6 bước được UBND TPHCM đưa ra bao gồm: Bước 1: làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Bước 2: trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Bước 3: làm thủ tục giao thuê đất. Bước 4: quy định DN phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất. Bước 5: cấp sổ đỏ cho dự án. Bước 6: DN được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.
Nói về quy trình 6 bước này, các chuyên gia BĐS đều cho rằng nó quá dài và tốn rất nhiều thời gian cho việc xin thủ tục pháp lý cho một dự án BĐS. “Phải đến bước thứ 6 mới cho DN làm giấy phép xây dựng. Trong khi đó, mới đến bước thứ 4 đã bắt DN phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất. Trong khi từ lúc nộp tiền sử dụng đất đến khi ra giấy phép xây dựng phải mất khá nhiều thời gian mà thời gian này DN không làm được gì khiến tiền tiếp tục “ngâm” trong đất” một đại diện doanh nghiệp BĐS cho hay.
Quy trình 6 bước khiến tiền của doanh nghiệp bất động sản “ngâm” trong đất? |
Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp BĐS khác lo lắng cho hay: “Quy trình 6 bước này do UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư đưa ra. Quy trình này phụ thuộc nhiều vào bước tính tiền sử dụng đất, nhưng riêng tiền sử dụng đất phải mất ít nhất 2 năm. Như vậy một dự án triển khai nhanh nhất 3 năm cũng mới xong pháp lý. Tuy nhiên, với cách làm chậm chạp của các sở ngành như hiện nay có thể kéo dài đến 4 năm hoặc 5 năm, thậm chí lâu hơn”.
Việc một dự án BĐS khi ngâm quá lâu sẽ khiến chi phí vốn đội lên. Điều này bắt buộc chủ đầu tư phải tính toàn bộ chi phí này vào giá thành, để rồi cuối cùng khách hàng sẽ là người gánh chịu.
Nói về quy trình 6 bước này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho hay: “Nếu nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 thì chưa phù hợp với quy định hiện hành. Hiện pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh BĐS không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm này, mà chỉ quy định chủ đầu tư dự án nhà ở bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước (tiền sử dụng đất) trong 2 trường hợp: một là để làm thủ tục cấp sổ đỏ; hai để bán nhà, nền nhà hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Nếu nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 (riêng thời gian làm thủ tục phải mất trên dưới 2 năm hoặc lâu hơn), thì DN bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý... sẽ tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu”.
Ngoài ra, ông Châu còn cho biết thêm: “Đến bước 6 DN mới được công nhận chủ đầu tư, mới được thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và mới được thi công xây dựng các công trình của dự án (thời gian thi công mất trên dưới 2 năm mới đủ điều kiện huy động vốn) thì quy định này cũng không phù hợp với pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị. DN bị chôn vốn khoảng trên dưới 5 năm, làm tăng giá thành mà cuối cùng người mua nhà vẫn phải gánh chịu”.
Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu và một số vị lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia BĐS cũng đề xuất UBND TPHCM xem xét lại quy trình cấp pháp lý của một dự án BĐS: “Quy trình giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng là nội dung cực kỳ trọng yếu, cần được các doanh nghiệp BĐS nghiên cứu phản biện có sức thuyết phục từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, để UBND TPHCM có căn cứ cứu xét lại và ban hành quy trình vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đúng trình tự công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án nhà ở và vừa đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp”.
Đức Quang (TH) ĐTVN-CLVN