Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Dân sai xử tù, cán bộ sai xử gì?

TDVN 06:17 25/02/2020

Cùng một hành vi xâm phạm vào khu vực I của di tích cấp Quốc gia, một công dân bị xử tù, còn lãnh đạo phường, quận thì chưa bị xử lý gì. Chuyện xảy ra ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

"Chống lệnh”?

Chùa Tư Khánh (hay còn gọi là chùa Vẽ) tọa lạc tại xóm 4C, thuộc xã Đông Ngạc cũ, nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Năm 1993, chùa Vẽ được Bộ Văn hóa Thông tin trước kia xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia theo quyết định số 2015/QĐ-BT. Kèm theo quyết định là bản đồ và biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích được các cơ quan thẩm quyền xác nhận, gồm 9 thửa đất, tất cả đều nằm trong phạm vi khu vực I và không có khu vực II.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Hùng, Trụ trì chùa Vẽ, thì ao 4C thuộc thửa đất số 216 (là một trong 9 thửa đất của nhà chùa) thường xuyên bị lấn chiếm, tập kết rác thải nên nhà chùa liên tục có đơn đề nghị chính quyền địa phương giải quyết.

Nhận đơn kiến nghị của Trụ trì chùa Vẽ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng như UBND TP Hà Nội nhiều lần có văn bản đốc thúc UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND phường Đông Ngạc xử lý dứt điểm theo hướng bàn giao nguyên trạng ao 4C cho chùa Tư Khánh quản lý.

Việc ao 4C bị xâm phạm, bê tông hóa thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Ngày 5-3-2018, Văn phòng UBND TP Hà Nội có Công văn 1575/VP-ĐT chỉ đạo xử lý vi phạm đất đai, môi trường và cắm mốc giới khoanh vùng di tích chùa Tư Khánh. Cụ thể, thành phố giao UBND quận hoàn thiện bản đồ hiện trạng sử dụng đất, tổ chức cắm mốc giới khu vực I bảo vệ di tích ngoài thực địa làm căn cứ để xử lý vi phạm. Bàn giao nguyên trạng ao 4C cho chùa Tư Khánh quản lý; thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các hộ và lập phương án giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ sử dụng đất nằm trong phạm vi khoanh vùng khu vực I.


Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 30-3-2018, UBND quận Bắc Từ Liêm có Công văn 1232/UBND-TNMT chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Thanh tra quận, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với UBND phường sở tại đề xuất hướng giải quyết các nội dung liên quan, phối hợp với Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh quận Bắc Từ Liêm rà soát trường hợp sử dụng đất nằm trong phạm vi bảo vệ di tích; đồng thời bàn giao nguyên trạng ao 4C cho chùa Tư Khánh.

Thế nhưng, cho đến nay, các chỉ đạo của UBND quận Bắc Từ Liêm vẫn chỉ nằm trên giấy.

Vi phạm Luật Di sản văn hoá?

Các chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng không được UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND phường Đông Ngạc thực hiện nghiêm túc, dứt điểm, có biểu hiện đối phó, kéo dài thời gian.

Nghiêm trọng hơn, là hiện trạng ao 4C hiện giờ đã biến thành sân bê tông, có hàng rào và cửa sắt bao quanh. Theo trụ trì chùa Vẽ, hàng ngày thanh thiếu niên quần đùi, áo may ô hoặc cởi trần vào đá bóng, vui chơi trong khu vực I, tức là vùng lõi của di tích, nơi tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo…

Điều 13, Luật di sản văn hoá: Nghiêm cấm các hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa.

Điều 13, Luật di sản văn hoá, nghiêm cấm các hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa.

1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa;

3. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Trên thực tế, UBND phường Đông Ngạc đã xây dựng công trình mà chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Khoản 3 Điều 32 Luật di sản văn hóa quy định rõ: Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Điều này đồng nghĩa, việc bê tông hóa ao 4C, thuộc khu vực I của di tích phải được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận bằng văn bản.

Trả lời Truyền hình báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Thậm thừa nhận việc xây dựng công trình bê tông trong phạm vi khu vực I vùng bảo vệ di tích chưa được Bộ chấp thuận.

Ngoài ra, Chủ tịch phường Đông Ngạc khẳng định, UBND phường xây dựng công trình trên dựa trên sự cho phép của UBND quận Bắc Từ Liêm.

Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc trong buổi làm việc với Truyền hình báo Người Đưa Tin.

Nếu lời ông Thậm nói là đúng, thì không chỉ UBND phường mà cả UBND quận cũng phải chịu trách nhiệm đối với hành vi xây dựng trái phép, vi phạm nghiêm trọng Luật di sản văn hóa. Hai cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp là ông Chủ tịch phường Nguyễn Quang Thậm và nguyên Chủ tịch quận Đỗ Mạnh Tuấn.

Năm 2009, UBND xã Đông Ngạc cũ, đã ra quyết định xử phạt hành chính một cá nhân về hành vi đổ đất thải vào ao 4C. Năm 2011, Công an huyện Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can cá nhân này cũng vì hành vi đổ đất thải vào ao 4C. Sau đó công dân này bị xử tù.

Công dân xâm phạm ao 4C thì bị xử tù. Vậy lãnh đạo phường Đông Ngạc và lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm có liên quan đến việc bê tông hóa ao 4C, xâm phạm di tích, thì sẽ bị xử lý thế nào?

Không chỉ xâm phạm di tích, lãnh đạo phường Đông Ngạc và quận Bắc Từ Liêm còn có biểu hiện chậm trễ, không thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội. Đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội khẩn trương thanh, kiểm tra và công khai kết quả xử lý với dư luận, tránh việc công dân sai phạm thì xử tù, còn lãnh đạo địa phương có cùng sai phạm (nếu có) lại được cho qua.

Theo Khoe365

Link gốc : http://khoe365.net.vn/bac-tu-liem-ha-noi-dan-sai-xu-tu-can-bo-sai-xu-gi-67436.html

Bạn đang đọc bài viết Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Dân sai xử tù, cán bộ sai xử gì? tại chuyên mục Khiếu nại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Khiếu nại