Hà Nội, Thứ Hai Ngày 09/09/2024

Tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nếu dùng dung dịch sát khuẩn rởm

TDVN 18:36 12/02/2020

Theo cảnh báo của bác sĩ, nếu sử dụng dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc, không những không sạch mà còn tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Số ca nhiễm Covid- 19 vẫn tăng chóng mặt, nhiều người tìm mua dung dịch sát khuẩn

Theo tin tức trên báo Thế giới Việt Nam, tính đến ngày 11/2 trên thế giới, số ca tử vong trên toàn cầu do Covid-19 (“Co” là chữ viết tắt của “corona”, “vi” là “virus” và “d” là “dịch bệnh” (“disease” trong tiếng Anh)) đến nay là 1.112, trong đó 2 ca ngoài Trung Quốc đại lục là Hồng Kông (Trung Quốc) và Philippines. Số ca nhiễm Covid-19 là 44.789.

Còn theo thống kê của Ủy ban Y tế Hồ Bắc, số ca nhiễm mới trong ngày 11/2 tại tỉnh là 1.638 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm ở vùng tâm dịch lên con số 33.366. Theo đó, số ca nhiễm mới ở Hồ Bắc giảm so với trước đó một ngày (2.097 ca), theo đà giảm trong 10 ngày liên tiếp. Như vậy, tính đến nay, số ca tử vong do Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 1.110 người.

Trước đó, phát biểu trước báo giới ở Geneva (Thụy Sỹ) ngày 11/2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dịch bệnh đang hoành hành ở Trung Quốc lục địa và gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có tên là Covid-19.

Tại Việt Nam, số ca nhiễm COVIS-19 là 15, bệnh nhân nhỏ nhất là 3 tháng tuổi, trong đó, 6 ca đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 vẫn đang tăng nhanh tại nhiều quốc gia. Ảnh minh họa

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, theo báo Sức khỏe & Đời sống, Bộ Y tế đã liên tục ban hành các khuyến cáo về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Ngoài việc đeo khẩu trang thì vấn đề giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh đôi bàn tay sạch sẽ là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Hiện nay, do tính tiện dụng, có thể “bỏ túi” mà nhiều người dân đã tìm mua các loại dung dịch sát khuẩn vì cho rằng có thể ngăn ngừa được sự lây lan của virus. Tuy nhiên trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều dung dịch sát khuẩn được quảng cáo bằng những lời lẽ rất mùi mẫn, tạo cảm giác sạch sẽ ngay lập tức cho người sử dụng.

Theo BSCK II. Bùi Quang Hào – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Da liễu TW cảnh báo, với dung dịch sát khuẩn đạt chuẩn sẽ diệt được phần lớn vi sinh vật bám trên bề mặt da. Đa số các loại nước sát khuẩn có hương vị dễ chịu. Loại dung dịch này không gây kích ứng/dị ứng da (như đỏ da, khô/tróc vảy da, ngứa), có thể làm mềm da. Khi một lượng nhỏ dung dịch sát khuẩn vô tình bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thực phẩm thì không gây nguy hiểm.

“Thành phần của dung dịch sát khuẩn thường bao gồm những chất có tác dụng khử khuẩn (như ethanol, isopropanol, chlorhexidine), chất giữ ẩm (glycerin) và nước cất. Nồng độ cồn sử dụng trong dung dịch khử khuẩn phải phù hợp để tránh làm đông vón lớp protein trên bề mặt vi khuẩn, virus mất tác dụng diệt khuẩn”- BS. Hào phân tích rõ.

Dùng dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc tác hại thế nào?

Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường tăng cao bất thường khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, mặt hàng dung dịch sát khuẩn không kịp đáp ứng nhu cầu của người dân. Chính vì thế đã xuất hiện tình trạng một số cơ sở sản xuất đã làm giả, làm nhái các dung dịch sát khuẩn đem bán ra thị trường.

BS. Hào cảnh báo, khi người dân sử dụng phải dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc (rởm) thì tiềm ẩn 2 nguy cơ thường gặp đó là: Dung dịch sát khuẩn nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn (do thành phần hoạt chất, nồng độ... không đảm bảo quy chuẩn) và như vậy rất dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Ngoài ra, với nước sát khuẩn “rởm” dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ (như viêm da kích ứng hoặc dị ứng) hoặc gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thức ăn.

Để có thể sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn đảm bảo chất lượng, có tác dụng phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh Covid-19 nói riêng, BS. Hào khuyến cáo người dân nên chọn mua dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay ở những cơ sở sản xuất có địa chỉ, nhãn mác rõ ràng (đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép) và thực hiện rửa tay nhiều lần trong ngày. Chú ý lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn các vật dụng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn phím máy tính, điện thoại...

Với nhân viên y tế, học sinh, sinh viên đang công tác, học tập tại các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm túc 5 thời điểm rửa tay, 6 bước rửa tay thường quy theo hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế.

"Cần lưu ý, chỉ nên chà tay bằng dung dịch cồn sát khuẩn nhanh khi không nhìn thấy vết bẩn bằng mắt thường. Trường hợp nếu có vết bẩn nhìn thấy bằng mắt thường thì rửa tay bằng dung dịch rửa tay, xà phòng diệt khuẩn sẽ mang lại hiệu quả hơn – chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn chia sẻ.

Chất lượng Việt Nam

Link gốc : http://vietq.vn/dung-dung-dich-sat-khuan-khong-ro-nguon-goc-co-the-lam-tang-nguy-co-lay-nhiem-covid-d169471.html

Bạn đang đọc bài viết Tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nếu dùng dung dịch sát khuẩn rởm tại chuyên mục Khiếu nại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Khiếu nại