Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Thêm i ốt vào thực phẩm: Chọn lọc hay bắt buộc toàn bộ?

TDVN 09:43 15/11/2024

Doanh nghiệp thực phẩm than vãn quy trình sản xuất bị đảo lộn, chi phí tăng mà hiệu quả chẳng ai biết khi áp dụng quy định bổ sung muối i ốt vào sản phẩm.

Thêm i ốt vào thực phẩm: Chọn lọc hay bắt buộc toàn bộ? - Ảnh 1.

Bộ Y tế quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng vào những thực phẩm thiết yếu và phổ biến - Ảnh minh họa: D.LIỄU

Mới đây Bộ Y tế tổ chức cuộc họp tiếp thu ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong đó quy định doanh nghiệp chế biến thực phẩm (để tiêu dùng trong nước) phải sử dụng muối có tăng cường i ốt, vitamin A vào dầu ăn, kẽm, sắt vào bột mì.

Thế nhưng doanh nghiệp thực phẩm kêu sản xuất bị đảo lộn, chi phí tăng mà hiệu quả chẳng ai biết khi áp dụng quy định bổ sung muối i ốt vào sản phẩm.

Việt Nam vẫn nằm trong 26 nước thiếu i ốt

Bộ Y tế dẫn số liệu năm 2021 của Mạng lưới toàn cầu về phòng chống các rối loạn do thiếu i ốt, Việt Nam đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i ốt. Hiện hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là trên 90%.

Chỉ số trung vị i ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO. Báo cáo của Bệnh viện Nội tiết trung ương và Viện Dinh dưỡng cho biết chưa ghi nhận trường hợp thừa i ốt.

Bộ Y tế cho rằng người Việt chưa đạt đủ lượng i ốt tiêu thụ hằng ngày so với khuyến nghị, cần tiếp tục thực hiện muối tăng cường i ốt trong bữa ăn hằng ngày và thực phẩm chế biến.

"Thiếu vi chất dinh dưỡng là "nạn đói tiềm ẩn" do khẩu phần của người dân Việt Nam hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Tình trạng thiếu hụt i ốt tại Việt Nam nghiêm trọng tới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng", Bộ Y tế cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Thị Hiếu - khoa dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết việc bổ sung vi chất dinh dưỡng đã nằm trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 nhằm cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe cho người dân.

Các chương trình đang thực hiện tốt như cho trẻ từ 6-36 tháng uống vitamin A, bổ sung sắt và acid folic cho phụ nữ mang thai, tăng cường vi chất vào thực phẩm bằng cách sử dụng muối i ốt, bổ sung vi chất vào thực phẩm thiết yếu bột mì, dầu ăn, nước mắm...

"Nên bổ sung vi chất dinh dưỡng vào những thực phẩm thiết yếu và phổ biến theo nguyên tắc sau: thực phẩm đó phải tiêu thụ rộng rãi như muối ăn, dầu ăn, bột mì, đảm bảo liều lượng an toàn, chi phí hợp lý, dễ tiếp cận và phổ cập, nếu đắt đỏ quá sẽ khó tiếp cận với đa số người dân", bác sĩ Hiếu giải thích.

Cần chọn lọc hay toàn diện?

Theo Bộ Y tế, hàm lượng vi chất dinh dưỡng tăng cường vào thực phẩm sẽ được tính toán trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để đáp ứng khoảng 30% nhu cầu còn thiếu của cơ thể, với lượng rất nhỏ (tính bằng microgam hoặc miligam), cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người.

Nhiều người băn khoăn liệu việc tăng cường vi chất dinh dưỡng bắt buộc vào thực phẩm có dẫn đến tình trạng dư thừa vi chất dinh dưỡng hoặc các bệnh liên quan? Đặc biệt, đối với các cộng đồng không bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có cần thiết hay không?

Bộ Y tế cho rằng việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm dùng cho cộng đồng không làm cho cơ thể người sử dụng dư thừa vi chất dinh dưỡng hoặc gây bệnh, kể cả đối với người sinh sống ở vùng không bị thiếu vi chất.

Theo TS Roland Kupka - cố vấn dinh dưỡng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WHO cũng cho hay việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm giúp cung cấp cho hầu hết những người có nguy cơ thiếu mà không gây nguy cơ hấp thụ quá mức, hoặc gây ra tác dụng phụ cho cộng đồng nói chung hay cho các nhóm cụ thể.

"Người Việt vẫn còn thiếu vitamin và khoáng chất quan trọng ở các nhóm tuổi khác nhau, gây suy yếu sự phát triển kinh tế và con người. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trên diện rộng là biện pháp can thiệp có lợi cho nhiều nhóm cộng đồng khác nhau.

Chúng tôi khuyến nghị bắt buộc tăng cường chất dinh dưỡng vào dầu ăn, bột mì và muối để giải quyết tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất hiện đang phổ biến ở Việt Nam", TS Roland Kupka nhấn mạnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia lĩnh vực thực phẩm Vũ Thế Thành khẳng định việc bổ sung i ốt là cần thiết đối với sức khỏe cộng đồng nói chung và trẻ em, phụ nữ mang thai nói riêng. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn khi quy định "bao phủ" i ốt vào tất cả các loại thực phẩm tiêu dùng trong nước và kiến nghị cần có nghiên cứu cụ thể hơn.

Ông Thành cho hay hiện các quốc gia đều có chính sách bổ sung i ốt, tuy nhiên việc bổ sung này tùy theo tình hình thực tế, trình độ phát triển dân trí và điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia.

"Họ sẽ bổ sung vào thực phẩm nào chứa nhiều muối và nhu cầu người dân sử dụng sản phẩm đó nhiều. Chính sách bao phủ i ốt không có nghĩa là bắt tất cả các thực phẩm công nghiệp đều phải sử dụng muối i ốt, bởi nó sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm hoặc sau khi chế biến việc bổ sung không còn ý nghĩa.

Ví dụ các loại bánh dùng bột mì như bánh mì, bánh quy... dùng muối bổ sung i ốt, vì i ốt có thể tăng cường tính năng của gluten, nhưng cần có thử nghiệm cụ thể với doanh nghiệp sản xuất vì sau gia nhiệt, dư lượng trong thành phẩm phải còn lại đáng kể, nếu không thì sử dụng muối i ốt vô ích.

Việc bổ sung i ốt vào thực phẩm là cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, không nên sao chép giải pháp 'phủ vi chất toàn diện' của nước khác cho Việt Nam. Cần chọn giải pháp nào hợp lý để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh của doanh nghiệp, quyền lựa chọn của người dùng", ông Thành phân tích.

Ông cũng cho rằng cần có những nghiên cứu về ảnh hưởng của muối i ốt đối với người bệnh cường giáp. Nếu tất cả các sản phẩm đều có i ốt sẽ gây ảnh hưởng đến người bệnh đang điều trị.

Đồng thời cần phân loại các sản phẩm khuyến khích và sản phẩm hạn chế sử dụng i ốt. Việc đưa i ốt vào các sản phẩm chế biến đại trà làm gia tăng chi phí doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá trị cảm quan của các sản phẩm truyền thống gây khó cho doanh nghiệp.

Bộ Y tế cho hay sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp để tiến hành nghiên cứu thực tế tại cơ sở sản xuất có sử dụng muối i ốt trong chế biến thực phẩm để làm rõ về ảnh hưởng của muối i ốt đối với sản phẩm của doanh nghiệp.

Trường hợp bằng chứng khoa học cho thấy việc sử dụng muối i ốt làm thực phẩm bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ đề nghị Chính phủ loại trừ đối với các sản phẩm này trong nghị định.

Tăng cường vi chất vào thực phẩm: giá thành có phù hợp?

Thêm i ốt vào thực phẩm: Chọn lọc hay bắt buộc toàn bộ? - Ảnh 2.

Bộ Y tế quy định sử dụng muối có tăng cường i ốt - Ảnh minh hoạ: D.LIỄU

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam nhiều sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng đã được đưa vào thị trường từ lâu như muối; bột canh tăng cường i ốt; dầu ăn, hạt nêm tăng cường vitamin A; nước mắm, hạt nêm tăng cường sắt; hạt nêm tăng cường kẽm; bột mì tăng cường sắt và kẽm…

Bộ lý giải với giải pháp đa dạng hóa bữa ăn ước tính chi phí khoảng 1.148 USD/người/năm. Nhưng giải pháp bổ sung vi chất bằng đường uống có giá thành rẻ hơn là 11,4 USD/người/năm.

Cả hai giải pháp này có thể khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên Nhà nước không thể trích ngân sách nguồn kinh phí lớn như vậy. Người dân, đặc biệt người nghèo không thể tiếp cận được giải pháp này.

Bộ Y tế đánh giá tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chỉ có giá thành 0,06 USD người/năm. Ngoài ưu điểm chi phí thấp, sử dụng thuận tiện thì còn có ưu điểm là áp dụng rộng rãi cho cộng đồng.

Bộ cho rằng doanh nghiệp được thực hiện trách nhiệm xã hội cùng với Nhà nước trong bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Doanh nghiệp sẽ thu hồi chi phí sản xuất từ việc tính vào giá thành sản phẩm và giá sản phẩm tăng lên không đáng kể.

Chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp áp dụng bổ sung vi chất

Ông Đỗ Việt Hà, phó chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM cho rằng chính sách tăng cường vi chất dinh dưỡng vào nguyên liệu sử dụng trong chế biến thực phẩm nên áp dụng theo hình khuyến khích chứ không bắt buộc, đặc biệt là i-ốt.

Cần xem việc bổ sung vi chất là lợi thế cạnh tranh cho nhà sản xuất và cơ quan quản lý có thể hỗ trợ quảng bá những sản phẩm có bổ sung vi chất.

Trong khi đó, chuyên gia Vũ Thế Thành khẳng định chính sách tăng cường vi chất chỉ nên áp dụng theo hình thức phủ một phần, tức tuỳ theo khu vực, đối tượng khách hàng và chúng loại để yêu cầu sản phẩm thực phẩm phải bổ sung.

Cụ thể, ở Thái Lan, cơ quan quản lý nước này không bắt tất cả các doanh nghiệp phải sử dụng muối i-ốt mà chỉ áp dụng cho nước mắm công nghiệp, vì nước mâm này không hoàn toàn sử dụng nguyên liệu từ cá và loại nước này cũng sử dụng màu tổng hợp nên có bổ sung vào thì vẫn không bị ảnh về màu sắc.

"Hiện nước mắm công nghiệp ở Việt Nam đang chiếm khoảng 75% thị phần cả nước và có thể cân nhắc áp dụng bổ sung iốt cho dòng sản phẩm này", ông Vũ Thế Thành nói thêm.

Cũng theo ông Vũ Thế Thành, những sản phẩm ở Việt Nam có thể xem xét phủ một phần là bánh mì, biscut... và cũng như tuỳ theo công nghệ chế biến sản phẩm như nướng nhiệt độ cao thì sẽ không giữ được hàm lượng i-ốt như ban đầu.

Về bổ sung sắt và kẽm, theo chuyên gia Vũ Thế Thành, thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu. Hiện nay, sắt có trong rau, củ quả, hạt... và tốt nhất là trong thịt bò, đây là sắt hữu cơ nên mức độ hấp thu rất tốt, cao gấp 6 lần so với các loại rau củ quả.

Thiếu sắt xảy ra chủ yếu ở trẻ em ở vùng sâu xa hay phụ nữ mang thai. Vì vậy, nếu bây giờ bắt cả nước phải bổ sung sắt như chế độ bà bầu thì sẽ rất lãng phí.

"Quy định phủ vi chất toàn diện không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay. Chúng ta nên phủ tuỳ vùng và áp dụng chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất cung ứng dòng sản phẩm theo vùng, miền, cuối cùng là phải nhắm vào đối tượng áp dụng...

Nếu bắt doanh nghiệp cả nước áp dụng thì gây khó khăn và làm mất đi quyền tự chọn của người tiêu dùng", ông Vũ Thế Thành ý kiến.

Theo Báo Tuổi trẻ

Link gốc : https://tuoitre.vn/them-i-ot-vao-thuc-pham-chon-loc-hay-bat-buoc-toan-bo-20241114221924489.htm

Bạn đang đọc bài viết Thêm i ốt vào thực phẩm: Chọn lọc hay bắt buộc toàn bộ? tại chuyên mục Khiếu nại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Khiếu nại