Giao dịch "gia đình trị"
VPBank có thể nói là mô hình ngân hàng gia đình hoặc nhóm gia đình. Cá nhân ông Dũng sở hữu hơn 4% vốn cổ phần của ngân hàng. Vợ ông, bà Hoàng Anh Minh hiện sở hữu hơn 4,7% vốn VPB, trong khi mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên đang sở hữu lượng cổ phần không kém bà Hoàng Anh Minh. Tính chung, các cá nhân trên thuộc gia đình Chủ tịch VPBank sở hữu khoảng 15% vốn tại VPBank.
Từ năm 2018-2019, ban lãnh đạo VPBank cùng cổ đông lớn thường có những giao dịch cổ phiếu sang tay. Vào hồi tháng 8/2019, bà Hoàng Anh Minh, vợ Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng, đã bán 4 triệu cổ phiếu VPBank cho con gái Ngô Minh Phương. Giao dịch diễn ra theo phương thức thỏa thuận. Trước khi thực hiện giao dịch, bà Phương chưa hề nắm trong tay cổ phiếu nào của VPBank.
Theo giá cổ phiếu ngày 8/8/2019, tổng số 4 triệu cổ phần VPBank bà Phương mua từ mẹ có giá trị thị trường khoảng 75 tỷ đồng. Sau giao dịch bán cổ phần cho con, bà Hoàng Anh Minh nhường lại vị trí cổ đông lớn nhất ở VPBank cho chồng.
Trước đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thực hiện chuyển quyền sở hữu 16,5 triệu cổ phiếu VPB vào ngày 3/4/2019 giữa các quỹ ngoại.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2019, VPBank đã thảo luận vấn đề bán 31 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 73,2 triệu cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên nhằm mục đích giữ chân nhân tài, khích lệ người lao động. Mức giá bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên chỉ là 10.000 đồng/CP, bằng chưa tới 1/3 mức giá (giá mua gần 34.000 đồng/CP) mà VPbank đã mua vào lô 73,2 triệu cổ phiếu quỹ hồi tháng 7/2018.
Có thể thấy, sự chênh lệch giá mua và bán cổ phiếu quỹ cho người lao động (nếu có) sẽ khiến cho ngân hàng bị tạm “lỗ” một khoản tiền hơn 1.000 tỉ đồng. Số lỗ chênh lệch mua – bán cổ phiếu quỹ này, theo ngân hàng, sẽ được “bù đắp” bằng nguồn vốn chủ sở hữu (thặng dư vốn và quỹ đầu tư phát triển).
Trên thực tế, không chỉ VPBank mà một số ngân hàng đã thực hiện chính sách bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, song nguồn cổ phiếu này thường là cổ phiếu phát hành thêm với giá 10.000 đồng/CP. Hoặc ngân hàng có nguồn cổ phiếu quỹ với giá thấp như ACB (mua cổ phiếu quỹ giá 11.000 đồng/CP), được dùng để chia thưởng, bán ưu đãi cho cán bộ, nhân viên… Việc VPBank dùng nguồn cổ phiếu quỹ có giá vốn cao gấp 3,4 lần mệnh giá để “bán rẻ như cho” người lao động là điều lạ lùng! Nhất là khi người lao động được “hậu đãi”, còn các cổ đông của VPbank lại phải “nhịn” cổ tức dù ngân hàng vẫn báo lãi lớn hàng nghìn tỉ.
Đáng chú ý, vào tháng 2/2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phiếu VPB.
Theo đó, 4 cá nhân là Đỗ Thị Mai, Bùi Bích Hạnh, Trần Thị Hương và Đặng Thị Thanh Tâm đã nhận chuyển nhượng tổng cộng gần 100 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 6,37% vốn, từ 2 cổ đông là Công ty Đầu tư Quang Đăng và Công ty Đầu tư Lưu Khuyên.
Với thị giá cổ phiếu VPB tại phiên giao dịch gần nhất tại thời điểm đó gần 65.000 đồng, ước tính giá trị số cổ phiếu vừa chuyển nhượng là gần 6.500 tỷ đồng. Trong đó, bà Đỗ Thị Mai là người nhận chuyển nhượng số cổ phần lớn nhất với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.
Cả hai doanh nghiệp nói trên cùng được thành lập cuối tháng 7/2017, thời điểm cổ phiếu VPBank chuẩn bị lên sàn niêm yết, trụ sở đặt ở hai phòng cạnh nhau tại cùng tầng 8 một tòa nhà trên đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội. Đến đầu năm 2018, Công ty Đầu tư Quang Đăng và Công ty Đầu tư Lưu Khuyên cùng công bố thông tin về việc giải thể và dừng hoạt động kinh doanh. Lý do được hai công ty này đưa ra là gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Bên nhận chuyển nhượng cổ phần cũng là người đại diện theo pháp luật của hai doanh nghiệp này trước khi giải thể. Trong đó, bà Đỗ Thị Mai là người đại diện theo pháp luật của Công ty Đầu tư Quang Đăng và bà Trần Thị Hương là người đại diện theo pháp luật của Công ty Đầu tư Lưu Khuyên.
Với giao dịch trên, giới đầu tư cho rằng không ngoại trừ khả năng 2 công ty trên chỉ là công ty ảo được lập ra để thực hiện giao dịch cổ phiếu VPB với mục đích riêng của ban lãnh đạo.
Đối chiếu lại bản cáo bạch trước khi niêm yết, ở thời điểm cổ phiếu VPBank lên sàn chứng khoán, nhà băng này không có cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ.
Trong tháng 11/2018, cổ đông ngoại ngân hàng VPB cũng có nhiều giao dịch sang tay. Với thị giá cổ phiếu VPB tại ngày hiệu lực chuyển quyền (21/11/2018) ở mức 21.800 đồng, Al Mehwar Commercial Investments L.L.C có thể đã chi ra hơn 14 tỷ đồng cho thương vụ này.
Tính cả giao dịch trên, chỉ trong hơn 1 tuần đó, các quỹ ngoại đã “sang tay” hơn 7,5 triệu cổ phiếu VPB. Cụ thể, ngày 15/11, Ashoka Pte. Ltd. đã chuyển nhượng hơn 5,66 triệu cổ phiếu VPB sang cho Arjuna Fund Pte. Ltd. Giá trị giao dịch ước tính lên đến hơn 112 tỷ đồng, tương ứng với 19.850 đồng/cổ phiếu – mức giá tham chiếu tại ngày hiệu lực chuyển quyền.
Trước đó, Arjuna Fund Pte. Ltd cũng đã nhận chuyển nhượng hơn 1,22 triệu cổ phiếu VPB từ Optis Global Opportunities Fund Ltd trong ngày 13/11 với trị giá giao dịch vào khoảng 27 tỷ đồng, tương đương 21.850 đồng/cổ phiếu – mức giá trần tại ngày hiệu lực chuyển quyền.
Đáng chú ý, thời điểm các quỹ ngoại tích cực “sang tay”, cổ phiếu VPB đang giao dịch loanh quanh vùng đáy. Cụ thể, sau khi trượt dài về đáy 19.000 đồng/cổ phiếu ngày 15/11 (thấp nhất kể từ khi lên sàn tháng 8/2017), cổ phiếu VPB phục hồi nhẹ nhờ tác động từ thông tin gia đình Chủ tịch Ngô Chí Dũng muốn mua vào 21 triệu cổ phiếu.
Cẩn trọng với cổ phiếu VPBank
Báo cáo tài chính của VPBank cho thấy, ngoài nhóm khách hàng vay nợ lãi suất cao, bóng dáng của các ông lớn "bất động sản" trong mảng bán buôn khá lớn. Hơn nữa, số dư phần trái phiếu doanh nghiệp rủi ro chiếm trên 1/3 vốn chủ sở hữu. Được biết, 8 tháng đầu năm 2019, VPB là ngân hàng dẫn đầu trong những ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu nhiều nhất với khoảng 13.860 tỷ đồng. Trong đó có 300 triệu USD trái phiếu quốc tế.
Cơ cấu kinh doanh của VPB chủ yếu phụ thuộc vào công ty cho vay tiêu dùng FE Credit. Dù đem về lợi nhuận cao nhưng nhóm khách hàng của VPB khá rủi ro, đó cũng là lý do khiến cho nợ xấu của ngân hàng này lúc nào cũng xếp vào nhóm cao nhất trong hệ thống (trên 3%).
Liên quan đến cho vay lãi suất cao liên quan đến những phàn nàn của khách hàng về lãi suất giống tín dụng đen và thái độ không tốt của đội ngũ đòi nợ. Do đó, nhìn một cách tổng quan, bản thân khách hàng cũng không có cái nhìn thiện cảm chung về VPBank. Điều này có vẻ như đang lan tỏa lên tâm lý nhà đầu tư.
Một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh, việc kinh doanh vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro nợ xấu nếu môi trường kinh doanh không được thuận lợi. Lãnh đạo một nhà băng tầm trung cũng nhìn nhận, hiện Chính phủ, NHNN đang có chủ trương siết chặt tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng vào những lĩnh vực có mức độ rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như ngăn ngừa rủi ro nợ xấu phát sinh.
“Năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tiếp tục được khống chế khoảng 14%, trong khi Chính phủ và NHNN vẫn đang có chủ trương kéo giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó còn là lộ trình giảm dần tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn. Tất cả những điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu từ tín dụng của các ngân hàng. Vì thế, muốn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận, các ngân hàng cần phải đẩy mạnh phát triển các dịch vụ phi tín dụng”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh của các TCTD vừa được Vụ Dự báo thống kê thuộc NHNN công bố mới đây cho thấy, chỉ có 98% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2020 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2019, 2% TCTD kỳ vọng không đổi. Lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 16,92% trong năm 2020, thấp hơn nhiều mức kỳ vọng bình quân về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2019 là 20,13%.
Chính vì những lý do đó, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang chững lại thì việc chơi cổ phiếu ngân hàng VP Bank vẫn là một cuộc chơi cần phải cẩn trọng. Thực tế thời gian qua, vẫn còn những ngân hàng bị môi giới thổi phồng tạo các cơn sốt ảo, nên các nhà đầu tư cần thận trọng tránh rơi vào cảnh đu theo dây thổi giá sẽ bị rớt rất...đau!
Trong khi mặt bằng chung của các ngân hàng đã niêm yết chỉ đạt ROE khoảng 11-14%, riêng Vietcombank cao nhất là 14,7% thì của VPBank tới 25,7%. Tương tự với ROA, ngoại trừ Ngân hàng Quân đội có tỷ suất trên 1%, các nhà băng khác, kể cả Vietcombank, VietinBank hay BIDV đều dưới 1%, thì tỷ suất của VPBank tới 1,7%.
Còn nữa...
Investgo/Chất lượng Việt Nam