Hà Nội, Thứ Tư Ngày 11/12/2024

Gửi tiền ngân hàng vẫn là kênh đầu tư ưa thích của người dân

Dương Sơn 18:19 06/07/2023

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, so sánh với thời điểm cuối tháng 12/2022, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng hiện nay sụt giảm tới gần 300.000 tỉ đồng.

So sánh với thời điểm cuối tháng 12/2022, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng hiện nay sụt giảm tới gần 300.000 tỉ đồng. (Ảnh: Int)

Theo dữ liệu về tổng phương tiện thanh toán và số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, chỉ trong 4 tháng đầu năm, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế tại các ngân hàng sụt giảm tới 5,02% so với thời điểm cuối năm 2022, trong khi nguồn tiền gửi dân cư tăng mạnh tới 7,96%.

Lãi suất huy động đồng loạt về dưới 8%

Trái ngược với cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động hồi cuối năm ngoái, những tháng gần đây, thị trường chứng kiến cuộc đua giảm lãi suất huy động.

Đặc biệt, sau động thái hạ lãi suất điều hành lần 4 của NHNN, các ngân hàng thương mại đang khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung.

Mức lãi suất niêm yết tại hầu hết nhà băng đã giảm rất nhanh. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng đã lùi về mức dưới 8%/năm. So với mức “đỉnh” vào tháng 12/2022, lãi suất huy động hiện đã giảm 2-4%/năm, tùy từng ngân hàng. Đến nay, mức lãi suất huy động 8%/năm trở thành "hàng hiếm" trên thị trường ngân hàng.

Khảo sát nhanh của MarketTimes về biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên các website của các ngân hàng trong nước vào 4/7/2023 cho thấy, lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm so với hồi tháng 6 vừa qua. Ở nhóm Big 4, lãi suất tiết kiệm cao nhất từ kỳ hạn 12 tháng trở lên chỉ còn 6,3%/năm.

Ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, việc điều chỉnh giảm lãi suất diễn ra với biên độ rộng hơn, từ 0,1 - 1,4%/năm tuỳ ngân hàng. Tính chung từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng đã giảm tuyệt đối khoảng 1,5 - 3 điểm %.

Cũng theo số liệu từ NHNN, số dư tiền gửi của dân cư trong tháng 4/2023 lại tăng thêm tới 52.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối tháng 3, cho thấy gửi tiền ngân hàng vẫn là kênh đầu tư ưa thích của người dân khi có nguồn tiền nhàn rỗi.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm, tổng số dư tiền gửi của dân cư tăng thêm tới 467 nghìn tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2022.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, nguồn tiền gửi của dân cư đổ vào ngân hàng trong tháng 4 dù vẫn tăng so với tháng trước nhưng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại nếu so với các tháng liền trước và so với hồi cuối năm 2022.

Nguyên nhân là do mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm, theo đó kênh tiết kiệm không còn là ưu tiên hàng đầu với người dân.

Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm

Số liệu được NHNN cập nhật trên website cho thấy, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4/2023 đạt hơn 14.470.593 tỉ đồng. Trong đó, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt trên 5,65 triệu tỉ đồng, giảm 5,02% với thời điểm cuối năm 2022; số dư tiền gửi của dân cư đạt trên 6,33 triệu tỉ đồng, tương đương mức tăng lên tới 7,96%.

Như vậy, so với dữ liệu của tháng 3/2023 được NHNN công bố cách đây khoảng một tháng, nguồn tiền gửi của tổ chức kinh tế và tiền gửi của dân cư tiếp tục ghi nhận các biến động trái chiều.

Trong đó, nếu so với thời điểm cuối tháng 3/2023, nguồn tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm thêm 8.833 tỉ đồng trong vòng một tháng.

So sánh với thời điểm cuối tháng 12/2022, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng hiện nay sụt giảm tới gần 300.000 tỉ đồng.

Với tổng số dư là hơn 5,65 triệu tỉ đồng, lượng tiền gửi của các doanh nghiệp tại ngân hàng hiện chỉ còn nhỉnh hơn đôi chút với thời điểm cuối năm 2021 là 5,645 triệu tỉ đồng.

Trước đó, tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh trong giai đoạn 2020-2021 và lần đầu tiên vượt tiền gửi dân cư vào tháng 11/2021.

Cụ thể, vào thời điểm tháng 12/2021, tiền gửi của tổ chức kinh tế trong hệ thống các tổ chức tín dụng đạt trên 5,645 triệu tỉ đồng, tăng 15,73% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,3 triệu tỉ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2020.

Ở thời điểm trên, nhiều tổ chức đầu tư nhận định, việc tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng nhanh hơn là bởi trong 2 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều dự án đầu tư không thể triển khai dẫn đến hoạt động giải ngân vốn đầu tư chậm lại, một bộ phận vốn đầu tư phải "nằm chờ" trong tài khoản ngân hàng.

Sự phục hồi chậm chạp của hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch và những khó khăn tiềm ẩn cũng khiến không ít doanh nghiệp phải thận trọng trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, diễn biến các kênh đầu tư khác như bất động sản phục hồi và chứng khoán tăng trưởng mạnh thúc đẩy xu hướng rút tiết kiệm để đầu tư kinh doanh và theo đó thu hút mạnh nguồn tiền gửi của các nhóm khách hàng dân cư.

Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo chiều từ đầu năm 2022, khi nhóm khách hàng dân cư lại là động lực tăng trưởng chính cho huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Theo Nhịp sống thị trường

Link gốc : https://markettimes.vn/gui-tien-ngan-hang-van-la-kenh-dau-tu-ua-thich-cua-nguoi-dan-33380.html

Bạn đang đọc bài viết Gửi tiền ngân hàng vẫn là kênh đầu tư ưa thích của người dân tại chuyên mục Cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Cần biết
Ông Đỗ Quang Vinh bắt đầu làm Chủ tịch SHB Finance từ đầu năm 2021, sau đó đến giữa năm chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên. Từ tháng 6/2023, ông Vinh đã không còn đảm nhiệm vị trí này.