Đáng bàn hơn, sai phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng sự vào cuộc “hời hợt” của ngành chức năng đã “tạo điều kiện” cho chủ đầu tư hoàn thành phần xây thô hàng trăm biệt thự.
Hàng trăm biệt thự “mọc” trên đất dùng để xây dựng nhà máy sản xuất gạch của Công ty Đại Hưng tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang.
Xây “chui” hàng trăm biệt thự
Ngày 15/5/2002, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 1122/QĐ-UBND về việc thu hồi 50.743 m2 đất tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang và giao cho Công ty Đại Hưng thuê để thực hiện xây dựng nhà máy sản xuất gạch Tuynel với thời gian thuê đất 30 năm. Đến ngày 10/8/2009, Công ty Đại Hưng ký hợp đồng thuê đất (số 87/HĐ-TĐ) với Sở TNMT tỉnh Hưng Yên thuê 50.743m2 đất tại cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Phụng Công để xây dựng nhà máy gạch ngói tuynel. Theo đó, thời hạn thuê đất đến hết ngày 18/6/2032, với giá tiền thuê đất 3.000 đồng/m2. Đầu năm 2016, Công ty Đại Hưng có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện Dự án nhà máy sản xuất gạch ngói trên sang mục đích thực hiện Dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden.
Sau khi nhận được văn bản đề nghị của Công ty Đại Hưng, ngày 30/11/2016 Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên có công văn số 283/TB-UBND Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên “Đồng ý về chủ trương để Công ty Đại Hưng được điều chỉnh dự án đầu tư trên địa bàn xã Phụng Công, huyện Văn Giang với nội dung đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế -Sago Palm Garden.” Sau đó, đến tháng 9/2017, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 2491/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu Sago Palm Garden.
Mặc dù mới được đồng ý về chủ trương, nhưng từ năm 2018, Công ty Đại Hưng đã tiến hành thi công rầm rộ hàng trăm biệt thự không phép và giao bán công khai các sản phẩm của dự án. Theo người dân địa phương phản ánh, mặc dù Dự án vườn Vạn Tuế xây không phép diễn ra rầm rộ trong thời gian dài với hàng trăm biệt thự “khủng”, ngay sát đường giao thông đông đúc nhưng dường như không thấy ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Đến tháng 8/2018, Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc kiểm tra, phát hiện UBND tỉnh Hưng Yên chưa ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh sang đất ở để xây dựng Dự án Sago Palm Garden, chưa thu tiền sử dụng đất tại Dự án Sago Palm Garden.
Đến ngày 24/6/2019, Công ty Đại Hưng mới có văn bản số 2406/CV-ĐH gửi UBND tỉnh Hưng Yên, nội dung đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho Dự án Sago Palm Garden. Phúc đáp văn bản trên, ngày 3/7/2019, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản số 1644/UBND-TH, nội dung giao Sở KHĐT chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, TN&MT, Cục thuế tỉnh... tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và thực hiện, đảm bảo đúng quy định cho dự án.
Trong khi chưa được chấp thuận, chưa đủ thủ tục pháp lý, Công ty Đại Hưng vẫn hiên ngang thi công xây dựng bất chấp pháp luật. Đến nay, Dự án Sago Palm Garden đã được xây dựng và hoàn thiện xong phần thô hơn 200 căn biệt thự liền kề có diện tích từ 80 - 200 m2/căn. Hệ thống hạ tầng như đường, điện, cây xanh đang được công nhân hoàn thiện. Các cổng vào của dự án được kết nối trực tiếp với hạ tầng của Khu đô thị Ecopark và có bảo vệ gác chắn rất cẩn thận.
Mặt khác, dù chưa đủ điều kiện để bán, nhưng Công ty Đại Hưng đã ký hợp đồng hợp tác, hợp đồng mua bán nhà với nhiều khách hàng, thu hơn 200 tỷ đồng.
Chính quyền thiếu trách nhiệm
Mặc dù sai phạm của Công ty Đại Hưng tại Dự án Sago Palm Garden diễn ra trong thời gian dài trước đó, nhưng đến tháng 3/2020, Đoàn liên ngành của tỉnh Hưng Yên mới tiến hành kiểm tra, xác minh toàn diện dự án. Tại thời điểm thanh tra tháng 3/2020 vừa qua, Dự án Sago Palm Garden của Công ty Đại Hưng mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương. Đoàn thanh tra đã chỉ ra những sai phạm của Công ty Đại Hưng khi thực hiện báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư; báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư theo quy định; chưa đăng ký biến động thay đổi tên pháp nhân…
Qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước cho thấy, Công ty Đại Hưng còn phải nộp vào ngân sách nhà nước về tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Đoàn kiểm tra cũng cho rằng, để xảy ra các sai phạm trên, có một phần nguyên nhân từ việc UBND huyện Văn Giang, xã Phụng Công chưa sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, chưa có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chưa sâu sát, chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm của đơn vị. Đáng chú ý, Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ trình thẩm định chưa bảo đảm nội dung theo quy định.
Được biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử vừa yêu cầu Công ty Đại Hưng khắc phục các sai phạm.
Theo Đại đoàn kết