Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Chất lượng nhân công Việt Nam quá thấp, xếp hạng 103 thế giới

Tài chính Doanh nghiệp 21:44 26/04/2021

Tại Việt Nam, lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp mới đạt 24,5% năm 2020; kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.

Lao động qua đào tạo chưa đạt 25%

Ngày 26/4, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Báo cáo nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thông qua việc phát triển thị trường các nhân tố sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam, nghiên cứu sâu thị trường lao động cho thấy, thị trường lao động có những cải thiện nhất định.

Cụ thể, lao động đã dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động tự làm, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và đảm bảo hơn; từ những ngành nghề đơn giản sang những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn.

Mặc dù vậy, theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), chất lượng nguồn lao động của Việt Nam còn thấp. Việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, chiếm 75,3% năm 2019, cao đẳng và trung cấp chỉ 24,7%.

Bà Quỳnh khẳng định, Việt Nam chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020. Trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào.

Bên cạnh đó, thị trường lao động của Việt Nam đang có dấu hiệu già hóa lao động. Lực lượng lao động tại Việt Nam ngày một già hóa với lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa. Năm 2019 tuổi bình quân là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi.

Theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, nguyên nhân dẫn tới hạn chế thị trường lao động Việt Nam là sự thiếu đồng bộ, triển khai chậm: sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp; xác định các ngành nghề trọng điểm nhưng chưa có chính sách gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; Cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục chưa đi cùng với tự chủ về con người, về chương trình đào tạo; thiếu nguồn lực để thực hiện.

Cơ chế giám sát thực hiện các chương trình, chính sách kém hiệu lực, hiệu quả thấp. Thiếu khung pháp lý, chế tài xử lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp…

Đáng chú ý, mức tiền lương tối thiểu vùng đối với khu vực tư nhân được xác định trên quan hệ 3 bên: Nhà nước, người sử dụng lao động (giới chủ) và người lao động (công đoàn), nhưng mức tiền lương tối thiểu chưa đảm bảo được cuộc sống; cơ chế phân phối tiền lương đổi mới chậm: thực chất mới điều chỉnh tăng lương cơ sở.

Cùng với đó, các trung tâm dịch vụ việc làm công lập thiếu năng động, vẫn mang tính hành chính, phục vụ chủ yếu đối tượng bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực chính thức, mà chưa có sự kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm tư nhân. Theo báo cáo, hơn một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm thực hiện qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân; 2-3% tìm qua trang web.

Trình độ lao động của Việt Nam còn hạn chế

Xây dựng cơ chế tiền lương

Báo cáo đặt ra vấn đề phát triển thị trường lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó, cần quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam là chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để làm được như vậy, Việt Nam cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, năng suất lao động cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó có nguồn lực lao động.

Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo lập các điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm đồng bộ, linh hoạt, minh bạch, cạnh tranh và hội nhập.

Hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động về quy mô, chất lượng lao động, cơ cấu ngành, nghề. Tăng cường vai trò của nhà nước trong việc giám sát, điều tiết cung - cầu lao động; kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước, khu vực và gắn với thị trường lao động quốc tế, khu vực ASEAN.

Thúc đẩy sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và đào tạo lại lao động trong đó, khuyến khích sự tham gia của người sử dụng lao động, DN, các hiệp hội nghề nghiệp trong việc thiết kế các chương trình đào tạo (nội dung đào tạo, chuẩn đầu ra), tham gia đào tạo. Cần có quy định yêu cầu các cơ sở GDĐT phải nâng cao thời lượng và chất lượng của các mô đun thực hành; khu vực doanh nghiệp phải thực hiện đào tạo và đào tạo lại lao động.

Bên cạnh đó, theo bà Quỳnh cần quy hoạch phát triển các tỉnh/vùng phải quan tâm đến phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm, các KCN, CCN theo mô hình cụm liên kết ngành gắn với chuỗi giá trị để vừa khai thác và phát huy lao động tại chỗ, lao động giản đơn, vừa thu hút được lao động chất lượng cao và dần tạo tác động lan tỏa cải thiện mặt bằng chất lượng lao động.

Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi; hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của tái cấu trúc kinh tế, hội nhập, ứng dụng/chuyển giao công nghệ mới và tác động của dịnh bệnh.

Điểm đáng lưu ý là chính sách tiền lương cần sửa đổi gắn với năng lực, hiệu quả lao động. Để làm được điều đó cần đổi mới công tác đánh giá hiệu quả công việc của người lao động bằng cách xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá thực hiện công việc (KPI) cho từng vị trí việc làm. Tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị-xã hội.

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/ky-nang-lao-dong-cua-viet-nam-han-che-xep-thu-103-the-gioi-d20505.html

Bạn đang đọc bài viết Chất lượng nhân công Việt Nam quá thấp, xếp hạng 103 thế giới tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương