Sau gần ba ngày mở bán đấu giá các gói mạng 5G từ ngày 29-9, Nhà nước Pháp đã thu về 2,786 tỉ euro (gần 3,3 tỉ USD) từ bốn nhà mạng lớn của nước này là Bouygues Telecom, Free, Orange và SFR.
Đây được xem là một hoạt động thành công của đơn vị được giao phụ trách là Cơ quan quản lý bưu chính viễn thông Pháp (Arcep). Chính phủ Pháp từng đặt mục tiêu huy động được ít nhất 2,17 tỉ euro từ việc bán phổ tần này.
Mạng 5G đã trở thành xu hướng sử dụng của toàn cầu - Ảnh: Reuters |
Làm đúng, không ai phàn nàn
Để tránh chuyện "cá lớn nuốt cá bé" thu gom hết các gói mạng, Arcep - "trọng tài ngành viễn thông Pháp" - đã chuẩn bị công bằng cho mỗi nhà mạng được mua một "gói chuẩn" 50 MHz với giá 350 triệu euro. Trong phiên đấu giá chính, Arcep thực tế chỉ bán 11 gói nhỏ còn lại trong băng tần 3,4-3,8 GHz. Giá khởi điểm của mỗi gói 10 MHz này là 70 triệu euro.
Cũng như đã được dự đoán trước, nhà mạng lớn nhất của Pháp là Hãng Orange đã bỏ tiền mua được bốn gói trong lô hàng đấu giá, Hãng SFR lấy ba, còn hai hãng Bouygues Telecom và Free mỗi hãng lấy hai gói.
Ông Guillaume Vaquero, chuyên gia viễn thông của văn phòng tư vấn Wavestone, nhận định: "Kết quả của cuộc đấu giá vừa qua không phải là nhà mạng nào có được hết mạng 5G (vì đã có phần được mua bằng nhau trước đó), mà là nhà mạng nào có được hệ thống tốt nhất và hiệu quả nhất".
Nôm na là ở phần được "mua thêm" theo hình thức đấu giá thì nhà mạng nào trả nhiều hơn sẽ có được phần mạng ở khu vực mình mong muốn khai thác. Các giấy phép 5G ở Pháp sẽ được trao cho các nhà mạng trúng thầu trong quý 4 năm nay.
Trong cuộc đấu giá vừa qua, các bên đều hài lòng vì giá cả hợp lý. Trước đó, mọi người cũng có chút lo âu khi nhìn đến kịch bản ở Ý. Giá cả đã bị đẩy lên quá cao nên Chính phủ Ý dù thu về được đến 7,6 tỉ USD (Đức cũng thu được con số tương tự) nhưng người ta lo ngại thị trường sẽ bị méo mó khi đi vào hoạt động kinh doanh thực sự.
Các nước đều bán
Tính đến nay chính phủ nhiều nước đã lên kế hoạch bán mạng 5G nhưng có chút trục trặc do tình hình dịch COVID-19. Áo và Tây Ban Nha cũng đã có kế hoạch nhưng bị lùi lại.
Ở Mỹ đã có các gói được bán ra. Hôm 2-9, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) cũng đã công bố kết quả đấu thầu thuê dải băng tần dành cho mạng di động 5G. Theo đó, Công ty mạng Verizon đã vượt qua nhiều nhà mạng lớn khác với số tiền đầu tư lên tới 1,9 tỉ USD. Đứng thứ hai về số tiền đấu thầu là Dish Network - tên đấu thầu là Wetterhorn Wireless - với 913 triệu USD.
Theo FCC, đây là cuộc đấu thầu quyền sử dụng toàn bộ dải băng tần số 3550-3650 MHz dành cho mạng 5G tại Mỹ. Nằm trong nhóm năm nhà mạng hàng đầu tham gia đấu thầu còn có Comcast, Spectrum và Cox.
Tháng trước, Mỹ đã thông báo tiến hành đấu giá dải băng tần số 100 MHz (vốn dành cho quân đội Mỹ lâu nay) cho các công ty viễn thông nước này để triển khai mạng 5G siêu tốc. Theo các quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ, dải băng thông này là phổ băng tần số trung bình và không ảnh hưởng đến hoạt động quân sự hay an ninh quốc gia.
Dự kiến FCC sẽ bắt đầu cho đấu giá dải băng tần này vào tháng 12 tới để có thể đưa vào sử dụng cho mạng 5G sớm nhất là giữa năm 2022.
"Với 100 MHz tăng cường, giờ Mỹ có 530 MHz băng thông liền mạch trong băng tần trung, từ 3450 đến 3980 MHz, để nâng cao năng lực mạng 5G" - bà Dana Deasy, đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ, thông báo. Còn ông Ajit Pai - chủ tịch FCC - nhận định: "Đây là một dấu mốc quan trọng để đảm bảo vị trí dẫn đầu của Mỹ về 5G".
Nhưng theo giới chuyên môn, Mỹ vẫn đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc khi triển khai công nghệ này.
Tường Nguyên