Đang đi đúng hướng phòng, chống dịch Covid-19
TP.HCM đang bước vào những ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo thông tin mới nhất của Bộ Y tế, chỉ từ 6h đến 18h ngày 13/7, TP.HCM đã ghi nhận thêm 1.797 trường hợp mới dương tính với Covid-19, nâng tổng số người bị mắc lên đến 16.753 bệnh nhân (chỉ tính từ ngày 27/4 đến nay).
Chưa khi nào TP.HCM phải hứng chịu đợt dịch bệnh Covid-19 nặng nề như đang phải trải qua. Điều đó đã đưa chính quyền và người dân TP.HCM đến gần nhau hơn, thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng cùng nhau chống dịch.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, cơ quan chức năng TP.HCM đã đề ra "mục tiêu kép" - vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, giữ vững vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thống kê phát triển kinh tế TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2021 (Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM). |
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu sức ép từ dịch bệnh nhưng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn TP.HCM vẫn tăng 5,46%, cao hớn mức tăng trưởng 1,02% của cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP.HCM đạt khoảng 542.000 tỉ đồng, tăng 7,3%. Thu ngân sách đạt 198.566 tỉ đồng, đạt 55,7% dự toán, tăng 20,7%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,9%. Trong đó ngành công nghiệp trọng điểm gồm chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 1,2%, hóa dược tăng 2,6%, điện tử tăng 15,6% và cơ khí tăng 10,7%.
6 tháng đầu năm 2021, TP.HCM có 18.441 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt 310.988 tỉ đồng. Tuy về số lượng chỉ tăng 3,8% nhưng về vốn đăng ký tăng đến 39,2%.
9 ngành dịch vụ chủ yếu có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao, lên đến 13.513 doanh nghiệp (chiếm 73,2%) và số vốn đăng ký đạt 197.764 tỉ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước đạt 185.975 tỉ đồng, so với cùng kỳ tăng 6% (cùng kỳ năm trước giảm 10,1%) và bằng 27,3% GRDP, bao gồm: Vốn khu vực nhà nước đạt 23.850 tỉ đồng, khu vực ngoài nhà nước đạt 135.359 tỉ đồng, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 26.766 tỉ đồng.
Theo dự báo, nếu đến tháng 8/2021 dịch Covid-19 tại TP.HCM được khống chế, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2021 của thành phố sẽ đạt 5,02%, dự báo cả năm 2021 sẽ đạt 4,9%.
Con số thống kê của Cục Thống kê TP.HCM đưa ra ở trên đã cho thấy tín hiệu khả quan. Chính vì thế mà trong buổi làm việc trực tuyến sáng ngày 11/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP.HCM khẳng định, thành phố đang đi đúng hướng trong công tác vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao việc thành phố thực hiện thành công “mục tiêu kép” khi trong 6 tháng đầu năm 2021, các chỉ số tăng và ổn định trên hầu hết các lĩnh vực. TP.HCM tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Cơ hội chuyển mình trong khó khăn
Đầu năm 2021, trong buổi Hội nghị trực tuyến với Chính phủ và các địa phương trên cả nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã xác định, chủ đề của thành phố là: "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Tập trung kiểm soát tốt lây nhiễm Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực.
Chủ trương mà Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra cũng được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ. Ngoài mặt tiêu cực, đại dịch Covid-19 lần này cũng mở ra cho TP.HCM một cơ hội mới, nếu doanh nghiệp, địa phương nào nắm bắt được và có hướng đi đúng đắn thì sẽ tạo thành đòn bẩy phát triển trong tương lai.
TP.HCM đang đứng trước thách thức và cơ hội do đại dịch Covid-19 đem lại. |
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du nhận định: "Sự tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là không thể tránh khỏi, tuy nhiên, nó chỉ xảy ra ở một số lĩnh vực, phân khúc nhất định, điển hình là các lĩnh vực vận tải, nhất là vận tải hàng không, du lịch, nhà hàng... chứ không phải trên tất cả các lĩnh vực".
Theo ông Du, để có đánh giá khách quan, chúng ta phải định lượng được những lĩnh vực bị ảnh hưởng chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng thể nền kinh tế? Thực tế cho thấy, khó khăn của lĩnh vực này lại là cơ hội của lĩnh vực khác.
"Trong thực hiện mục tiêu kép, phải rất linh hoạt các giải pháp để “giải cứu” các lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu và quan trọng nhất là tạo điều kiện, môi trường cho các ngành, các lĩnh vực có lợi thế bứt phá vượt lên, nhằm giữ vững và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, không để đứt gãy chuỗi phát triển kinh tế", ông Du bày tỏ.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM cũng đưa ra lời khuyên, trong bối cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19 như hiện nay, các doanh nghiệp tại TP.HCM cũng tận dụng thời gian giãn cách để nghiên cứu tái cấu trúc doanh nghiệp tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, chủ động nguồn nguyên liệu, khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia.
"Tâm lý ổn định và lạc quan của người tiêu dùng khi dịch được kiểm soát tốt sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm, du lịch, kích thích kinh tế tăng trưởng trở lại", PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng, ngoài việc nhanh chóng dập dịch Covid-19, tiêm vaccin phòng bệnh cho toàn bộ người dân, cơ quan chức năng TP.HCM cũng cần đơn giản hóa các thủ tục, nhanh chóng thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.