Nạn nhân của vụ tai nạn lao động kể trên là anh Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 1975, trú tại thôn Làng Mường, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, là công nhân khoan của công ty Hồng Anh.
Do rơi từ độ cao 40m xuống, lại là vách đá nên anh Đạt bị thương nặng. Nạn nhân được đưa đi sơ cứu tại Trung tâm y tế huyện Lục Yên, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, hiện tại đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Để tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Tào Thế Anh - Giám đốc công ty Hồng Anh Bảo An.
Ông Thế Anh cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, phía công ty đã tiến hành đưa nạn nhân đi cấp cứu và chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể những cơ quan nào đã vào kiểm tra và biên bản các cuộc kiểm tra thì đơn vị này không cung cấp được.
Theo quan sát của PV, mặc dù vừa mới xảy ra sự việc tai nạn lao động nhưng việc khoan, nổ mìn, xay đá của đơn vị này vẫn diễn ra rầm rộ mà không hề có bất kì cảnh báo nào, khiến dư luận hết sức hoang mang.
Được biết, công an xã đã đến hiện trường vụ tai nạn để kiểm tra xác minh và bảo vệ hiện trường, báo cáo Công an huyện Lục Yên. Đến thời điểm hiện tại, vụ việc vẫn trong quá trình điều tra chưa có kết quả.
Tuy nhiên, điều đáng nói, sự việc tai nạn vẫn đang trong quá trình điều tra chưa có kết luận, nhưng phía doanh nghiệp vẫn hoạt động rầm rộ như chưa có bất kì sự việc gì xảy ra. Đồng thời cũng không có bất kì một cuộc kiểm tra nào về vấn đề thực hiện an toàn lao động của doanh nghiệp. Cũng không có bất kì một cảnh báo nào được phía doanh nghiệp đưa ra đối với người lao động.
Việc quá “dễ dãi” trong công tác kiểm tra giám sát thực hiện an toàn lao động trong khai thác khoáng sản của các cơ quan chức năng cũng có thể là yếu tố khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không chú trọng đến vấn đề an toàn cho người lao động. Đồng thời cũng đặt ra câu hỏi, liệu có phải Công ty TNHH Hồng Anh Bảo An đang coi thường tính mạng người lao động, coi thường những quy định của pháp luật?
Bên cạnh đó, việc “vắng bóng” của các cơ quan chức năng cũng có thể trở thành tiền lệ xấu khi giải quyết các sự cố tương tự nếu có.
Để rộng đường dư luận, PV đã tìm đến chính quyền địa phương nhằm giải đáp những nghi vấn, Tuy nhiên, từ đây lại bộc lộ nhiều tình huống có “tính vấn đề” của chính các cơ quan chức năng trong việc xử lý vụ việc tai nạn lao động kể trên.
Luật Khoáng sản 2010 có quy định về an toàn lao động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản như sau: Điều 57. An toàn lao động, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản 1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, người làm việc tại mỏ phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động. 2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải ban hành nội quy lao động của mỏ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. 3. Khi có nguy cơ xảy ra sự cố về an toàn lao động, Giám đốc điều hành mỏ phải áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để loại trừ nguyên nhân xảy ra sự cố. 4. Khi xảy ra sự cố về an toàn lao động, Giám đốc điều hành mỏ phải áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để khắc phục sự cố; cấp cứu, sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm; kịp thời báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo vệ tài sản, bảo vệ hiện trường xảy ra sự cố. 5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hỗ trợ việc cấp cứu và khắc phục hậu quả sự cố về an toàn lao động. 6. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện chế độ báo cáo về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật. |