Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Công ty tài chính tiêu dùng Fe Credit chia sẻ, ông từng bàn với vợ về việc chuyển đến một đất nước khác hoặc trở lại Ấn Độ nhưng vợ ông thích khí hậu, ẩm thực, con người và cuộc sống ở Việt Nam đến mức muốn sống ở đây cho đến khi các con vào đại học.
CEO Fe Credit: Các con tôi đều được sinh ra ở Việt Nam nên đây là quê hương tôi. Tết tôi muốn ở NHÀ và bên gia đình! |
Tết Nguyên đán trong mắt ông Kalidas Ghose – một người Ấn Độ có thời gian rất dài sinh sống và làm việc ở Việt Nam - là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Ông ấn tượng với cách mà từng cá nhân gìn giữ và truyền nối những tập tục mang đậm bản sắc để duy trì nét đẹp đó từ đời này qua đời khác.
Các gia đình luôn sum vầy bên nhau cùng chuẩn bị cho thời khắc giao thừa – thời khắc quan trọng nhất trong năm, rồi cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, trao nhau những bao lì xì, như lời nhắn nhủ, tâm sự, khuyên răn, gửi trao ý nguyện giữa các thế hệ về khát vọng vào một ngày mai tươi đẹp, may mắn.
Trong dịp Tết hay các ngày nghỉ lễ đặc biệt khác, ông luôn dành thời gian cho gia đình hoặc sở thích cá nhân. Gia đình có thể đi du lịch cùng nhau, về Ấn Độ thăm họ hàng hoặc bất cứ đâu mà cả gia đình có thể vui vẻ bên nhau. Và ông cũng không quên dành chút thời gian cho cá nhân. "Tôi cực kỳ thích đọc sách, nhất là sách in. Tôi vẫn chưa quen được với sách điện tử hay kindle vì tôi vẫn thích cảm giác lật quyển sách trên tay. Nó đem lại cho tôi sự thư giãn hơn là sách điện tử" – CEO của Fe Credit kể và cho biết ông đang sở hữu một kho sách rất lớn.
Trước khi quyết định chọn Việt Nam là điểm đến, ông Kalidas Ghose đã gặp được một người cực kỳ quan trọng trong đời mình. Tên ông ấy là Mark Tucker. Ông hiện là Chủ tịch của HSBC. Lúc đó ông còn là Giám đốc điều hành tập đoàn của Prudential. Hai người đã gặp nhau ở Philippines và Mark Tucker đã mô tả về ước mơ xây dựng thành công một doanh nghiệp tài chính tiêu dùng đầu tiên ở Việt Nam và sau đó là khắp châu Á. Câu chuyện đó đã thực sự truyền cảm hứng mạnh mẽ khiến Kalidas Ghose quyết định cùng vợ đến Việt Nam.
"Thời điểm đến Việt nam, chúng tôi vẫn chưa có con. Các con tôi đã chào đời sau khi chúng tôi đến đây. Chúng tôi đã vô cùng ấn tượng với đất nước này. Đó là năm 2006, đã hơn 13 năm nhưng đến giờ phút này chúng tôi vẫn cảm nhận được những mảnh ghép ở Việt Nam, đời sống tinh thần và cả những hoạt động của người dân lúc đó" – Kalidas Ghose nhớ lại quãng thời gian khi ông bắt đầu đặt chân đến Việt Nam.
Vợ chồng ông đến cả Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Dù quãng thời gian trước đó ông đã làm việc trong một tổ chức lớn như Citigroup, nhưng tới Việt Nam, trải nghiệm mọi thứ tại hai thành phố lớn nhất cho ông thấy được cơ hội để tự mình tạo nên một điều gì đó khác biệt trong tương lai tại một công ty chưa từng có kinh nghiệm về mảng kinh doanh tiêu dùng.
Ông Kalidas Ghose cũng cho biết, các con của ông có phần lớn thời gian sinh sống ở Việt Nam, chúng yêu thích nền văn hóa ở đây và vợ ông cũng vậy. "Vợ tôi cảm thấy đây là nơi mà chúng tôi có thể sống và làm việc ít nhất là cho đến khi các con gái của tôi vào đại học. Chúng có thể sẽ tốt nghiêp ở đây. Tôi đã bàn với vợ tôi chuyển đến một đất nước khác hoặc trở lại Ấn Độ nhưng có vẻ như họ thích khí hậu, ẩm thực, con người và cuộc sống ở Việt Nam đến mức không muốn chuyển đến nơi khác".
Kalidas Ghose cho biết bản thân đã từng làm việc trong một nền văn hóa không thật sự quen thuộc với mình, tại Philippines. Vì vậy, ông có kinh nghiệm thích nghi, điều chỉnh mô hình kinh doanh và cuộc sống cá nhân để phù hợp với văn hóa mới, môi trường mới.
Còn văn hóa doanh nghiệp nơi ông làm việc là tập trung xoay quanh 4 giá trị cốt lõi bao gồm trọng tâm, đoàn kết, đơn giản, trách nhiệm. Các cuộc họp của ông với cán bộ nhân viên thường rất ngắn và chỉ họp khi thật sự cần thiết, và chỉ giới hạn cho việc ra các quyết định thực sự, hơn là chỉ bàn bạc chung chung.
Nói về những gì mà Fe Credit có được như ngày hôm nay – công ty tài chính số 1 thị trường Việt Nam – ông Kalidas Ghose cho biết đó là cả một quá trình gian khổ mà ông cùng các cộng sự đã xây dựng và khẳng định vị trí của doanh nghiệp. Dựa trên số lượng khách hàng khổng lồ có được, ông tự hào chứng kiến sự cải thiện từng ngày của khách hàng về thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống. Công ty của ông cũng không ngừng mở rộng mạng lưới điểm bán hàng để có thể có mặt khắp mọi nơi, gắn liền với cuộc sống của người tiêu dùng.
"Dĩ nhiên, cuộc chơi nào cũng có những thách thức, càng tiến xa, thách thức sẽ càng lớn. Một trong những thách thức của chúng tôi là bắt kịp với xu hướng thay đổi của thị trường. Việt Nam là một thị trường đang phát triển rất nhanh. Hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi cùng lúc với việc mức thu nhập được cải thiện và tăng lên từng ngày. Đồng thời, với một công ty phát triển với tốc độ như chúng tôi thì quản lý rủi ro đôi khi cũng trở thành một rào cản, nhất là khi ngày càng nhiều đối thủ mới gia nhập thị trường. Thỉnh thoảng một số vấn đề thực tiễn trong ngành có thể dẫn đến rủi ro cho toàn công ty và việc kiểm soát rủi ro đó cũng là một thách thức đối với chúng tôi" - Kalidas Ghose nói về những thách thức mà công ty số 1 thị trường tài chính tiêu dùng phải đối mặt hiện nay.
Ông Kalidas Ghose chia sẻ, hoạt động tài chính tiêu dùng sẽ ngày càng có nhiều cạnh tranh. Song cạnh tranh gia tăng có thể xem là yếu tố tích cực giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, nhưng đồng thời cũng kéo theo sự cạnh tranh không lành mạnh và rủi ro trong hoạt động bán hàng khó được kiểm soát, làm tổn hại đến uy tín của ngành. Và mục tiêu của ông là duy trì vị trí dẫn đầu ngành dịch vụ tài chính của Fe Credit, đồng thời giành được sự tin tưởng từ khách hàng cũng như đối tác và các nhà đầu tư.
Đánh giá về triển vọng của tài chính tiêu dùng, ông Kalidas Ghose cho biết ngành tài chính tiêu dùng ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên sự tăng trưởng này vẫn còn rất nhỏ so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và do đó ngành này vẫn còn nhiều cơ hội phát triển.
Ông dẫn số liệu tỷ lệ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 11,4% tổng dư nợ cả nước, trong khi con số này là 40-50% ở các nước phát triển. Còn dữ liệu từ World Bank cho thấy trong năm 2017, chỉ có 31% dân số trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng; 32% còn lại cho biết họ không có tài khoản ngân hàng vì không đủ tiền. Tương tự, tỉ lệ dân số trẻ đồng thời cũng là thành phần lực lượng lao động chính đang gia tăng cùng với nguồn thu nhập ngày càng được cải thiện trong những năm gần đây tạo tiền đề cho nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
"Có thể nói, tương lai phát triển cho thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn rất triển vọng" – ông nhận xét và thêm rằng, ngành tài chính tiêu dùng đang được xem là động lực thúc đẩy nền kinh tế, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế liên tục, gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức, giúp đẩy lùi nạn tín dụng đen. Những dấu hiệu này cho thấy tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng đồng thời cũng thu hút nhiều tổ chức "dấn thân" vào thị trường.