Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

VietinBank trước nguy cơ suy giảm sức mạnh tài chính

THEO DOANH NHÂN VN 16:08 11/10/2020

Vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với VietinBank là tăng vốn do dư địa hầu như đã cạn, đe dọa đến hoạt động của ngân hàng.

Trên thực tế, trong nhiều năm nay, vốn điều lệ của VietinBank không được bổ sung thêm.

Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2020, bao gồm cả nhóm các NHTM Nhà nước, một trong các nguyên do các nhà băng rất nỗ lực để có thể tăng vốn trong năm nay cũng là để đáp ứng Thông tư 41 theo chuẩn Basel II. Song đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn cho kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng. Hệ quả là số ngân hàng tăng vốn trong những tháng đầu năm là khá khiêm tốn và câu chuyện tăng vốn đang dần chuyển về những tháng cuối năm 2020.

Với VietinBank, chia sẻ tại đại hội đông cổ đông thường niên tổ chức gần đây, Chủ tịch Lê Đức Thọ cũng đã nêu khá rõ lộ trình tăng vốn trước mắt của ngân hàng, đó là giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, năm 2018 và sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện tương tự trong năm 2019.

Từ đầu năm 2020, VietinBank bị áp lực hơn khi phải hoàn thành đề án Base II trong đó nổi cộm lên là việc tăng vốn, song song đó thì dại dịch Covid-19 diễn ra đã đẩy ngân hàng này ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm, bị hạ tín nhiệm xếp hạng…

Trung tuần tháng 4/2020, Fitch Ratings đã công bố hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của VietinBank từ "tích cực" xuống "ổn định". Động thái này xuất phát từ số liệu tăng trưởng thấp, dù tích cực của kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng trong thời gian tới. Fitch Ratings mong đợi sự phục hồi kinh tế vững chắc vào năm 2021, dù những tác động xấu từ đại dịch sẽ vẫn còn kéo dài đối với ngân hàng.

Bên cạnh việc bị hạ xếp hạng tín nhiệm thì tình hình kinh doanh trong 3 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam cũng không mấy khởi sắc khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% lên 1,58% dù khoản cho vay giảm 1,2%, lãi thu về cũng giảm so cùng kỳ.

Trong cơ cấu thu nhập, mặc dù cho vay khách hàng giảm nhưng thu nhập lãi thuần của VietinBank vẫn tăng 5,9% trong quý 1/2020 với hơn 8.418 tỷ đồng. Trong các mảng kinh doanh chỉ có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối là giảm 5,2%, các mảng khác đều ghi nhận tăng trưởng.

Đặc biệt, VietinBank còn ghi nhận đột biến như lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán gấp đôi cùng kỳ năm trước; lãi thuần đầu tư chứng khoán đạt hơn 164 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 83 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng tới hơn 84%.

Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của VietinBank tăng hơn 15% với 7.367 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân hàng tăng mạnh chi phi phí dự phòng (hơn 37%) nên lãi ròng trong quý 1 giảm hơn 5% về mức 2.405 tỷ đồng.

Tính đến 31/3, tổng tài sản của VietinBank giảm 1,5% so đầu năm với hơn 1,22 triệu tỷ đồng. Trong đó, huy động tiền gửi tăng nhẹ 0,3% đạt gần 896 nghìn tỷ đồng.

Cho vay khách hàng của VietinBank giảm 1,2% về gần 924 nghìn tỷ đồng nhưng số dư nợ xấu tăng mạnh 57% từ 10.813 tỷ đồng lên 14.617 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,16% cuối năm 2019 lên 1,58%.

Trong đó, cơ cấu nợ xấu của ngân hàng có sự thay đổi đáng kể, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng gần 40% từ 5.677 tỷ đồng lên 7.941 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 tăng mạnh lên gấp gần 5 lần trong khi nợ nhóm 5 lại giảm gần 36%.

VietinBank không công bố cụ thể con số nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng số dư chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành giảm từ 13.168 tỷ đồng (cuối năm 2019) về 10.044 tỷ đồng, tương đương giảm 23,7%.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế quý 2/2020 của Vietin Bank cũng giảm 61% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 58 tỷ đồng và hơn 46 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng tăng gần gấp đôi.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của VietinBank ngày 30/6/2020 là 1,7% song đáng lo là nợ xấu nhóm 3 tăng rất mạnh: hơn 7.155 tỷ đồng, tăng gần 3,5 lần so với đầu năm.

VietinBank ghi nhận lượng tiền gửi của KBNN giảm khoảng 28.200 tỉ đồng, tương đương 40% so với mức chốt năm 2019. Ngân hàng không công bố thông tin chi tiết số dư tiền gửi theo kì hạn nên không rõ việc sụt giảm đến từ tiền gửi có kì hạn hay tiền gửi không kì hạn.

Bên cạnh sự sụt giảm tiền gửi không kì hạn của KBNN, CASA của ngân hàng này cũng giảm từ 16,4% xuống 15,7%.

Việc mất đi hầu hết lượng vốn giá rẻ từ KBNN và sự giảm sút của CASA khiến chi phí trả lãi tiền gửi của nhóm ngân hàng này có xu hướng tăng nhanh.

Về cơ bản, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các NHTM bổ sung nguồn vốn kinh doanh, từ đó tăng khả năng sinh lời, nhưng không phải cứ muốn là có thể thực hiện được ngay. Thực tế, việc chào bán CP riêng lẻ còn phụ thuộc diễn biến thị trường chứng khoán và NH có tìm được nhà đầu tư (NĐT) phù hợp hay không.

Năm 2020, trong bối cảnh thị trường có khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kế hoạch phát hành CP huy động thêm vốn của NH không dễ dàng như trước. Nhiều NH cũng đã tận dụng tối đa các biện pháp để tăng vốn điều lệ, nhưng tỷ lệ vốn vẫn chưa đạt quy định theo tiêu chuẩn Basel II.

Trong khi đó, thời hạn để NH đáp ứng các yêu cầu về vốn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN không còn nhiều. Cụ thể, từ ngày 1/10/2021, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ giảm xuống còn 34% và sẽ giảm tiếp xuống còn 30% từ sau ngày 1/10/2022

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/vietinbank-truoc-nguy-co-suy-giam-suc-manh-tai-chinh-21481.html

Bạn đang đọc bài viết VietinBank trước nguy cơ suy giảm sức mạnh tài chính tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng
Lãi suất huy động và cho vay giảm về mức thấp kỷ lục sẽ tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực. Nhưng cơ hội tất nhiên luôn không dành cho tất cả.