Trong nghiên cứu mới đăng trên cơ sở dữ liệu bioRxiv, Beckmann cùng các cộng sự kiểm tra khả năng chống vết cắn của một số thương hiệu quần áo phổ biến. Nhóm tình nguyện viên mặc những trang phục này rồi đưa cánh tay vào lồng chứa muỗi và đếm số vết cắn. Không loại vải dệt thoi nào trong thử nghiệm có khả năng chống muỗi đốt, nhưng một loại vải dệt kim có thể chống chọi ở mức độ nhất định.
Vải dệt kim gồm nhiều vòng sợi liên kết với nhau chứ không phải gồm các sợi đan cài. Nhiều loại quần áo được làm từ vải dệt kim siêu nhỏ, sản xuất bằng máy và có thể lập trình để dệt theo các mẫu khác nhau.
Nhóm nghiên cứu phát hiện một kiểu dệt kim gọi là interlock (các vòng sợi xếp chồng lên nhau) có thể ngăn cản vết đốt. Họ nhận thấy, việc tăng chiều rộng sợi chỉ và giảm chiều dài đường dệt tiếp tục giúp tăng cường thêm khả năng này. Tăng tỷ lệ chất liệu spandex so với bông hoặc polyester cũng hữu ích. Nhóm nghiên cứu cho biết, loại vải chống muỗi của họ có thể ngăn chặn vết đốt của ít nhất hai loài, muỗi vằn Aedes aegypti kích thước nhỏ và muỗi Psorophora howardii lớn hơn nhiều.
Khi muỗi bắt đầu đâm vòi vào vải, các vòng sợi khép lại và ngăn vòi xuyên tới da, theo Beckmann. Một số mẫu vải dệt kim mà nhóm nghiên cứu tạo ra cứng hơn các loại vải tiêu chuẩn, nhưng họ đã tìm thấy một mẫu có độ thoải mái tương đương. Bản quyền công nghệ do Đại học Auburn nắm giữ và nhóm nghiên cứu dự định cấp phép cho các công ty quần áo.
"Nếu tôi có thể mua một chiếc áo với độ thoải mái và mức giá tương đương, đồng thời ngăn được muỗi đốt, chắc chắn tôi sẽ thích chiếc áo đó hơn", Beckmann nói.
Beckmann chưa rõ tỷ lệ vết đốt qua quần áo so với trên da trần, nhưng ông hy vọng loại vải mới sẽ giúp giảm đáng kể sự lây lan của các bệnh liên quan đến muỗi như sốt xuất huyết, Zika và sốt rét. Beckmann cũng dự định thử nghiệm xem vải dệt kim chống muỗi có giúp chống lại các loại côn trùng khác như kiến lửa và ruồi hay không.
Theo ViệtQ