Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

'Mở cửa phải đi đôi với đảm bảo an toàn'

người đưa tin 11:47 23/09/2021

Nếu thực hiện không đúng, khi mở cửa có giao lưu quận này với quận kia thì dịch bùng phát, “dịch chồng dịch” sẽ rất nguy hiểm.

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát được các chuyên gia đánh giá là diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Dịch lây lan ra nhiều địa phương trên cả nước, trong đó Tp.HCM, Hà Nội, các tỉnh miền Tây Nam Bộ…có chiều hướng phức tạp, cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương để dập dịch.

Đã có những chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt thời gian qua cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch.

'Đánh giá về ý nghĩa của việc thực hiện khoanh vùng quyết liệt, giãn cách, xét nghiệm diện rộng thời gian qua trao đổi với Người Đưa Tin, Thầy thuốc Nhân dân, Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, cho rằng đây là điều cần thiết. Việc xét nghiệm diện rộng giúp sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn nguồn lây, ngăn chặn nguy cơ bùng phát các ổ dịch.

“Biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, từ một ca nhiễm ban đầu thì có thể lây cho 5-7 người và chu kỳ quá ngắn chỉ có 2 ngày. Chỉ từ một nguồn lây ban đầu sau một tháng đã có hàng chục nghìn F0 rồi, nếu như ta không khống chế và dập dịch kịp thời. Vì vậy, xét nghiệm là rất cần thiết, nếu không xét nghiệm diện rộng để đi sớm một bước so với tốc độ lây nhiễm thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Các biện pháp khoanh vùng quyết liệt, giãn cách xét nghiệm diện rộng là chủ trương đúng đắn”, bác sĩ Tuấn bày tỏ.

Nhìn lại Tp.HCM ở thời điểm khi số ca nhiễm tăng, có ngày lên đến 5-6.000 ca, bác sĩ Tuấn bày tỏ việc tiến hành thực hiện bóc tách F0 và thực hiện nghiêm giãn cách là yếu tố quyết định giúp cho ca nhiễm giảm dần.

Trong khi đó, trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần Kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM cho rằng, việc thực hiện khoanh vùng quyết liệt, giãn cách tại các địa phương có dịch thời gian qua cho thấy tính hiệu quả và mang ý nghĩa nhằm hạn chế F0, ngăn ngừa virus lây lan ra cộng đồng.

“Để đẩy nhanh được tiến độ bao phủ vắc-xin như mục tiêu đề ra, theo tôi cần phải đẩy nhanh tiến độ đàm phán và có vắc-xin sản xuất trong nước. Có như vậy thì mới có đủ vắc-xin để bảo vệ người dân”, bác sĩ Khanh bày tỏ.

“Mở cửa nhưng phải đảm bảo an toàn”

Nêu dẫn chứng thêm về hai địa phương thực hiện khoanh vùng quyết liệt, giãn cách thời gian qua là Tp.HCM và Hà Nội, bác sĩ Tuấn cho rằng Tp.HCM đang thí điểm mở cửa một số vùng xanh để tiến tới mở cửa toàn phần, còn Hà Nội mới nới lỏng giãn cách từ 21/9 đây là bước đi phù hợp với thực tiễn.

“Tp.HCM đang có chủ trương “mở cửa” từng phần để tiến tới hoạt động trở lại. Có nghĩa, thành phố hiện đang mở cửa thí điểm tại quận 7, huyện Củ chi và huyện Cần Giờ - là vùng xanh. Mở cửa hoạt động cho những đối tượng đã được cấp thẻ xanh (F0 đã được chữa khỏi, người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin). Tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng, phù hợp với tình hình thực tế của Tp.HCM”, bác sĩ Tuấn cho biết.

Từ những phân tích trên, bác sĩ Tuấn bày tỏ: “Làm sao chủ trương mở cửa từng phần, rất thận trọng tại Tp.HCM phải đi đôi với sự đảm bảo an toàn. Còn nếu thực hiện không đúng, khi mở cửa có giao lưu quận này với quận kia thì dịch bùng phát, “dịch chồng dịch” sẽ rất nguy hiểm”.

Vị bác sĩ này cũng lưu ý, mở cửa thí điểm và nếu thực hiện tốt thì sẽ mở dần dần. Nhưng việc mở cửa phải tăng cường xét nghiệm.

“Chúng ta không thể chung sống hoà bình với Covid-19, vì virus Sars-CoV-2 luôn luôn tìm cách "tiêu diệt" chúng ta. Vì vậy, trong quá trình buộc phải sống chung đó, ta phải tìm mọi cách để tồn tại bằng xét nghiệm phát hiện sớm để khống chế dịch. Việc xét nghiệm phải làm thường xuyên, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, chặn đứng nguồn lây là điều hết sức cần thiết. Khi thấy vùng nào xanh trở lại thì tiếp tục mở rộng. Một điều quan trọng nữa đó chính là ý thức của người dân trước đại dịch, ý thức trong việc thực hiện 5K, hợp tác với chính quyền để làm sao khống chế được dịch. Ngoài ra, phải củng cố y tế cơ sở, nâng cao năng lực y tế để ngăn chặn dịch”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Quay trở lại với Hà Nội, bác sĩ Tuấn cho rằng cũng giống Tp.HCM, chủ trương đường lối đúng phải đi đôi với thực hành. Cùng với đó, ý thức của người dân vẫn là điều quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch.

“Tránh tụ tập, làm sao giảm lây nhiễm nhất, giãn cách tốt nhất. Theo tôi, cả chính quyền và người dân phải ý thức được điều này. Bởi, nếu “cánh cửa mở ra rồi đóng lại” thì sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn”, bác sĩ Tuấn cho hay.

Thêm một vấn đề nữa cũng được bác sĩ Tuấn lưu tâm đó chính là đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhưng vẫn cần thực hiện tốt thông điệp khuyến cáo của Bộ Y tế.

“Kể cả nước ngoài bao phủ vắc-xin rồi thì vẫn thực hiện 5K, khi có ca nhiễm ngoài cộng đồng ở địa phương nào thì địa phương đó cũng tiến hành phong toả… Hiện nay, trong nước chúng ta chưa đạt miễn dịch cộng đồng. Cho nên, chiến dịch tiêm phủ vắc-xin cần tiêm nhanh, tiêm thần tốc mới đạt hiệu quả cao. Do đó, các phương án sống chung với dịch vẫn cần thực hiện 5K, chúng ta cũng cần tăng tốc việc tiêm phủ vắc-xin cho trẻ em dưới 12 tuổi”.

Cũng bày tỏ quan điểm về lộ trình nới lỏng giãn cách tại Hà Nội, Tp.HCM, bác sĩ Khanh cho rằng điều này là phù hợp với tình hình thực tiễn: “Hà Nội cũng đã tiến hành xét nghiệm diện rộng, tiêm vắc-xin và chuẩn bị sẵn khối điều trị, giường bệnh. Nên nới lỏng là điều phù hợp. Còn Tp.HCM tập trung vào khối điều trị là chủ yếu, việc nới lỏng phải nới từ từ để làm sao đảm bảo an toàn khi mở cửa trở lại, tránh dịch bùng phát”.

Chốt kiểm dịch là “lá chắn thép”

Yên Bái là một trong số ít tỉnh nằm trong “tỉnh vùng xanh” an toàn trên bản đồ Covid-19 của cả nước kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Để bảo vệ “vùng xanh”, trả lời Người Đưa Tin, một lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Yên Bái cho rằng đó là do sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành chức năng, các y bác sĩ, lực lượng công an ở tuyến đầu chống dịch. Cùng với đó là tinh thần đoàn kết, tự nguyện, tự giác của mỗi người dân trên địa bàn toàn tỉnh trong công tác phòng, chống dịch.

Lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái cũng cho biết để bảo vệ “vùng xanh” an toàn, thì việc siết chặt các biện pháp kiểm soát người và phương tiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, không để dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh. Những chốt kiểm dịch chính là “lá chắn thép” hỗ trợ cho công tác kiểm soát dịch bệnh và rà soát các trường hợp cần cách ly. Cùng với đó, việc tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng được các địa phương trên địa bàn tích cực triển khai.

“Yên Bái có 9 chốt kiểm dịch y tế liên ngành đặt tại các cửa ngõ đi vào tỉnh. Ngoài ra, còn lập hơn 50 chốt tự quản ở các đường mòn, lối nhỏ đi vào tỉnh. Các địa phương tự phát hiện, quản thật chặt người ra vào địa bàn thông qua 2 vòng. Vòng 1, những người đi qua chốt kiểm soát đều phải khai báo y tế, khai báo lịch trình di chuyển; vòng 2 là các Tổ Covid cộng đồng tại các thôn, bản, địa phương làm nhiệm vụ kiểm soát, nắm tình hình, khi có người lạ vào hay người đi từ vùng dịch về thì phải báo ngay cho cấp uỷ chính quyền được biết và xử lý theo quy định”, vị lãnh đạo này thông tin.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/mo-cua-phai-di-doi-voi-dam-bao-an-toan-a528263.html

Bạn đang đọc bài viết 'Mở cửa phải đi đôi với đảm bảo an toàn' tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật