Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho biết doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn do những bất cập, chồng chéo của hệ thống pháp luật.
Chủ tịch GP.Invest cho rằng trong tất cả các loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp bất động sản khó khăn nhất vì bị chi phối bởi khoảng 10 bộ luật như Luật Xây dựng, Đấu thầu, Kinh doanh nhà ở, Đất đai… Ông ví von doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hiện như ở trong một ma trận, chịu tác động bởi các luật, đúng luật này thì sai luật khác.
ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest. Ảnh: L.Tùng. |
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng lấy ví dụ thị trường TP HCM đang có hơn 200 dự án ách tắc, định trệ do sự bất cập của các bộ luật. Trước đây, Luật Đầu tư cho phép một doanh nghiệp có quỹ đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất có thể hợp tác với đối tác thứ 2 hoặc thành lập công ty mới để cùng đầu tư. Nhưng Luật Đất đai hiện không cho phép điều này. Từ ví dụ này, ông cho rằng luật đầu tiên phải sửa để đảm bảo sự vận hành của thị trường bất động sản là Luật Đất đai.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng kêu khó khi bản thân doanh nghiệp của ông theo đuổi một dự án 12 năm, đầu tư khoảng 90 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dự án 20 ha ở Việt Trì, Phú Thọ của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng hiện có 32 hộ dân không chấp nhận phương án đền bù mà theo lý giải của ông là xuất phát từ quy định đền bù của luật Đất đai.
"Hệ số đền bù do cấp tỉnh quy định, mà mỗi tỉnh lại đưa ra một hệ số riêng. Ví dụ Phú Thọ chỉ cho hệ số 1, tức 150.000 đồng/m2, trong khi đó Thái Nguyên đền bù với hệ số 4, Bắc Giang hệ số 5, điều này gây ra sự bất cập trên toàn bộ thị trường. Tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc quy định đưa ra, không được tăng giá đền bù. Từ đó, dân và doanh nghiệp không thoả hiệp được. Như vậy theo đuổi một dự án trong 12 năm, qua 5 đời chủ tịch tỉnh nhưng dự án của chúng tôi vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng", ông Hiệp nói.
Tại Hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, Tổng giám đốc CTCPVinhomes, cũng cho biết doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động trên thị trường bất động sản. Văn bản mới đây của Bộ Tài nguyên & Môi trường mới chỉ hướng dẫn cấp sổ đỏ cho condotel mà chưa có hướng dẫn về officetel, chưa quy định rõ các hình thức sở hữu đối với cơ sở lưu trú hình thành trên đất ở. Cũng theo lãnh đạo này, việc giao đất BT không đồng bộ hay việc cấp sổ đỏ, tách sổ đỏ cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam chưa được quy định rõ ràng là những khó khăn mà doanh nghiệp này đang gặp phải.
Theo Người đồng hành