Hà Nội, Thứ Tư Ngày 09/10/2024

Sai phạm của Tập đoàn Bitexco ở Hà Nội

BÁO NÔNG NGHIỆP VN 10:10 23/09/2020

Tập đoàn Bitexco bán chui hàng trăm biệt thự, sau 4 năm mới bị phát hiện

Thành phố Hà Nội kí hợp đồng BT với Tập đoàn Bitexco, nhân dân bị mất nhiều đất đai nhưng chưa được hưởng lợi gì, còn doanh nghiệp thì thu về cả ngàn tỉ đồng...

Tập đoàn Bitexco vi phạm 4 năm mới bị Thành phố Hà Nội xử lý

Theo tài liệu của Nông nghiệp Việt Nam, kể từ khi được UBND Thành phố Hà Nội lựa chọn, chấp thuận thực hiện các dự án Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 và Dự án xây dựng tuyến đường nối khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, Tập đoàn Bitexco đã liên tục có những vi phạm. Điều đáng nói là những vi phạm đó diễn ra liên tục trong thời gian dài và chính quyền Hà Nội cũng liên tục có những động thái nương tay đối với doanh nghiệp này.

Đầu tiên là những vi phạm về xây dựng. Ngày 11/4/2017, Sở Xây dựng Hà Nội phát hiện Tập đoàn Bitexco xây 6 căn nhà cao hơn bản vẽ được phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra chủ đầu tư cũng như các nhà thầu thi công chưa cung cấp đủ các hồ sơ pháp lý của dự án, hồ sơ thi công, năng lực các nhà thầu. 4 giếng khoan nước phục vụ thi công, nước thải xây dựng công trình xả thẳng vào mương thoát nước chung của thành phố.

Năm 2018, quận Hoàng Mai phát hiện Tập đoàn Bitexco tổ chức xây dựng không phép trên ô đất 3-CC... Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã ký quyết định xử phạt với mức phạt 40 triệu đồng với hành vi trên.

Hành vi bất chấp quy định pháp luật của Tập đoàn Bitexco thể hiện ở chỗ, mặc dù chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động bảo vệ môi trường (ĐTM) hạng mục nhà ở thấp tầng theo quy định, nhưng từ năm 2016, Bitexco đã xây dựng 552 căn dạng liền kề, biệt thự và bán cho khách hàng về ở với mức giá hàng chục tỷ đồng mỗi căn.

Mãi đến giữa năm 2020, khi tổ công tác của UBND huyện Thanh Trì mới phát hiện điều này và đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý hành vi vi phạm của Tập đoàn Bitexco.

Cụ thể, ngày 17/6/2020, đoàn kiểm tra của UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức làm việc với Bitexco để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, đồng thời kiểm tra công tác phân loại, thu gom, tập kết và vận chuyển chất thải xử lý theo quy định.

Trong quá trình làm việc, Tập đoàn Bitexco đã không cung cấp được ĐTM hạng mục nhà ở thấp tầng trong khi trên phần diện tích thuộc địa phận huyện Thanh Trì, Bitexco đã xây dựng căn hộ nhà liền kề thấp tầng.

Ngày 30/6/2020, UBND huyện Thanh Trì có văn bản gửi Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý hành vi vi phạm của Tập đoàn Bitexco do hành vi này đã vượt thẩm quyền của huyện.

Đến lúc này, sau khi Bitexco xây dựng và bán chui biệt thự 4 năm, UBND Thành phố Hà Nội mới có quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 350 triệu đồng. Văn bản xử phạt của Thành phố Hà Nội được gửi đến ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bitexco.

Nên nhớ, thời điểm UBND Thành phố Hà Nội “sờ” đến Tập đoàn Bitexco thì doanh nghiệp này đã bán được 552 căn và còn 375 thấp tầng đã xây dựng xong phần móng, đang được rao bán giai đoạn 2 với giá từ 16 - 39 tỷ đồng/căn. Như vậy, toàn bộ khu vực hơn 10 ha được chấp thuận xây nhà thấp tầng, Tập đoàn Bitexco đã xây dựng và bán chui gần hết khi chưa có căn cứ pháp lý ĐTM.

Ngoài việc để Tập đoàn Bitexco bán chui hàng loạt biệt thự trong một thời gian dài như vậy, Thành phố Hà Nội cũng đã có những dấu hiệu giúp doanh nghiệp này đảo ngược các quy định của pháp luật. Điển hình như việc quy trình cấp phép xây dựng và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể của dự án.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, để dự án được cấp phép xây dựng thì trước đó chủ đầu tư phải được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên, đối với dự án của Bitexco, ngày 30/6/2016, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ký quyết định số 3609/QĐ-UBND về việc Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Hạng mục hạ tầng kỹ thuật, nhưng trước đó nửa tháng (14/6/2016), Sở Xây Dựng Hà Nội đã cấp giấy phép xây dựng số 50/GPXD-SXD cho Tập đoàn Bitexco, được phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Nam đường Vành đai 3.

Không hiểu căn cứ vào đâu cả Sở Xây dựng Hà Nội lẫn Tập đoàn Bitexco có thể thực hiện quy trình ngược như vậy?

3 cái mất và dấu hiệu lợi ích nhóm

Theo Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bitexco, ông Vũ Quang Hội ký, từ năm 2007 Bitexco đã được UBND Thành phố Hà Nội giao lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị Nam đường Vành đai 3.

Ngày 10/4/2014, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tập đoàn Bitexco ký chính thức Hợp đồng Dự án đường BT Chu Văn An theo hình thức chỉ định thầu.

Từ lập quy hoạch đến chỉ định thầu thực hiện dự án BT, dường như Thành phố Hà Nội đã tạo mọi điều kiện để Tập đoàn Bitexco thực hiện siêu dự án tỷ đô, quyết tâm biến đất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân thành khu đô thị.

Trao đổi với NNVN, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân tích: Đây rõ ràng là bất cập của luật pháp. Đáng lẽ đối với công trình đường Chu Văn An, Thành phố Hà Nội phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn phương án rẻ và chất lượng nhất, còn gần 90 ha đất giao cho Tập đoàn Bitexco cũng phải đem đấu giá để thu lợi nhuận cao nhất.

“Các dự án hình thức BT xưa nay thực ra là miếng bánh của lợi ích nhóm. Căn cứ đâu để Thành phố Hà Nội giao cho tập đoàn Bitexco 90 ha đất? Ai là người định giá? Tất nhiên là phải xem thử hợp đồng BT giữa Hà Nội và Bitexco để xem thực các quy trình định giá xây dựng đường Chu Văn An là bao nhiêu, định giá đất để đối ứng cho doanh nghiệp là bao nhiêu?

Rõ ràng một kết quả sai thì phương pháp không bao giờ đúng. Đất được giao doanh nghiệp lấy bán thu tiền hết rồi, nhưng nghĩa vụ đối với nhà nước vẫn còn ngổn ngang, thực trạng này rõ ràng nhà nước bị thiệt hại”, Luật sư Nguyễn Danh Huế phân tích.

Cũng theo ông Huế, nếu không rõ ràng, minh bạch câu chuyện này thì Nhà nước sẽ có nguy cơ phải chịu ba thiệt hại.

Thứ nhất, nếu định giá không chuẩn, Thành phố Hà Nội sẽ mất rất nhiều đất để đổi lấy hạ tầng. Thứ hai, nếu con đường Chu Văn An đúng tiến độ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đằng này lại chậm trễ như vậy thì đã mất đi cơ hội phát triển. Thứ ba là uy tín, Thành phố Hà Nội mất nhiều đất để đổi lấy một con đường chậm tiến độ thì uy tín đối với nhân dân sẽ giảm.

“Để minh bạch theo tôi các cơ quan thanh tra, kiểm toán phải vào cuộc kiểm tra xem hợp đồng BT giưa Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tập đoàn Bitexco có được hiện đúng hay không, các điều khoản, định giá giữ hai bên so với giá thị trường thế nào. Có như vậy thì Nhà nước mới tránh được thất thu, tránh được việc doanh nghiệp đẩy giá lên”, Luật sư Nguyễn Danh Huế khẳng định.

Chỉ bán biệt thự, Bitexco đã thu tiền khủng khiếp

Từ năm 2013, trong nội dung công văn số 2653 của Bộ Xây dựng thể hiện, Khu nhà ở thấp tầng – Dự án Khu chức năng đô thị Nam đường Vành đai 3 có tổng mức đầu tư hơn 1.796 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 116.178m2 thuộc 55 ô đất. Trong văn bản của Bộ Xây dựng, khu thấp tầng của Bitexco có tổng cộng 722 căn hộ được chia làm 3 mẫu là Bạch kim, Vàng và Bạc.

Tuy nhiên, tại quyết định chấp thuận đầu tư của UBND Thành phố Hà Nội ngày 30/6/2015, trong mục các công trình nhà ở thấp tầng, mặc dù chỉ xây dựng trên 43 ô đất (101.321 m2) nhưng có đến 927 căn.

Trong quá trình tìm hiểu về dự án của Tập đoàn Bitexco, phóng viên liên tục được chào mời mua biệt thự với mức giá gần 40 tỷ đồng/căn. Với 927 căn biệt thự, số tiền Tập đoàn Bitexco thu về sẽ vô cùng lớn

Bạn đang đọc bài viết Sai phạm của Tập đoàn Bitexco ở Hà Nội tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật
Trước các cáo buộc việc 'biến' khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, quận 1 từ sở hữu Nhà nước sang tư nhân là do quan hệ tình cảm, ông Nguyễn Thành Tài lý giải những việc bị cáo làm là muốn tốt cho kinh tế