Hà Nội, Thứ Tư Ngày 18/09/2024

Rót hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án “ma” của Vinafood 2: Cần làm rõ trách nhiệm

pháp lý 11:54 01/02/2021

Sau khi biến hơn 6.000 mét vuông đất vàng của Nhà nước thành tư nhân, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Xây Dựng Việt Hân Sài Gòn

(Công ty Việt Hân) đã nhiều lần lập “khống” dự án “ma” đem đi thế chấp tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hàng nghìn tỷ đồng. Vì sao các Ngân hàng có thể dễ dàng “rót” hàng nghìn tỷ cho dự án “ma”? “Lỗ hổng” đến từ đâu và “bít” nó như thế nào? Trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan trong giám sát, kiểm soát hoạt động ngân hàng tới đâu?… PV Pháp lý cùng chuyên gia sẽ phân tích rõ trong bài viết sau.

“Rót” hàng nghìn tỷ đồng cho dự án “ma”

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành báo cáo số 2099/BC-TTCP ngày 2-12-2020 về những sai phạm của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) liên quan đến Khu đất vàng hơn 6.200m2 tại TP. HCM. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sại phạm của Vinafood 2 trong chuyển đổi đất công thành đất tư.

Đáng chú ý, không chỉ là bốn lần làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, hợp tác lòng vòng với Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Xây Dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân) để “hô biến” đất công thành đất tư, các doanh nghiệp còn nhiều lần lập dự án khống để thế chấp vay hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng trái quy định pháp luật. Trong đó vay của ngân hàng Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 518 tỷ đồng; vay của ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 6.308 tỷ đồng.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ phát hiện, giai đoạn từ 2010 – 2015 Vinafood 2 không thực hiện lập lại phương án sắp xếp 4 cơ sở nhà đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM theo quyết định 09 năm 2007 của Thủ tướng để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, trình Thủ tướng quyết định. Vinafood2 đã hợp tác cùng Công ty Việt Hân lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với 4 khu đất này để để lập dự án “khống”, rồi mang đi thế chấp ngân hàng và vay 518 tỷ đồng từ Ngân hàng Techcombank để trả nợ cho các công ty con.

Trong quá trình hợp tác với Công ty Việt Hân, thông qua chiêu thức thoái vốn nhà nước bốn lô đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh đã bị Công ty Việt Hân mua lại. Sau đó Việt Hân Sài Gòn lập hồ sơ dự án đầu tư “khống” mang tên The Goldmark Preminum Tower. Các công ty trong dự án này đã ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn với gói vay của ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và được giải ngân ngay khoảng 6.308 tỷ đồng.

Khoản vay này được Công ty Việt Hân Sài Gòn chi cho các công ty con, gồm: Công ty cổ phần Bạch Minh Long, Công ty cổ phần Supreme Power, Công ty cổ phần Đầu tư Thuận Nha, Công ty cổ phần Clover Peak, Công ty cổ phần Đầu tư Thanh Man, Công ty cổ phần Đầu tư Song Phú.

Khi các khoản vay và lãi trả cuối kỳ này đến hạn sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác để giải ngân và cho vay mới. Chiêu này được lặp đi lặp lại nhiều lần, số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước.

Khi đoàn thanh tra liên ngành vào cuộc kiểm tra, tất cả công ty này đã chủ động đề nghị dùng tài sản khác để thế chấp. Đó là các bất động sản tại dự án khu dân cư lô 9A2 khu 9A+B, khu chức năng số 9 Đô thị mới Nam TP. HCM, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư và phát triển bất động sản Việt Liên Á làm tài sản bảo đảm thay thế cho 4 thửa đất số 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Chinh.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng nói trên vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Chính sách tín dụng, Quy trình lõi cấp tín dụng, Quy chế phán quyết cấp tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần.

Qua đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ 2013 đến nay và các khoản vay liên quan tới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại 4 cơ sở nhà đất (33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh). Đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan tới sai phạm.

Vì sao Ngân hàng dễ dàng “rót” hàng nghìn tỷ cho dự án “ma”?

Đối với ngân hàng, hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp chủ đầu tư thực hiện dự án là hoạt động cơ bản của ngân hàng, đem lại nguồn thu chủ yếu của các ngân hàng thương mại. Ngược lại, doanh nghiệp mang dự án đi thế chấp tại các ngân hàng để lấy tiền triển khai dự án đầu tư là nhu cầu thiết yếu trong hoạt động đầu tư kinh doanh và lâu nay vẫn thường xuyên diễn ra.

Tuy nhiên, tình trạng nhiều dự án tính không đúng không đủ dẫn đến không sinh ra lợi nhuận gây thua lỗ và không có dòng tiền để trả lại cho ngân hàng khiến nguy cơ về nợ xấu tăng cao. Các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tín dụng gây ra tổn thất về tài chính nghiêm trọng, hơn nữa có thể làm cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng bị thua lỗ, thậm chí là phá sản ngân hàng gây ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia. Do đó, pháp luật đã quy định rất rõ ràng về hoạt động này.

Cụ thể, Điều 147, Luật Nhà ở 2014 có quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.

Bên cạnh đó, Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ rõ: Chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở đó.

Tuy nhiên, theo quy định Luật nhà ở 2014 và Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện: Trường hợp chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trường hợp chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án thì ngoài điều kiện trên, nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng và không nằm trong phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp…

Cũng theo quy định tại Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi thực hiện giao dịch chủ đầu tư phải cung cấp hồ sơ thế chấp để vay vốn tại tổ chức tín dụng bao gồm các giấy tờ sau: Hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt; Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản gốc); Hợp đồng thế chấp phù hợp với quy định của pháp luật; Các giấy tờ khác (nếu có)…

Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã có nhiều quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng như Luật tổ chức tín dụng 2010, các Thông tư, Nghị định hướng dẫn… nhằm đảm bảo an toàn hoạt động đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như từng của từng tổ chức tín dụng.

Như vậy, có thể thấy về mặt pháp luật đã có các quy định làm cơ sở pháp lý cho hoạt động cấp tín dụng dự án của các ngân hàng thương mại đối với các chủ đầu tư là rất rõ ràng và chặt chẽ bao gồm các quy định điều kiện thế chấp, trình tự thủ tục, hồ sơ cho vay.

Liên quan đến những sai phạm “động trời” của Vinafood2 trong việc quản lý sử dụng hơn 6000 m2 đất vàng tại TP. HCM, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ rõ, bên cạnh hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, sai phạm về thuế… Vinafood 2 và Công ty Việt Hân còn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với khu đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM để nhiều lần lập dự án “khống”, rồi mang đi thế chấp và vay hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng Techcombank và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB).

Điều này đặt ra hàng loạt những nghi vấn trong việc chấp hành các quy định pháp luật đối với chính sách tín dụng, quy trình lõi cấp tín dụng, quy chế phán quyết cấp tín dụng của ngân hàng này… khi thực hiện giải ngân cho dự án “khống” của Vinafood và công ty Viêt Hân.

Cũng như nhiều câu hỏi lớn về vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong giám sát, kiểm soát hoạt động trong nội bộ ngân hàng và bên ngoài, trong đó có Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với hoạt động của các ngân hàng này cần lời giải đáp. ….

Chuyên gia kiến nghị gì?

Nhìn lại những năm qua, ngành ngân hàng từng chứng kiến liên tiếp hàng loạt những “đại án” gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng như đại án xảy ra ở ngân hàng ACB, Ngân hàng Xây Dựng VNCB, đại án OceanBank, đại án BIDV… xung quanh những vụ án này, nhiều chuyên gia đã phân tích, mổ xẻ tìm ra những kẽ hở, yếu kém để đưa ra giải pháp ngăn chặn.

Trao đổi với PV Pháp lý, một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng cho rằng, những sai phạm của ngân hàng trong mấy năm vừa qua đến từ rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là sự lạm dụng quyền hành trong ngân hàng. Rất nhiều sai phạm đều bắt nguồn từ Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc người được Chủ tịch hội đồng quản trị tiếp tay, từ việc phê chuẩn những tín dụng cho các bên liên quan, cho các công ty con, công ty liên quan của các thành viên hội đồng quản trị cho đến lập chứng từ khống để cho vay…

Nhìn từ vụ án tại VNCB cho thấy, người đứng đầu ngân hàng này là Phạm Công Danh có thể chỉ đạo thuộc cấp rút ruột ngân hàng cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng rất dễ dàng. Hay trong vụ án ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình lạm dụng chức vụ để chỉ đạo cấp dưới xuất quĩ chi sai nguyên tắc, lập chứng từ thu khống hàng trăm tỷ đồng… Điều đó cho thấy, hệ thống giám sát nội bộ của ngân hàng hoàn toàn tê liệt, nhất là khi sai phạm lại được chỉ đạo bởi chính người đứng đầu.

Bên canh đó, cơ chế thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng nhà nước đối với các ngân hàng trong thời gian vừa qua chưa hiệu quả. Thực tế cho thấy Ngân hàng nhà nước thường tỏ ra bị động hoặc có thông tin vi phạm mới tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Thực tế, có những người được tin tưởng giao nhiệm vụ kiểm soát ngân hàng nhưng đã không những không làm tròn được chức trách, nhiệm vụ của mình mà còn thông đồng, cấu kết gây nên thất thoát lớn cho ngân hàng. Thí dụ, liên quan những sai phạm tại VNCB, cơ quan chức năng đã truy tố, xét xử Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng nhà nước đặt tại VNCB và các cá nhân có liên quan về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ những sai phạm cá nhân cũng cho thấy, dưới góc độ quản lý nhà nước đã bộc lộ sự thiếu chặt chẽ, chưa sâu sát trong quản lý, dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao.

Trở lại với vụ việc của Vinafood 2, những bài học xương máu về công tác nhân sự, về quản trị ngân hàng, bài học về công tác thanh tra giám sát… lại một lần nữa được rút ra. Những cá nhân, tổ chức nào liên quan? Cần điều tra làm rõ để truy cứu, xử lý nghiêm trước pháp luật?…

Tuy nhiên, yêu cầu cấp thiết trước mắt đặt ra đối với ngành ngân hàng là cần sớm có giải pháp bít những “lỗ hổng” để không còn những vụ án như thời gian vừa qua. Và những giải pháp quan trọng phải được kịp thời thực hiện là:

Thứ nhất, đối với bản thân các ngân hàng, cần nâng cao vai trò của Ban kiểm soát, thành viên độc lập của HĐQT. Ban kiểm soát phải làm việc độc lập với các thành viên HĐQT để sớm có biện pháp ngăn chặn những sai phạm, tránh để đến khi cơ quan chức năng qua thanh tra, kiểm tra mới phát hiện thì đã muộn.

Thứ hai, đối với Ngân hàng nhà nước cần có cơ chế để theo dõi kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra nội bộ của các ngân hàng thương mại. Phải ban hành bộ quy tắc về đạo đức kinh doanh trong ngân hàng và phải thực hiện nghiêm chỉnh.

Thứ ba, Ngân hàng nhà nước cần phải rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh hoạt động giám sát thanh tra các ngân hàng một cách chặt chẽ hơn. Phát triển đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng đủ về số lượng và có năng lực, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu cao hơn về quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng.

TÍT GỐC: Rót hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án “ma” của Vinafood 2: Chuyên gia kiến nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan giám sát, kiểm soát hoạt động hai ngân hàng

Link gốc : https://phaply.net.vn/rot-hang-nghin-ty-dong-cho-cac-du-an-ma-cua-vinafood-2-chuyen-gia-kien-nghi-lam-ro-trach-nhiem-ca-nhan-to-chuc-co-lien-quan-giam-sat-kiem-soat-hoat-dong-hai-ngan-hang/

Bạn đang đọc bài viết Rót hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án “ma” của Vinafood 2: Cần làm rõ trách nhiệm tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật
Ở Hà Nội, có những địa bàn dân cư cả chục ngàn dân nhưng không có một khu thể thao, vui chơi đúng nghĩa. Thế nhưng, nhiều công viên bị xà xẻo không thương tiếc. Có nơi bị cho thuê với giá bằng cốc trà